Chợ Tạ Uyên thuộc đường Tạ Uyên ở quận 5 TPHCM bán các thiết bị cơ khí tự động hóa, nhiều người vẫn quen gọi với cái tên thân thuộc là chợ sắt Tạ Uyên.
Tạ Uyên là ai
Tạ Uyên (1898-1940) tên khác là Châu Xương quê ở làng Côi Trì, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình (nay là xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), là một nhà cách mạng Việt Nam. Ông là một trong ba Bí thư chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh Ninh Bình và từng là Bí thư xứ ủy Nam Kỳ.
Sau khi bị Pháp bắt đi tù ở Côn Đảo Năm 1935 ông cùng một số người đã tổ chức vượt đảo, chạy trốn về đất liền thành công.
Trở về Nam Bộ, ông tiếp tục hoạt động cách mạng. Khi thành lập Liên Tỉnh ủy Hậu Giang (gồm các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Long Xuyên, Châu Đốc), Tạ Uyên được cử làm Bí thư Liên tỉnh ủy Hậu Giang rồi tham gia Ban Chấp hành Xứ ủy và đến tháng 7 năm 1940, Tạ Uyên được cử làm Bí thư Xứ ủy Nam kỳ (thay cho Võ Văn Tần).
Tạ Uyên chính là người đã kết nạp Võ Văn Kiệt vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 11 năm 1939.
Ông đã trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra vào ngày 23-11-1940. Tuy nhiên, một ngày trước cuộc khởi nghĩa, ngày 22-11-1940 ông bị bắt tại Sài Gòn và bị xử tử vào ngày 10 tháng 12 năm 1940.
Để ghi nhận những đóng góp của ông, tên Tạ Uyên được đặt cho nhiều con đường trên cả nước, trong đó có đường Tạ Uyên nổi tiếng ở quận 5 không chỉ với dân Sài Gòn mà còn được nhiều anh em trong ngành cơ khí tự động hóa với cái tên chợ Tạ Uyên.
Chợ Tạ Uyên bán gì
Chợ Tạ Uyên nằm trên đường Tạ Uyên thuộc quận 5 TPHCM là ngôi chợ đường chuyên bán thiết bị cơ khí tự động hóa.
Nhìn chung chợ Tạ Uyên bán nhiều thiết bị mà tại EURODODO có cung cấp, tuy nhiên để cụ thể hơn chúng tôi sẽ viết ra dưới đây những gì mà chúng tôi từng len lõi vào ngôi chợ đường này trong những ngày Sài Gòn nhộn nhịp trở lại sau đợt giãn cách lịch sử.
Hơn 3 tháng cách ly xã hội chúng tôi thấy nhớ Sài Gòn, nhớ những chiều kẹt xe ở Phan Văn Trị Gò Vấp, nhớ đường phố sang trọng Nguyễn Huệ, thèm được đi lại trên con đường xô bồ Võ Văn Ngân Thủ Đức, lại còn muốn tiếp tục lạc đường khi qua quận 5. Và nhớ lồng lộn ngôi chợ đường Tạ Uyên mà chúng tôi thường đến đây để giao hàng cho các sạp.
Dụng cụ cầm tay bảo hộ
Hầu như tất cả các dụng cụ cầm tay mới cũ đều có thể tìm thấy nhiều ở chợ đường Tạ Uyên như là kìm, tua vít, búa, cưa, khóa cửa, chốt cài, tay nắm cửa sổ và cửa ra vào, cảo, taro, dụng cụ cách điện, mõ lết răng, giũa, đục, bộ lục giác, dụng cụ cắt ống, khoan, mút xốp, mũ bảo hộ, giày bảo hộ, áo phản quang, đồng phục lao động…
Thiết bị máy cơ khí
Có thể nói thiết bị cơ khí là linh hồn của chợ đường Tạ Uyên, nhiều khách tới đây để tìm “cái gì đó” mà họ vẫn quen hỏi đường là “Chợ sắt Tạ Uyên” ở đâu? Chúng tôi bắt gặp nhưng không nhớ hết như ron đệm, seal kit, vành chèn, phớt, trục, khớp nối, lò xo, bánh răng, vòng bi bạc đạn, que hàn, chổi than, dây cu roa, dây đồng…
Thiết bị tự động hóa
Các thiết bị tự động hóa ở chợ Tạ Uyên rất đa dạng, đây là nơi mà nhiều end user có thể tìm tới trong trường hợp các partner của họ không đáp ứng nhanh chóng được. Nhìn thấy điển hình như bơm, van, xi lanh, cảm biến, động cơ hộp số, đồng hồ đo nhiệt độ, độ ẩm, áp suất, đo lưu lượng, cân điện tử, encoder bộ mã hóa vòng quay, biến tần, bộ điều khiển, chỉnh lưu, diode, rơ le, bộ hẹn giờ, công tắc, nút nhấn.
Hàng bãi ở chợ Tạ Uyên
Hàng bãi hay là hàng chính hãng đã qua sử dụng được thải ra nhưng vẫn còn sử dụng được hoặc sẽ được mua về sửa chữa để dùng tiếp.
Tạ Uyên tuy không phải là chợ nổi tiếng nhất thành phố Hồ Chí Minh về hàng bãi nhưng nơi đây gần như bạn có thể thấy tất cả các dụng cụ đã qua sử dụng mà nhiều người vẫn thường tìm kiếm.
Lưu ý khi mua hàng ở chợ Tạ Uyên
Chợ Tạ Uyên bán rất đa dạng các thiết bị, dụng cụ, máy móc và thường phân ra theo khu vực. Vì vậy để tìm đúng cái bạn đang cần thì nên hỏi các chủ sạp ở đó về khu vực bán. Tuy nhiên bạn nên mang xe máy theo chứ đừng gửi ở nhà xe vì có thể phải chạy một vòng đấy.
Theo sự hướng dẫn bạn sẽ tìm tới đúng nơi bán, ở đó có nhiều cửa hàng cùng bán những mặt hàng giống nhau, nhìn chung họ rất thân thiện, cởi mở và hiếu khách. Do đó bạn đừng ngần ngại xem hàng, kiểm tra hàng, hỏi giá ở nhiều sạp khác nhau trước khi quyết định mua.
Về giá cả, vì có nhiều loại mới cũ khác nhau nên giá cũng rất bất định, bạn nên tham khảo mức giá sàn trước khi đến đây để chủ động trong việc thương lượng với người bán. Đừng quên xin card liên hệ của nơi bạn mua hoặc thậm chí chưa mua để lần sau không cần đích thân bạn phải tới đây lùng hàng nữa.
Những người bán hàng ở đây rất rành về mặt hàng họ bán, vì thế có thể tư vấn cho khách hàng chọn đúng loại phù hợp với nhu cầu của mình.
Chợ Tạ Uyên là ngôi chợ đặc trưng chuyên biệt có từ lâu đời, nhiều gia đình gắn bó đến mấy thế hệ trong con chợ đường này. Đây cũng là nơi lui tới thường xuyên của dân cơ khí tự động hóa khu vực phía nam.
Thăm lại con chợ đường Tạ Uyên, chúng tôi không quên ghé các sạp quen thuộc để chào hỏi nhau sau mùa dịch đi qua, những tiếng cười sang sảng vẫn còn như ngày nào, rồi khựng lại một lúc khi cả xóm mãi mãi không còn nghe thấy tiếng nói của chú Tư kỳ cựu nữa.
Ngày trở lại Tạ Uyên, chúng tôi rất vui mừng vì thành phố đã dần đi về quỷ đạo nhộn nhịp vốn có, nhưng cũng mang trong mình nổi buồn man mác vì nhiều bạn hàng thân thiết đã không thể chiến thắng với cơn đại dịch mà ra đi vĩnh viễn.
Tuy đây không phải là ngôi chợ mang đậm ký ức như chợ Thuận, nhưng chợ Tạ Uyên đã lưu lại trong tôi thật nhiều những cung bậc cảm xúc trong những năm tháng sống trên đất Sài Gòn phồn hoa.
Câu hỏi thường gặp
Chợ Tạ Uyên có tên gọi khác là gì?
Tên gọi khác của chợ Tạ Uyên là chợ Phạm Hữu Chí – Tân Thành – Nguyễn Chí Thanh, chợ cơ khí Sài Gòn, chợ vật tư quận 5, chợ bán đồ cơ khí cũ tphcm, chợ đồ xe cơ giới, chợ chuyên bán đồ nhựa, bạc đạn Tạ Uyên… Tùy theo mỗi người sẽ có các tên lóng khác nhau cho ngôi chợ này.
Đường Tạ Uyên có từ khi nào?
Đường được xây dựng từ 1954, trước năm 1975 đường có tên là Tôn Thọ Tường, từ ngày 14-08-1975 đổi thành đường Tạ Uyên cho đến nay.
Chợ Tạ Uyên mở cửa lúc mấy giờ?
Từ tờ mờ sáng lúc người dân đi tập thể dục đã thấy các sạp sáng đèn cho đến tối khi không còn ai tham quan mua sắm nữa thì chợ bắt đầu “khép cửa”.
Để lại một bình luận