Cuộc đời Đào Duy Từ trước khi làm quan
Đào Duy Từ sinh năm 1572 ở xã Hoa Trai đất Thanh Hoa (nay là tỉnh Thanh Hóa), đất dụng võ của vua Lê chúa Trịnh. Ông Đào Tá Hán, cha Duy Từ từng làm Quản giáp ca vũ trong hành cung vua Lê Anh Tông ở sách Vạn Lại. Bà Nguyễn Thị Mạch, mẹ Duy Từ cũng là một đào hát có tiếng.
Theo cha mẹ đi biểu diễn khi ở cung đình, lúc tại các lễ hội làng xã, nhờ trời cho một trí nhớ phi thường, mới chín, mười tuổi Đào Duy Từ đã thuộc lòng các vở chèo, tuồng cha mẹ thường diễn, có thể đọc một mạch từ đầu đến cuối không sai một chữ. Những nhân vật trong truyện cổ của Tàu ảnh hưởng nhiều đến đầu óc non nớt của cậu, nhưng Đào Duy Từ tâm đắc nhất với vị quân sư Khổng Minh thời Tam Quốc mà cậu coi là thần tượng.
Nguyễn Bỉnh Khiêm – Khổng Minh của Việt Nam
Khi chúa Trịnh đuổi nhà Mạc lên Cao Bằng, Đào Duy Từ đã trưởng thành, có tiếng là thông kim bác cổ, chữ tốt văn hay. Không phải con vua cháu chúa, con đường lập nghiệp duy nhất đối với Duy Từ là khoa cử.
Song vì xuất thân từ tầng lớp “xướng ca vô loài” nên lần nào nộp đơn ứng thí, ông cũng bị gạt bỏ. Không những thế, Đào Duy Từ còn bị bắt sung quân đi dẹp tàn quân nhà Mạc suốt sáu năm ròng (từ 1593 đến 1599).
Nhưng là người có chí, trong hoàn cảnh nào ông cũng lao vào học tập toàn những vấn đề trọng đại: hết binh pháp, trận đồ đến việc trị quốc, an dân, theo gương Khổng Minh xưa.
Duy Từ tự mở con đường sáng cho mình
Đến khi tuổi đã ngoài “tứ thập” mà vẫn tứ cố vô thân, Đào Duy Từ nghe nói ở Đàng Trong, chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã mất, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên lên thay. Đó là một vị chúa nhân từ, hết lòng thương dân, đang chiêu hiền đãi sĩ để củng cố lực lượng, mở rộng bờ cõi tính chuyện lâu dài.
Đào Duy Từ nhận thấy tình hình đất nước cũng na ná như thời Tam Quốc, thiên hạ chia ba: nhà Mạc chiếm cứ vùng biên giới Cao – Lạng, họ Trịnh áp chế vua Lê nắm quyền ở Đàng Ngoài, họ Nguyễn thế lực đang lên ở Đàng Trong. Đây chính là lúc để ông thi thố tài năng!
Đào Duy Từ tìm kiếm cơ hội
Ý đã quyết, Đào Duy Từ lên đường vào phương Nam lập nghiệp. Nhưng phải làm thế nào để được “chúa biết tên, vua biết mặt”? Dò hỏi mãi, Đào Duy Từ được biết chúa Sãi có một người tâm phúc là Khám lí Trần Đức Hoà chuyên lo việc cung cấp quân lương, hiện được giao cai quản Quy Nhơn. Ông này kết bạn với một điền chủ ở thôn Tùng Châu, huyện Bồng Sơn, Quảng Ngãi.
Nhà Mạc và giai thoại đi sứ ở Tàu hết đời vua vẫn chưa về nước
Đào Duy Từ lân la đến nhà điền chủ nọ, xin làm gia nhân, nhận chăn trâu, cắt cỏ chờ thời. Đàn trâu Duy Từ chăn dắt có đến hàng trăm con mà lúc nào cũng được tắm rửa sạch sẽ, béo mẫm. Chủ lấy làm lạ, hỏi. Ông ta giật mình khi biết Duy Từ là người học rộng tài cao nhưng bất đắc chí. Lập tức vào Quy Nhơn báo cho bạn là Trần Đức Hoà đang giúp chúa trong việc cầu hiền.
Khâm lí Hoà tự đánh xe ngựa ra đón Từ về nhà, gọi là “thầy”. Hai người trò chuyện suốt ba đêm, không tiếp khách. Hỏi mọi việc xưa Nay, Đào Duy Từ đều bàn bạc thấu tình đạt lí, không gì là không thông.
Đến khi đã thân nhau, thấy người đàn ông khắc khổ đã 55 tuổi sống trơ trọi một mình, Hoà mạnh dạn hỏi:
– Thầy có định đón vợ con ở Đàng Ngoài vào không?
Đào Duy Từ cười cay đắng:
– Kẻ tứ xứ lưu vong đi tìm chân chúa, gia thất làm chi cho thêm vướng bận.
– Thế thầy đã tìm được chân chúa chưa?
– Tôi thấy chúa Đàng Trong có chí tự cường, ở ngôi cao mà không khoe khoang, kiêu ngạo. Các đình thần thì trên dưới một lòng, người bốn phương cảm phục mà tụ hội…
Hoà cả mừng:
– Vậy tức là thầy đã quyết dừng chân nơi đây. Nói thật, ta có một đứa con gái yêu, tính tình đoan trang, học hành không dở lắm, nhan sắc chẳng nỗi nào. Nhiều nơi đánh tiếng xin nhưng ta đều chưa thuận. Nếu thầy ưng, ta gả cho.
Đào Duy Từ xúc động quỳ xuống bái tạ:
– Tướng quân vì nghĩa đãi Từ, ân cần, trọng thị, Từ này cảm kích vô cùng. Nay lại có lòng yêu, tác thành cho. Từ xin nhận và lạy tạ.
Trần Đức Hoà cả cười:
– Đứng dậy đi. Đứng dậy đi. Ta biết tài của thầy, phú quý rồi không biết đâu mà kể. Ta cho làm lễ cưới ngay, kẻo muộn thiên hạ lại bảo là ta ham hố giàu sang.
Đến lúc đó Đào Duy Từ mới nói thật gốc gác của mình và đưa cho Đức Hoà bài Ngọa Long cương vãn. Đó là bài thơ nôm dài 136 câu, trong đó Đào Duy Từ ví mình như Ngọa Long tiên sinh tức Khổng Minh. Đức Hoà vừa đọc vừa gật gù:
Ngẫm xem thánh nọ hiền kia
Tài này, nào có khác gì tài xưa…
Lúc ấy, chúa Nguyễn Phúc Nguyên vừa đánh tan quân Trịnh ở cửa sông Nhật Lệ. Khám lí Trần Đức Hoà vào phủ chúa Sãi chúc mừng, rồi tâu:
– Tin này mừng thì mừng thật nhưng thần xin đem đến cho chúa thượng một tin còn mừng gấp bội. Thần mang Gia Cát thời nay đến cho chúa thượng đây.
Đoạn ông rút trong tay áo ra bài Ngoạ Long cương vãn dâng lên. Chúa đọc liền một mạch, mừng như bắt được của. Ngay hôm sau, triệu Đào Duy Từ vào chầu.
Thấy Đào Duy Từ từ xa, chúa Sãi mặc phẩm phục thiết triều bước ra tận cổng dinh đón. Rồi ông dắt tay Duy Từ bước lên điện. Chúa mời ngồi rồi ngồi ngay bên cạnh, trách yêu:
– Sao giờ khanh mới đến. Ta chờ đỏ cả mắt
Đào Duy Từ tìm được chốn dụng tài
Chúa tôi đàm đạo, điều gì cũng hợp ý nhau. Chỉ sau một buổi gặp gỡ, Chúa phong cho Đào Duy Từ làm Nha uý nội tán, tước Lộc Khê hầu, sau là Tham mưu chính sự coi việc triều chính và quân cơ. Từ đó như cá gặp nước, chúa tôi luôn luôn bên nhau như hình với bóng. Đào Duy Từ mang hết tài năng chính trị và quân sự ra phò chúa Nguyễn.
Ông cho đắp luỹ Trường Dục và Nhật Lệ chặn bước tiến của Đàng Ngoài. Nhờ vậy, dù binh lực chỉ bằng một phần ba quân Trịnh, quân Nguyễn cũng chặn đứng được các cuộc Nam phạt của họ. Đào Duy Từ lại biên soạn sách Hổ trướng khu cơ, dạy cho các tướng cách tổ chức, huấn luyện quân sĩ, chế tạo chiến cụ, vũ khí cho quân mình. Ông bày cho chúa Nguyễn cách duyệt đinh, thu thuế theo các bậc, ngạch khác nhau, nhờ đó việc huy động đóng góp của dân chúng được công bằng và ổn định.
Ông cũng đưa ra chính sách khuyến khích khẩn hoang, thu hút được dân li tán tham gia vào phát triển nông nghiệp, làm nên những vụ bội thu liên tiếp, kho lương lúc nào cũng đầy ắp. Đặc biệt, Đào Duy Từ tiến cử cho chúa hai vị tướng tài là Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật làm lương đống triều đình. Trong gần tám năm dưới triều chúa Sãi, bộ mặt của Đàng Trong thay đổi hẳn…
Được coi là đệ nhất công thần, đặc biệt được đánh giá rất cao trong giai đoạn khởi đầu cơ nghiệp của các chúa Nguyễn, Đào Duy Từ về sau được đưa vào thờ chung với các vị chúa khai sáng triều Nguyễn tại Thái miếu trong Hoàng thành Huế.
Đào Duy Từ còn là tác giả vở Sơn Hậu, một vở tuồng kinh điển nên người đời còn phong ông là “ông tổ của ngành hát tuồng” nước Việt.