Sau khi bài Các đời chúa Nguyễn được đăng, nhiều bạn đọc yêu cầu pqt.edu.vn viết tiếp bài lịch sử 13 vua triều Nguyễn. Nay chúng tôi có thời gian tổng hợp, kính mời quý vị cùng tìm hiểu và góp ý thêm.
Danh sách các đời vua triều Nguyễn
Nhà Nguyễn là triều đại phong kiến cuối cùng của lịch sử nước ta, bắt đầu từ khi vua Gia Long Nguyễn Phúc Ánh cháu nội của chúa Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi năm 1802. Nhà Nguyễn tồn tại 143 năm và trải qua 13 đời vua. Ở bài viết này pqt.edu.vn sẽ giới thiệu đến bạn đọc chi tiết về lịch sử cũng như tóm tắt tiểu sử 13 vị vua triều Nguyễn.
TT | Húy danh | Niên hiệu | Thời gian trị vì | Miếu hiệu |
1 | Nguyễn Phúc Ánh | Gia Long | 1802-1820 | Thế Tổ |
2 | Nguyễn Phúc Đảm | Minh Mạng | 1820 – 1841 | Thánh Tổ |
3 | Nguyễn Phúc Miên Tông | Thiệu Trị | 1841 – 1847 | Hiến Tổ |
4 | Nguyễn Phúc Hồng Nhậm | Tự Đức | 1847-1883 | Dực Tông |
5 | Nguyễn Phúc Ưng Chân | Không có | 1883 | Cung Tông |
6 | Nguyễn Phúc Hồng Dật | Hiệp Hòa | 1883 | không có |
7 | Nguyễn Phúc Ưng Đăng | Kiến Phúc | 1883-1884 | Giản Tông |
8 | Nguyễn Phúc Ưng Lịch | Hàm Nghi | 1884-1885 | không có |
9 | Nguyễn Phúc Ưng Kỷ | Đồng Khánh | 1885-1889 | Cảnh Tông |
10 | Nguyễn Phúc Bửu Lân | Thành Thái | 1889-1907 | không có |
11 | Nguyễn Phúc Vĩnh San | Duy Tân | 1907 – 1916 | không có |
12 | Nguyễn Phúc Bửu Đảo | Khải Định | 1916 – 1925 | Hoằng Tông |
13 | Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy | Bảo Đại | 1925 – 1945 | không có |
Bảng danh sách 13 đời vua Nguyễn
Chi tiết về lịch sử 13 vị vua triều Nguyễn
Dưới đây pqt.edu.vn sẽ trình bày tóm tắt tiểu sử chi tiết về 13 vua triều Nguyễn theo thứ tự trị vì từ đầu đến cuối.
Vua Gia Long (1802-1820)
* Tiểu sử vua Gia Long
- Thân phụ: Nguyễn Phúc Luân
- Thân Mẫu: Nguyễn Thị Hoàn
- Huý danh: Nguyễn Phúc Ánh
- Niên hiệu: Gia Long
- Năm sinh: 8 tháng 2 năm 1762
- Năm mất: 3 tháng 2 năm 1820
- Trị vì: 1802-1820 (18 năm)
- Miếu hiệu: Thế Tổ
- Thụy hiệu: Khai Thiên Hoằng Đạo Lập Kỷ Thùy Thống Thần Văn Thánh Vũ Tuấn Đức Long Công Chí nhân Đại Hiếu Cao hoàng đế.
- Lăng tẩm: Thiên Thọ Lăng tại xã Hương Thọ, TX. Hương Trà, Thừa Thiên Huế
* Cuộc đời vua Gia Long
Nguyễn Ánh là cháu nội của chúa Nguyễn Phúc Khoát, vị chúa Nguyễn áp chót ở Đàng Trong. Sau khi cuộc Khởi nghĩa Tây Sơn nổi dậy đã lật đổ gia tộc chúa Nguyễn vào năm 1777, ông trốn chạy và bắt đầu cuộc chiến 25 năm với Tây Sơn để khôi phục ngôi vị.
Ban đầu Nguyễn Ánh chịu nhiều thất bại lớn, có lúc phải chạy sang Xiêm La và sống lưu vong ở đây trong ba năm. Để chống Tây Sơn, ông nhiều lần cầu viện nước ngoài, bao gồm việc mời quân Xiêm đánh vào Nam bộ, hứa cắt đất và cống nạp để mời quân Pháp, và chở 50 vạn cân gạo để giúp quân Thanh đang chiếm đóng Bắc bộ.
Năm 1787, ông đã trở lại và giữ vững được Nam Bộ. Năm Mậu Thân 1788 Nguyễn Ánh lấy lại được Gia Định tuy đã xưng vương mà chưa đặt niên hiệu riêng, vẫn dùng niên hiệu vua Lê.
Về sau, lúc Tây Sơn suy yếu sau cái chết đột ngột của vua Quang Trung vào năm 1792, Nguyễn Ánh bắt đầu tiến đánh nhà Tây Sơn. Tháng 5 năm Nhâm Tuất 1802 thì đánh bại Tây Sơn lấy lại được toàn bộ đất đai cũ của các chúa Nguyễn, Nguyễn Vương Phúc Ánh cho lập đàn tế cáo trời đất, thiết triều tại Phú Xuân – Huế, đặt niên hiệu Gia Long năm thứ nhất, thống nhất đất nước và kết thúc nhiều thế kỷ nội chiến ở Việt Nam.
Gia Long có hai vợ chính: thứ nhất là Thế tổ Thừa Thiên Cao hoàng hậu họ Tống, người huyện Tống Sơn, Thanh Hóa, con gái Quí Quốc công Tống Phúc Khuông. Nguyễn Phúc ánh cưới bà làm vợ năm 18 tuổi, người cung kính, cẩn thận, có phép tắc lễ độ. Bà sinh được hai hoàng tử, con cả là Chiêu chết sớm; con thứ là Hoàng tử Cảnh từng theo Bá Đa Lộc làm con tin sang cầu viện Pháp rồi về nước được lập làm Thái tử, sau bị bệnh đậu mùa mất năm Tân Dậu (1801).
Bà thứ hai là Thuận thiên Cao hoàng hậu họ Trần, người huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên, con gái Thọ Quốc công Trần Hưng Đạt, được tiến vào hầu Nguyễn ánh từ năm Giáp Ngọ (1774), năm Kỷ Dậu (1789) được tấn phong là Tả cung tần, hiệu Nhị phi. Bà sinh được 4 hoàng tử: Nguyễn Phúc Đởm (sau lên ngôi lấy hiệu là Minh Mệnh); Nguyễn Phúc Đài (Kiến An vương); Nguyễn Phúc Hiệu (mất sớm), Nguyễn Phúc Thấn (Thiệu Hòa quận vương). Ngoài 6 người con với hai vợ chính đã kể trên Gia Long còn 7 người con trai với các bà khác, tổng cộng 13 hoàng tử 18 công chúa.
* Các điểm đáng chú ý dưới thời Gia Long Nguyễn Ánh
Triều đại của vua Gia Long chính thức sử dụng quốc hiệu Việt Nam
Để tránh lộng quyền, ngay từ đầu nhà vua bãi bỏ chức vụ Tể tướng
Ở triều đình chỉ đặt ra 6 bộ: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công do các Thượng thư đứng đầu và Tả hữu tham tri, Tả hữu thị lang giúp việc.
Ở trong cung, nhà vua không lập ngôi Hoàng hậu, chỉ có Hoàng phi và các cung tần.
Quản lý đinh khẩu, ruộng đất và thế khóa áp dụng theo mẫu hình thời Lê sơ nhưng được thực hiện trên quy mô lớn hơn, có quy củ hơn. Đáng chú ý là việc làm sổ ruộng (địa bạ) dưới thời Gia Long được tiến hành nhất loạt, có quy mô toàn quốc. Các làng xã phải lập sổ địa bạ ghi rõ từng loại ruộng đất, diện tích, vị trí, công, tư… chép thành 3 bản nộp lên bộ Hộ. Bộ đóng dấu kiềm, lưu 1 quyển, tỉnh giữ 1, xã giữ 1. Năm năm làm lại địa bạ một lần. Đến nay còn lưu giữ khá đủ toàn bộ địa ba Gia Long của các trấn, doanh cả nước
Năm ất Hợi (1815) bộ “Quốc triều hình luật” gồm 22 quyển với 398 điều luật đã được ban hành.
Công cuộc khai hoang vùng đồng bằng sông Cửu Long được tiếp tục. Nhà nước đã bỏ tiền đào kênh thoát nước Thụy Hà và sông Vĩnh Tế tạo thuận lợi cho việc khẩn hoang.
Thời Gia Long khối lượng đê, kè, cống được đắp nhiều nhất so với các triều trước. Năm Giáp Tý 1804, trên đường ra Bắc làm lễ thụ phong của nhà Thanh, Gia Long cũng nêu vấn đề đắp đê để sĩ phu Bắc Hà bàn luận. Mặc dù chưa nhất trí, nhà vua vẫn quyết định đắp đê.
Nguyễn Ánh từng cầu viện Xiêm La cũng như Pháp để đánh quân Tây Sơn, đáng chú ý trong trận Rạch Gầm – Xoài Mút, Chỉ một trận quyết chiến diễn ra không đầy một ngày quân Tây Sơn đã tiêu diệt gần 2 vạn quân Xiêm cùng mấy ngàn quân Nguyễn Ánh, chỉ sót vài nghìn người chạy theo đường thượng đạo trốn về nước.
Triều Nguyễn dưới thời Gia Long một mặt tranh thủ sự ủng hộ và giữ lễ thần phục nhà Thanh, mặc khác lại tạo quan hệ đàn anh đối với Chân Lạp và Ai Lao.
Đối với các nước phương Tây, từ chỗ dựa vào lực lượng của họ để giành thắng lợi chuyển sang lạnh nhạt. Năm Quí Hợi (1803), nước Anh xin mở cửa hàng buôn bán ở Trà Sơn (Quảng Nam) bị nhà vua từ chối. Sĩ quan Pháp đã từng giúp vua được trọng đãi, chầu không phải lạy… Còn yêu sách khác của chính phủ Pháp đều bị khước từ.
Năm Đinh Sửu (1817) tàu buôn Pháp tên là “La paix” (hòa bình) chở hàng sang bán nhưng là hàng không hợp thị hiếu người Việt Nam, phải trở về, miễn thuế. Đến khi tàu Cybèle vào Đà Nẵng đưa thư Hoàng đế (1787) (Bá Đa Lộc thay mặt Nguyễn ánh, có khoản Nguyễn ánh nhường cho Pháp cửa biển Đà Nẵng và đảo Côn Lôn). Gia Long kiên quyết bác bỏ viện lý rằng: Điều ước tuy đã ký nhưng thuở đó phía Pháp không thực hiện thì nay không buôn phương Tây song cũng không mời chào, khuyến khích hoặc có một chính sách tỏ ra chủ động, tích cực hơn.
Lãnh thổ nước Việt thời Gia Long về cơ bản được định hình giống như ngày nay, kéo dài từ biên giới với Trung Quốc tới vịnh Thái Lan, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuy nhiên diện tích miền Trung đã bị thu hẹp lại do Gia Long cắt vùng Trấn Ninh, rộng khoảng 45.000 km² và nay là lãnh thổ của Lào, cho vương quốc Vạn Tượng để nhận lấy sự ủng hộ của họ trong cuộc chiến với nhà Tây Sơn.
Vua Minh Mạng (1820 – 1841)
* Tiểu sử
- Thân phụ: Gia Long
- Thân mẫu: Thuận Thiên Cao Hoàng hậu
- Huý danh: Nguyễn Phúc Đảm
- Niên hiệu: Minh Mạng (Minh Mệnh)
- Năm sinh: 25 tháng 5 năm 1791
- Năm mất: 20 tháng 1 năm 1841
- Trị vì: 1820 – 1841 (20 năm)
- Miếu hiệu: Thánh Tổ
- Thụy hiệu: Thể thiên Xương vận Chí hiếu Thuần đức Văn vũ Minh đoán Sáng thuật Đại thành Hậu trạch Phong công Nhân Hoàng đế
- Lăng tẩm: Hiếu lăng tại làng An Bằng,TX Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế
* Cuộc đời vua Minh Mạng
Nguyễn Phúc Đảm là hoàng tử thứ 4 của vua Gia Long. Ông sinh ngày 25 tháng 5 năm 1791 tại làng Tân Lộc, gần Gia Định, trong lúc đang xảy ra Chiến tranh Tây Sơn – Chúa Nguyễn (1787 – 1802). Vì thế ngay từ năm lên 9 tuổi (1800), hoàng tử Đảm đã được vua cha đưa theo ra trận.
Ban đầu hoàng tử Cảnh con trai trưởng của vua Gia Long được phong làm Đông Cung Thái Tử kế thừa ngôi báu. Tuy nhiên, Đông Cung Cảnh mắc phải căn bệnh đậu mùa và qua đời năm 1801 (lúc 21 tuổi).
Khi đó, các võ tướng trụ cột của triều đình lúc bấy giờ như Lê Văn Duyệt, Lê Chất muốn chọn con trai trưởng của Thái Tử Cảnh là Nguyễn Phúc Mỹ Đường (hoàng tôn Đán) còn nhỏ tuổi làm người kế vị. Tuy nhiên Vua Gia Long không đồng ý và kiên quyết chọn Nguyễn Phúc Đảm.
Sau khi Gia Long mất, Nguyễn Phúc Đảm đã chính thức kế thừa ngôi vua, lấy niên hiệu Minh Mệnh vào năm 1820. Ngày 1 tháng 1 năm 1820, nhà vua ban chiếu lên ngôi cho các thần dân trong cả nước được biết.
Minh Mạng là người được Gia Long lựa chọn truyền ngôi, không chỉ vì năng lực mà còn vì hy vọng gửi gắm vào ông thực hiện chính sách thoát khỏi ảnh hưởng và âm mưu áp chế của người Pháp.
* Các điểm đáng chú ý dưới thời vua Minh Mạng
Dưới thời vua Minh Mạng, quá trình mở rộng lãnh thổ nước ta về phương Nam được hoàn tất, lãnh thổ nước ta kéo dài sang tận vùng đất của Lào và Campuchia ngày nay, có diện tích gấp 1,7 lần (570.000 km2) so với lãnh thổ Việt Nam bây giờ.
Minh Mạng là người đặt ra tên gọi và ấn định vùng đất xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Ngày nay không còn gọi theo tên như vậy mà được gọi là Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ. Hơn nữa danh từ “Bắc Kỳ” tự nhiên trở nên rất nhạy cảm khi nhắc tới?
Từ năm 1831 đến 1832, vua Minh Mạng đã thực hiện một cuộc cải cách hành chính lớn chia làm 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Năm 1831, vua Minh Mạng đã chia các trấn ở miền Bắc và miền Trung thành 18 tỉnh. Trong đó, 13 tỉnh thuộc Bắc Kỳ và 5 tỉnh thuộc Trung Kỳ. Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, đơn vị hành chính tỉnh xuất hiện.
- Giai đoạn 2: Năm 1832, vua Minh Mạng tiếp tục chia các dinh, trấn ở miền Nam thành 12 tỉnh. Trong đó, 6 tỉnh thuộc Trung Kỳ và 6 tỉnh thuộc Nam Kỳ.
Sau cuộc cải cách, nước ta được chia thành 31 đơn vị hành chính gồm 1 Phủ Thừa Thiên và 30 tỉnh. Đơn vị hành chính ở nước ta đã được tinh gọn so với các thời kỳ trước đó. Nhờ vậy, việc quản lý từ trung ương đến địa phương trở nên dễ dàng hơn.
Đặc biệt, các đơn vị hành chính dưới thời kỳ Minh Mạng là tiền đề để phân chia các đơn vị hành chính sau này. Đến tận ngày nay, một số tên đơn vị hành chính từ thời Minh Mạng vẫn được sử dụng như tỉnh, huyện, xã.
Theo sách Đại Nam thực lục chính biên, vua Minh Mạng sai quan quân thăm dò, dựng cột và bia chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Vua Thiệu Trị (1841 – 1847)
* Tiểu sử vua Thiệu Trị
- Thân phụ: Nguyễn Thánh Tổ Minh Mạng
- Thân Mẫu: Tá Thiên Nhân Hoàng hậu Hồ Thị Hoa
- Huý danh: Nguyễn Phúc Miên Tông
- Niên hiệu: Thiệu Trị
- Năm sinh: 16 tháng 6 năm 1807
- Năm mất: 4 tháng 11 năm 1847
- Trị vì: 1841 – 1847 (6 năm)
- Miếu hiệu: Hiến Tổ
- Thụy hiệu: Thiệu Thiên Long Vận Chí Thiện Thuần Hiếu Khoan Minh Duệ Đoán Văn Trị Vũ Công Thánh Triết Chương Hoàng đế.
- Lăng tẩm: Xương Lăng, tại làng Cư Chánh, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế.
* Các điểm đáng chú ý dưới thời vua Thiệu Trị
Thiệu Trị là là con trưởng của vua Minh Mạng. Ông là người hiền lành, uyên thâm nho học.
Mọi định chế pháp luật, hành chính, học hiệu, điền địa và binh bị dưới thời Thiệu Trị đều được sắp đặt khá quy củ từ kế thừa thời Minh Mạng ít có sự cải cách, thay đổi gì mới.
Thiệu Trị nổi tiếng là vua thi sĩ, có để lại rất nhiều bài thơ, trong đó hai bài thơ chữ Hán có tên là Vũ Trung Sơn Thủy (cảnh trong mưa) và Phước Viên Văn hội lương dạ mạn ngâm (Đêm thơ ở Phước Viên).
Cả hai bài không trình bày theo lối thường mà viết thành năm cái vòng tròn đồng tâm, mỗi vòng tròn có một số chữ, đếm mỗi bài có 56 chữ, ứng với một bài thơ thất ngôn bát cú. Nhìn vào như một “trận đồ bát quái”, vua có chỉ cách đọc và đố là kiếm ra 64 bài thơ trong đó nhưng tới nay chưa ai kiếm ra được hết.
Thời Thiệu Trị đất Nam Kỳ liên tục nổi lên các cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình. Đa số đều là các cuộc nổi dậy của người dân tộc Khmer. Nguyên nhân đều do chính sách đồng hóa và cai trị hà khắc từ thời Minh Mạng để lại.
Việc cấm đạo Thiên Chúa bớt đi, nhưng triều đình vẫn không có cảm tình với Thiên Chúa giáo, và những giáo sĩ ngoại quốc vẫn còn bị giam ở Huế.
Vua Tự Đức (1847-1883)
* Tiểu sử vua Tự Đức
- Thân phụ: Thiệu Trị
- Thân Mẫu: Từ Dụ
- Huý danh: Nguyễn Phúc Hồng Nhậm
- Niên hiệu: Tự Đức
- Năm sinh: 22 tháng 9 năm 1829
- Năm mất: 19 tháng 7 năm 1883
- Trị vì: 1847 – 1883 (35 năm, 256 ngày)
- Miếu hiệu: Dực Tông, Thành Tổ
- Thụy hiệu: Thể Thiên Hanh Vận Chí Thành Đạt Hiếu Thể Kiện Đôn Nhân Khiêm Cung Minh Lược Duệ Văn Anh Hoàng đế
- Lăng tẩm: Khiêm Lăng tại thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, thành phố Huế.
* Cuộc đời vua Tự Đức
Nguyễn Phúc Hồng Nhậm sinh ngày 22 tháng 9 năm 1829 tại Huế, là con thứ nhưng là đích tử của vua Thiệu Trị và Phạm Thị Hằng (bà Từ Dụ).
Vì anh trai của ông, Nguyễn Phúc Hồng Bảo, là một người ham chơi, mê cờ bạc, không chịu học hành nên vua Thiệu Trị trước lúc qua đời đã để di chiếu truyền ngôi cho ông. Bấy giờ ông mới 19 tuổi, nhưng học hành đã thông thái.
Đến tháng 10 năm 1847 ông chính thức lên ngôi hoàng đế ở điện Thái Hòa, đặt niên hiệu là Tự Đức.
* Các điểm đáng chú ý dưới thời vua Tự Đức
Triều đại của ông đánh dấu sự suy yếu của nhà Nguyễn và nhiều sự kiện xấu với vận mệnh Đại Nam.
Triều đình nhà Nguyễn dưới thời Tự Đức ngày càng bất lực trước sự tấn công của Pháp, chỉ mong cắt đất cầu hòa.
Mời bạn đọc thêm bài: Nguyên nhân nước ta rơi vào tay Pháp
Tự Đức bảo thủ, cai quản đất nước theo nho giáo, không chịu tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật, không chịu cải cách để tiến bộ.
Thời Tự Đức có nhiều giặc giã và là một thời rất loạn lạc ở Đại Nam. Có nhiều cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình cùng với thực dân Pháp âm mưu chiếm hết toàn cõi Đại Nam
Tự Đức khước từ mọi giao thiệp với người phương Tây, dầu việc giao thiệp chỉ nhằm phục vụ thương mại. Năm 1850, có tàu của Hoa Kỳ vào cửa Đà Nẵng, có quốc thư xin thông thương nhưng nhà vua làm ngơ không thèm tiếp thư.
Sau khi lên ngôi vào năm 1848 thì vua Tự Đức đã có dụ cấm đạo Công giáo, cũng vì sự cấm đạo tàn nhẫn này mà thực dân Pháp sau này có cớ xâm chiếm Đại Nam.
Trong tấm bia ở Khiêm Lăng mà vua Tự Đức dựng cho mình, ông tự nhận trách nhiệm về việc để mất nước vào tay Pháp vì “ngu mà mong yên ổn, mờ tối không lo phòng bị từ khi việc chưa phát, tôi hay tướng giỏi cũng đã rơi rụng quá nửa, không ai nhắc nhở lời dạy của vua cha về việc đề phòng mặt biển đến giúp ta tránh khỏi chỗ lỗi lầm“. Ông trần thuật “Ai là người cũng gìn giữ bờ cõi ta, vỗ yên nhân dân ta? Bất đắc dĩ phải đánh dẹp, nhưng càng đánh dẹp càng loạn, mỏi mệt“.
Ông cũng trăn trở tính chuyện giữ nước, nhưng những quan đại thần được sai đi bàn định điều ước lại “không hiểu vì lý do gì lại dễ dàng lập thành hòa nghị. Bỗng chốc đem cả nhân dân cùng đất đai của các triều nhọc nhằn gây dựng cho giặc hết…”.
Tự Đức nhận trách nhiệm “không sáng suốt trong việc biết người, ấy là của ta; dùng người không đúng chỗ, cũng là tội của ta; hàng trăm việc không làm được; đều là tội của ta cả…”. Ông “nuốt nước mắt, đành chịu tội với tôn miếu và nhân dân“. Ông hổ thẹn nói rằng “Ta thực sự một mai chết đi thì tự thẹn trí khôn không bằng con cáo”
Bạn đang đọc bài viết về 13 vua triều Nguyễn tại chuyên mục Lịch sử triều nhà Nguyễn của pqt.edu.vn
Tuy nhiên ông nổi tiếng là vị vua có hiếu, trong suốt 36 năm trị vì, vua Tự Đức rất coi trọng bổn phận làm con, luôn tuân thủ rất nghiêm “lịch làm việc – lịch làm con” do mình tự đặt ra.
Vua Dục Đức (20/7/1883 – 23/7/1883)
* Tiểu sử vua Dục Đức
- Thân phụ: Nguyễn Phúc Hồng Y
- Thân Mẫu: Trần Thị Nga
- Huý danh: Nguyễn Phúc Ưng Chân
- Niên hiệu: Không có, Dục Đức là vì ông bị quản thúc tại Dục Đức Đường
- Năm sinh: 23 tháng 2 năm 1852
- Năm mất: 6 tháng 10 năm 1883
- Trị vì: 20/7/1883 – 23/7/1883 (3 ngày)
- Miếu hiệu: Cung Tông
- Thụy hiệu: Huệ Hoàng đế
- Lăng tẩm: An Lăng, tại phường An Cựu, thành phố Huế
* Cuộc đời vua Dục Đức
Dục Đức sinh ngày 23 tháng 2 năm 1852 tại Huế. Có nguồn ghi ông sinh 4 tháng 1 năm Quý Sửu (tức 11 tháng 2 năm 1853). Ông là con thứ hai của Thoại Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Y (con trai thứ tư của vua Thiệu Trị) và bà Trần Thị Nga.
Năm 1869, khi được 17 tuổi, ông được bác ruột là vua Tự Đức chọn làm con nuôi (vì lúc nhỏ bị bệnh đậu mùa nên vua Tự Đức không có con) và ban tên tự Ưng Chân, đồng thời cho ra ở Dục Đức đường và giao cho Hoàng quý phi Vũ Thị Duyên trông nom dạy bảo. Năm 1883 ông được phong làm Thụy Quốc công.
Trong thời gian này, ông có quan hệ chặt chẽ với người Pháp, khi đó đang xâm lược Việt Nam. Năm 1881, vào thời điểm Pháp rục rịch tấn công miền bắc, ông từng cho chuyển nhiều tài liệu quan trọng về việc nước cho Trú sứ Pháp là Rheinart.
Khi vua Tự Đức qua đời, ông được lên nối ngôi nhưng chỉ được 3 ngày thì đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết tác động phế truất và bắt giam vua vào ngày 23 tháng 7 năm 1883. Đến 6 tháng 10 năm 1883 ông qua đời vì bị bỏ đói, hưởng dương 32 tuổi.
Khi ông mất, có hai người lính bó thi thể ông trong chiếu rách, mang chôn. Thế nhưng đến đầu làng An Cựu, ngoại thành Huế thì xác vua rơi xuống bên khe nước nông. Tin rằng đây là nơi yên nghỉ do vua tự chọn, người ta chỉ chôn cất ông qua loa cho xong việc.
Lâu ngày, ngôi mộ gần như trở thành phần đất bằng do không ai chăm sóc. Có lần, một người ăn mày đói chết, gục ngay trên mộ vua, dân nơi đó không biết vua Dục Đức đã nằm tại đó nên chôn người ăn mày ngay trên mộ vua.
Sau này, khi vua Thành Thái lên ngôi, ông lần theo dấu vết và lời kể lại để tìm mộ vua cha. Thế nhưng khi đào lên, người ta thấy ở đó có tới hai bộ hài cốt, vậy là vua đành cho người ta lấp đất lại, xây nơi đó thành An Lăng.
Vua Hiệp Hoà (30/7/1883 – 29/11/1883)
* Tiểu sử vua Hiệp Hoà
- Thân phụ: Nguyễn Hiến Tổ Thiệu Trị
- Thân Mẫu: Thụy tần Trương Thị Thận
- Huý danh: Nguyễn Phúc Hồng Dật
- Niên hiệu: Hiệp Hòa
- Năm sinh: 1 tháng 11 năm 1847
- Năm mất: 29 tháng 11 năm 1883
- Trị vì: 30/7/1883 – 29/11/1883 (122 ngày)
- Miếu hiệu: không có
- Thụy hiệu: Trang Cung Văn Lãng Quận vương
- Lăng tẩm: tại Núi Tam Thai, phường An Tây, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
* Cuộc đời vua Hiệp Hoà
Hiệp Hòa có húy là Hồng Dật, là con trai thứ 29, và cũng là út nam của vua Thiệu Trị, mẹ là Tam giai Thụy tần Trương Thị Thận.
Năm Tự Đức thứ 18 (1865), Hồng Dật được vua anh phong làm Lãng Quốc công.
Sau khi phế truất Dục Đức, hai Phụ chính Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đề nghị lên Hoàng thái hậu Từ Dụ, đưa Lãng Quốc công lên làm vua.
Nhà Hồng Dật ở Kim Long (Huế). Theo Phạm Khắc Hòe (1902-1995), nguyên là Ngự tiền Văn phòng Đổng lý của Bảo Đại, khi đình thần ra đó rước, dù năn nỉ mấy, Hồng Dật cũng không đi, nên cuối cùng phải dùng đến vũ lực mới đưa được ông vào Tử Cấm thành.
Hai hôm sau, 30 tháng 7 năm 1883, Hồng Dật lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Hiệp Hòa.
Trong Huế thì vua Hiệp Hòa cũng muốn nhận chính sách bảo hộ để cho yên ngôi vua, nhưng các quan có nhiều người không chịu, và lại thấy Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết chuyên chế thái quá, muốn dùng kế mà trừ bỏ đi, bèn đổi Nguyễn Văn Tường sang làm Binh bộ Thượng thư, Tôn Thất Thuyết làm Lại bộ Thượng thư, để bớt binh quyền của Tôn Thất Thuyết.
Hai người thấy vua có lòng nghi, sợ để lâu thành vạ, bèn vào tâu với bà Từ Dụ Thái hậu để lập ông Dưỡng Thiện là con nuôi thứ ba của vua Tự Đức, rồi bắt vua Hiệp Hòa đem ra phủ ông Dục Đức cho uống thuốc độc chết. Vua Hiệp Hòa làm vua được hơn 4 tháng, sử gọi là Phế Đế.
Vua Hiệp Hòa mất ngày 30 tháng 10 năm Quý Mùi, tức 29 tháng 11 năm 1883. Năm 1891, vua Thành Thái truy phong cho ông làm Văn Lãng Quận vương, thụy là Trang Cung.
Vua Kiến Phúc (1883-1884)
* Tiểu sử vua Kiến Phúc
- Thân phụ: Nguyễn Phúc Hồng Cai
- Thân Mẫu: Bùi Thị Thanh
- Huý danh: Nguyễn Phúc Ưng Đăng
- Niên hiệu: Kiến Phúc
- Năm sinh: 12 tháng 2 năm 1869
- Năm mất: 31 tháng 7 năm 1884
- Trị vì: 2 tháng 12 năm 1883 – 31 tháng 7 năm 1884 (242 ngày)
- Miếu hiệu: Giản Tông
- Thụy hiệu: Thiệu Đức Chí Hiếu Uyên Duệ Nghị Hoàng đế
- Lăng tẩm: Bồi Lăng, tại làng Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế
* Cuộc đời vua Kiến Phúc
Kiến Phúc sinh ngày 12 tháng 2 năm 1869 tại Huế, là con thứ ba của Kiên quốc công Nguyễn Phúc Hồng Cai (em ruột vua Tự Đức, sau tôn là Thuần Nghị Kiên Thái vương) và bà phủ thiếp Bùi Thị Thanh. Húy của ông là Nguyễn Phúc Ưng Đăng, lên ngôi lấy tên là Nguyễn Phúc Hạo, tự Dưỡng Thiện.
Vì bác ruột của Ưng Đăng tức vua Tự Đức không thể có con, nên đã nhận ba người cháu làm con nuôi: Nguyễn Phúc Ưng Ái (sau là vua Dục Đức), Nguyễn Phúc Ưng Kỷ và Nguyễn Phúc Ưng Đăng, trong đó Ưng Kỷ (sau là vua Đồng Khánh) và Ưng Đăng là anh em ruột, đều là con của Kiên quốc công và phủ thiếp họ Bùi.
Theo Quốc triều sử toát yếu thì Ưng Đăng được vua Tự Đức truyền đem vào cung, giao cho bà Học phi Nguyễn Văn Thị Hương nuôi dạy từ lúc mới 2 tuổi.
Vua Hàm Nghi (1884-1885)
* Tiểu sử vua Hàm Nghi
- Thân phụ: Nguyễn Phúc Hồng Cai
- Thân Mẫu: Phan Thị Nhàn
- Huý danh: Nguyễn Phúc Ưng Lịch
- Niên hiệu: Hàm Nghi
- Năm sinh: 3 tháng 8 năm 1871 tại Huế
- Năm mất: 14 tháng 1 năm 1944 (72 tuổi) tại Alger, Algérie, Pháp
- Trị vì: 2 tháng 8 năm 1884 – 19 tháng 9 năm 1885 (1 năm, 48 ngày)
- Miếu hiệu: không có
- Tôn hiệu: Xuất Đế
- Lăng tẩm: An táng trong khuôn viên biệt thự Gia Long trên đồi làng El Biar nhìn ra vịnh Alger. Sau cải táng đưa tới Pháp.
* Cuộc đời vua Hàm Nghi
Hàm Nghi húy là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, khi lên ngôi đổi thành Nguyễn Phúc Minh. Ông là con thứ năm của Kiên Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Phan Thị Nhàn, sinh ngày 3 tháng 8 năm 1871 (có tài liệu ghi ông sinh ngày 22 tháng 7 năm 1872) tại Huế. Ông là em ruột của vua Kiến Phúc (Ưng Đăng) và vua Đồng Khánh (Chánh Mông hay Ưng Kỷ).
Sau khi vua Phúc Kiến mất đột ngột, đáng lẽ con nuôi thứ hai của vua Tự Đức là Nguyễn Phúc Ưng Kỷ lên ngôi, nhưng Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết sợ lập một vị vua lớn tuổi sẽ mất quyền hành và hai ông chủ trương dứt khoát lựa chọn bằng được một vị vua ủng hộ lập trường chống Pháp nên đã chọn Ưng Lịch.
Ưng Lịch từ nhỏ sống trong cảnh bần hàn, dân dã với mẹ ruột chứ không được nuôi dạy tử tế như hai người anh ruột ở trong cung. Khi thấy sứ giả đến đón, cậu bé Ưng Lịch hoảng sợ và không dám nhận áo mũ người ta dâng lên.
Sáng ngày 12 tháng 6 năm Giáp Thân, tức ngày 2 tháng 8 năm 1884, Ưng Lịch được dìu đi giữa hai hàng thị vệ, tiến vào điện Thái Hòa để làm lễ lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Hàm Nghi.
Khi đó Ưng Lịch mới 13 tuổi. Người ta nói rằng Hàm Nghi được lên nối ngôi theo di chúc của vua Kiến Phúc trước đây. Tuy nhiên, trên thực tế, Hàm Nghi được phái chủ chiến lập lên ngôi. Nhân vật cầm đầu phái chủ chiến là Tôn Thất Thuyết – Phụ chính đại thần đồng thời là Thượng thư bộ Binh.
Vua Đồng Khánh (1885-1889)
* Tiểu sử vua Đồng Khánh
- Thân phụ: Nguyễn Phúc Hồng Cai
- Thân Mẫu: Bùi Thị Thanh
- Huý danh: Nguyễn Phúc Ưng Kỷ
- Niên hiệu: Đồng Khánh
- Năm sinh: 19 tháng 2 năm 1864
- Năm mất: 28 tháng 1 năm 1889 (24 tuổi)
- Trị vì: 19 tháng 9 năm 1885 – 28 tháng 1 năm 1889 (3 năm, 131 ngày)
- Miếu hiệu: Cảnh Tông
- Thụy hiệu: Phối Thiên Minh Vận Hiếu Đức Nhân Vũ Vĩ Công Hoằng Liệt Thông Triết Mẫn Huệ Thuần Hoàng đế.
- Lăng tẩm: Tư Lăng tại thôn Thượng Hai, xã Thủy Xuân, thành phố Huế.
* Cuộc đời vua Đồng Khánh
Đồng Khánh sinh ngày 19 tháng 2 năm 1864 tại Huế. Tên húy của ông là Nguyễn Phúc Ưng Kỷ, khi lên ngôi đổi thành Nguyễn Phúc Biện. Ngoài ra ông còn có tên gọi là Chánh Mông do vào năm 1882, vua Tự Đức đã lệnh xây cho ông ngôi nhà học gọi là Chánh Mông đường
Ông là con trai cả của Kiên quốc công Nguyễn Phúc Hồng Cai (sau tôn phong làm Thuần Nghị Kiên Thái vương, hoàng tử thứ 26 của vua Thiệu Trị) với bà Chánh phi Bùi Thị Thanh.
Đồng Khánh nguyên là con nuôi của vua Tự Đức. Năm 1885, sau khi triều đình Huế bị thất bại trước quân đội Pháp trong trận Kinh thành Huế, vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết bỏ chạy ra Quảng Trị, người Pháp đã lập ông lên làm vua, lập ra chính quyền Nam triều dưới sự Bảo hộ của Pháp
Đầu năm 1889, Đồng Khánh nhuốm bệnh nặng và qua đời khi còn khá trẻ, chỉ trị vì được 4 năm, miếu hiệu là Cảnh Tông.
Vua Thành Thái (1889-1907)
* Tiểu sử vua Thành Thái
- Thân phụ: Dục Đức
- Thân Mẫu: Từ Minh Huệ Hoàng hậu
- Huý danh: Nguyễn Phúc Bửu Lân
- Niên hiệu: Thành Thái
- Năm sinh: 14 tháng 3 năm 1879
- Năm mất: 20 tháng 3 năm 1954
- Trị vì: 2 tháng 2 năm 1889 – 3 tháng 9 năm 1907 (18 năm, 213 ngày)
- Thụy hiệu: Hoài Trạch Công
- Lăng tẩm: An Lăng, Phường An Cựu, TP Huế
* Cuộc đời vua Thành Thái
Thành Thái tên thật là Nguyễn Phúc Bửu Lân, khi lên ngôi đổi thành Nguyễn Phúc Chiêu. Ông là con thứ 7 của vua Dục Đức và bà Phan Thị Điều, sinh ngày 22 tháng 2 năm Kỷ Mão tức 14 tháng 3 năm 1879 tại Huế, cùng ngày, tháng, năm với nhà bác học Albert Einstein.
Năm ông 4 tuổi, vua cha Dục Đức bị hai đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường phế truất và chết trong tù. Đến nǎm được chín tuổi, vì ông ngoại là Phan Đình Bình (làm quan Thượng thư bộ Hộ) bị vua Đồng Khánh bắt giam rồi bỏ cho chết vì mắng Đồng Khánh nịnh bợ và thân Pháp khi Đồng Khánh ra Quảng Bình dụ vua Hàm Nghi đầu hàng, nên Bửu Lân lại phải cùng mẹ Từ Minh lên kinh đô, chịu sự quản thúc, sống trong cảnh thiếu thốn.
Ngày 2 tháng 2 năm 1889, Bửu Lân lên ngôi tại điện Thái Hòa lấy hiệu là Thành Thái. Khi đó Bửu Lân mới 10 tuổi. Triều Thành Thái khác các triều trước ở chỗ lễ đǎng quang không có Truyền quốc bảo tỷ ấn ngọc
Do chống Pháp nên ông, cùng với các vua Hàm Nghi và Duy Tân, là 3 vị vua yêu nước trong lịch sử Việt Nam thời Pháp thuộc bị đi đày tại ngoại quốc (bao gồm vua Hàm Nghi, ông và vua Duy Tân). Ông không có miếu hiệu.
Trước các ý tưởng cấp tiến của Thành Thái, người Pháp lo ngại tìm cách ngăn trở. Để che mắt, Thành Thái giả hành động như một người mất trí. Khi các bản vẽ vũ khí của ông bị phát hiện, Thành Thái giả điên, cào cấu các bà cung phi và xé nát các bản vẽ. Lợi dụng cơ hội này, người Pháp vu cho ông bị điên, ép ông thoái vị, nhường ngôi cho con vì lý do sức khỏe. Khâm sứ Pháp còn nói thẳng là đã biết ông có ý đồ chống Pháp, nên không để ông ở ngôi được. Còn nếu Thành Thái muốn tại vị thì ông phải ký vào một tờ giấy tạ tội, tuyên bố với quốc dân là có âm mưu chống lại nước Pháp, nay phải thành thực hồi tâm. Nhưng ông đã ném tờ tuyên cáo thảo sẵn ấy xuống đất, từ chối.
Ngày 29 tháng 7 năm 1907, nhân dịp Thành Thái không phê chuẩn việc bổ nhiệm một số quan lại đã được Khâm sứ Lévêque và Hội đồng Thượng thư thỏa thuận, Lévêque đã tuyên bố truất quyền và quản thúc Thành Thái trong Đại Nội. Một Hội đồng Phụ chính do Trương Như Cương cầm đầu được thành lập.
Ngày 3 tháng 9 năm 1907, triều thần theo lệnh của Pháp vào điện Càn Thành dâng vua dự thảo chiếu thoái vị, có chữ ký của các đại thần (trừ Ngô Đình Khả), với lý do sức khoẻ không bảo đảm, xin tự nguyện thoái vị. Xem xong bản dự thảo, Thành Thái chỉ cười nhạt, ghi hai chữ “phê chuẩn” rồi quay lưng đi vào.
Thành Thái bị đưa đi quản thúc ở Bạch Dinh, Cap Saint Jacques (Vũng Tàu ngày nay).Đến nǎm 1916 ông bị đày ra đảo Réunion cùng với con trai là vua Duy Tân.
Vua Duy Tân (1907 – 1916)
* Tiểu sử vua Duy Tân
- Thân phụ: Vua Thành Thái
- Thân Mẫu: Nguyễn Thị Định
- Huý danh: Nguyễn Phúc Vĩnh San
- Niên hiệu: Duy Tân
- Năm sinh: 19 tháng 9 năm 1900 tại Huế
- Năm mất: 26 tháng 12 năm 1945 tại Châu Phi Xích Đạo thuộc Pháp (nay là Cộng hòa Trung Phi)
- Trị vì: 5 tháng 9 năm 1907 – 6 tháng 5 năm 1916 (8 năm, 244 ngày)
- Miếu hiệu: không có
- Thụy hiệu: Khai Thiên Hoằng Đạo Lập Kỷ Thùy Thống Thần Văn Thánh Vũ Tuấn Đức Long Công Chí nhân Đại Hiếu Cao hoàng đế.
- Lăng tẩm: An Lăng, tại đường Duy Tân, phường An Cựu, TP Huế, Thừa Thiên Huế.
* Cuộc đời vua Duy Tân
Pqt.edu.vn đã có loạt bài viết về vua Duy Tân, mời bạn đón đọc tại:
- Vua Duy Tân thoát nạn nhờ mối tình dang dở với con gái đại thần
- Cái chết bí ẩn của vua Duy Tân trước ngày được về cố hương
- Hậu duệ vua Duy Tân từ chối nhận họ cha “Vĩnh San”
Vua Khải Định (1916 – 1925)
* Tiểu sử vua Khải Định
- Thân phụ: Đồng Khánh
- Thân Mẫu: Hựu Thiên Thuần Hoàng hậu
- Huý danh: Nguyễn Phúc Bửu Đảo
- Niên hiệu: Khải Định
- Năm sinh: 8 tháng 10 năm 1885
- Năm mất: 6 tháng 11 năm 1925
- Trị vì: 18 tháng 5 năm 1916 – 6 tháng 11 năm 1925 (9 năm, 172 ngày)
- Miếu hiệu: Hoằng Tông
- Thụy hiệu: Tự Thiên Gia Vận Thánh Minh Thần Trí Nhân Hiếu Thành Kính Di Mô Thừa Liệt Tuyên Hoàng đế
- Lăng tẩm: Ứng Lăng, tại xã Thủy Bằng, TX Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế
* Cuộc đời vua Khải Định
Vua Khải Định có tên khai sinh là Nguyễn Phúc Bửu Đảo, khi lên ngôi lấy ngự danh là Nguyễn Phúc Tuấn, là con trưởng của vua Đồng Khánh, mẹ là Dương Thị Thục. Ông sinh vào ngày 1 tháng 9 năm Ất Dậu, tức 8 tháng 10 năm 1885, tại kinh thành Huế.
Khải Định bị đánh giá là một vị vua bất tài, nhu nhược trước Pháp, không quan tâm chính sự mà chỉ ham chơi bời, cờ bạc, ăn tiêu xa xỉ.
Việc Bửu Đảo lên ngôi cũng không hoàn toàn suôn sẻ. Sau khi buộc tội hoàng đế Duy Tân, người Pháp đã có ý muốn xóa bỏ chế độ quân chủ ở Việt Nam nhưng các triều thần, đặc biệt là Thượng thư Nguyễn Hữu Bài không chịu nên Pháp phải chiều theo ý.
Ngày 18 tháng 5 năm 1916, Bửu Đảo lên ngôi lấy niên hiệu là Khải Định
Ngày 20 tháng 5 năm 1922, vua Khải Định sang Pháp dự Hội chợ thuộc địa ở Marseille. Đây là lần đầu tiên một vị vua nhà Nguyễn ra nước ngoài.
Chuyến công du của vua Khải Định đã làm dấy lên nhiều hoạt động của người Việt Nam yêu nước nhằm phản đối ông.
Phan Châu Trinh đã gửi một bức thư dài trách vua Khải Định 7 tội, thường gọi là Thư thất điều hay Thất điều trần. Trong bức thư đó, Phan Châu Trinh chỉ gọi tên húy là Bửu Đảo chứ không gọi vua Khải Định, và trách Khải Định tội “ăn mặc lố lăng”.
Tháng 9 năm 1924, từ Pháp về, vua Khải Định còn lo tổ chức lễ tứ tuần đại khánh rất lớn và tốn kém, bắt nhân dân khắp nơi gửi quà mừng lễ. Sau lễ mừng thọ, ngân sách Nam triều kiệt quệ, vua Khải Định cho tăng thêm 30 phần trăm thuế điền.
Vua Bảo Đại (1925 – 1945)
* Tiểu sử vua Bảo Đại
- Thân phụ: Khải Định
- Thân Mẫu: Từ Cung Hoàng thái hậu
- Huý danh: Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy
- Niên hiệu: Bảo Đại
- Năm sinh: 22 tháng 10 năm 1913, tại Huế
- Năm mất: 31 tháng 7 năm 1997 (83 tuổi) tại Val-de-Grâce, Paris, Pháp
- Trị vì: 9 tháng 3 năm 1945 – 30 tháng 8 năm 1945 (174 ngày)
- Miếu hiệu: Không có
- Lăng tẩm: Nghĩa trang Passy
Chúng tôi sẽ sớm hoàn thiện hơn về vua Bảo Đại.
Đây là bài tổng hợp từ nhiều nguồn, pqt.edu.vn rất mong nhận được những góp ý chân thành từ Quý bạn đọc để bài viết Lịch sử 13 vua triều Nguyễn được hoàn thiện hơn nữa.
Để lại một bình luận