Lý Công Uẩn là ai?
Lý Công Uẩn hay Lý Thái Tổ là vị vua đầu tiên của triều đại nhà Lý nước ta, ông lên làm vua năm Kỷ Dậu (1009) mở ra thời kỳ phát triển rực rỡ của nước Việt trên nhiều phương diện, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa tư tưởng, sử sách ca ngợi “vua ứng mệnh trời, thuận lòng người, nhân thì mở vận, là người khoan từ nhân thứ, tính mật ôn nhã, có lượng đế vương” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Cuộc đời của vua Lý Thái Tổ được bao phủ khá nhiều giai thoại huyền ảo với những tình tiết ly kỳ, thú vị, nhất là về thân thế của ông.
Bạn đang đọc bài viết về Lý Công Uẩn trong chuyên mục Nhân vật lịch sử của pqt.edu.vn
18 điều thú vị về vua Lý Thái Tổ – Lý Công Uẩn
1. Lý Thái Tổ là vị vua có lý lịch xuất thân mờ ảo nhất. Chính sử cho biết mẹ Lý Công Uẩn họ Phạm nhưng không ghi tên là gì, còn theo dã sử và giai thoại dân gian bà tên là Phạm Thị Ngà. Cha Lý Công Uẩn là ai thì càng không rõ, sách Đại Việt sử ký toàn thư viết “Mẹ vua đi chơi chùa Tiên Sơn’’ cùng với thần nhân giao cấu rồi có chửa, sinh ra vua ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất (974)…, vua từ bé đã thông minh, vẻ người tuấn tú khác thường”.
Còn nhà sử học Ngô Sĩ Liên thì cho biết thêm nhiều giai thoại khác:”… bài ký ở chùa Tiên Sơn có nói: thái hậu cảm tinh anh của Bạch Hầu mà sinh ra vua,… Ngoại truyện lại nói: Mẹ vua năm 20 tuổi nghèo hèn không có chồng, nương tựa người lão sa môn ở chùa Ứng Thiên, làm việc thổi nấu, khi lửa tắt bà đang ngủ lơ mơ, lão sa môn ngẫu chạm phải, giật mình trở dậy rồi có thai mà sinh ra vua… Thế thì thật không biết người nào là cha vua nữa” (Việt sử tiêu án).
2. Lý Thái Tổ là vị vua có giai thoại lạ kỳ về điềm báo được lên ngôi. Có cây gạo ở làng Diên Uẩn, châu Cổ Pháp quê ông (nay thuộc Từ Sơn, Bắc Ninh) bị sét đánh, để lại vết tích là một bài thơ trong đó có ý nói tới sự ra đời của nhà Lý. Lại có chuyện “ở viện Cam Tuyền, chùa Ứng Thiên Tâm, châu cổ Pháp có con chó đẻ con sắc trắng có đốm đen, thành ra hai chữ Thiên tử, kẻ thức giả nói đó là điềm người sinh vào năm Tuất sẽ làm Thiên tử. Đến đây Lý Công Uẩn sinh năm Giáp Tuất, làm thiên tử, quả nhiên ứng nghiệm” (Đại Việt sử ký toàn thư).
3. Lý Thái Tổ lên ngôi ngày Quý Sửu, tháng 10 năm Kỷ Dậu (1009), chỉ hai ngày sau khi vua Lê Ngọa Triều mất; khi đó ông 36 tuổi và là vị vua triều Lý tuổi cao nhất khi lên ngôi.
4. Lý Thái Tổ là một trong những vị vua có tôn hiệu dài nhất. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, cuối năm Kỷ Dậu (1009) Lý Công Uẩn lên làm vua, lấy niên hiệu là Thuận Thiên. Triều đình dâng tôn hiệu là “Phụng thiên chí lý ứng vận tự tại thánh minh long hiện duệ văn anh vũ sùng nhân quảng hiếu thiên hạ thái bình khâm minh quang thạch chương minh vạn bang hiển ứng phù cảm uy chấn phiên man duệ mưu thần trợ thánh trị tắc thiên đạo chính hoàng đế” (Đại Việt sử ký toàn thư). Tôn hiệu này có tất cả 52 chữ.
5. Lý Thái Tổ là vị vua lập nhiều hoàng hậu nhất, sau khi lên ngôi đã cho lập 6 hoàng hậu. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết “Lập 6 hoàng hậu, duy có đích phu nhân gọi là hoàng hậu Lập Giáo, quy chế xe kiệu và y phục khác hẳn với các cung khác”. Đến tháng 3 năm Bính Thìn (1016) Lý Thái Tổ lại lập thêm 3 hoàng hậu nữa. Như vậy tổng cộng là 9 hoàng hậu.
6. Lý Thái Tổ cho dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La (Hà Nội ngày nay) năm Canh Tuất (1010), tương truyền khi đoàn thuyền đến đỗ bên bờ sông Hồng thì “có rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự” (Đại Việt sử ký toàn thư) vì thế vua đã đặt tên cho kinh đô mới là Thăng Long. Đây là tên gọi của một kinh đô được sử dụng lâu nhất trong lịch sử Việt Nam.
7. Lý Thái Tổ là vị vua đầu tiên bố cáo cho thiên hạ biết việc vua sẽ trực tiếp xét xử các vụ án. Ngay sau khi lên ngôi ông đã ban chiếu quy định rằng: ‘Từ nay ai có việc tranh kiện nhau, cho đến triều tâu bày, vua sẽ thân giải quyết” (Đại Việt sử ký toàn thư).
8. Ở các đời vua trước đó, đơn vị hành chính còn đơn giản, chưa hoàn thiện; đến tháng 12 năm Canh Tuất (1010) Lý Thái Tổ chia lại khu vực hành chính trong cả nước thành 24 lộ, dưới lộ là phủ, huyện, hương, giáp và thôn. Tại khu vực miền núi thì được chia thành các châu, trại, đạo.
9. Lý Thái Tổ là vị vua đầu tiên thực hiện chính sách dân tộc, với các vùng biên giới, khu vực miền núi thông qua các cuộc hôn nhân, để thắt chặt khối đại đoàn kết dân tộc và mở rộng ảnh hưởng quyền lực của triều đình trung ương. Đây là một chính sách rất đặc biệt của vương triều Lý và Lý Thái Tổ là người mở đầu chính sách đó. Sau khi lên ngôi, ông đã gả con gái là công chúa Đông Thiên cho tù trưởng động Giáp ở Lạng Châu (nay thuộc Bắc Giang và một phần Lạng Sơn) là Giáp Thừa Quý. Kể từ đó các đời vua nối tiếp của triều Lý đều thực hiện chính sách liên kết với các tù trưởng dân tộc thiểu số bằng quan hệ hôn nhân.
10. Lý Thái Tổ cho đúc tiền để lưu thông đầu tiên của triều Lý, đồng “Thuận Thiên đại bảo”, mặt sau có chữ Nguyệt. Tính từ kỷ nguyên giành được độc lập tự chủ thì đây là đồng tiền thứ 3 của dân tộc ta, sau đồng “Thái Bình hưng bảo” của Đinh Tiên Hoàng và “Thiên Phúc trấn bảo” của Lê Đại Hành.
11. Lý Thái Tổ là vị vua đặc biệt quan tâm đến việc sửa chữa, trùng tu lại các công trình tôn giáo. Cuối năm Canh Tuất (1010) ông “hạ lệnh cho các hương ấp, nơi nào có chùa quán đã đổ nát đều phải sửa chữa lại” (Đại Việt sử ký toàn thư).
12. Lý Thái Tổ là vị vua đầu tiên cấp độ điệp cho sư tăng (độ điệp là một dạng văn bằng cấp cho người xuất gia tu hành). Việc cấp độ điệp được thực hiện bắt đầu từ năm Canh Tuất (1010).
13. Lý Thái Tổ là vị vua đầu tiên thực hiện miễn thuế cho dân chúng trong một thời gian nhất định. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, tháng 12 năm Canh Tuất (1010) vua “đại xá các thuế khóa cho thiên hạ 3 năm, những người mồ côi, góa chồng, già yếu thiếu thuế đã lâu đều tha cho cả”.
14. Lý Thái Tổ !à vị vua đầu tiên quan tâm đến việc đào tạo, dạy dỗ công việc chính trị cho người kế vị sau này. Năm Nhâm Tý (1012) ông sai làm cung Long Đức ở ngoài hoàng thành cho Thái tử ra đó ở để gần gũi nhân dân nắm rõ và hiểu được đời sống xã hội.
15. Lý Thái Tổ là vị vua duy nhất trong lịch sử cho quân giao chiến với quân nước Nam Chiếu (một quốc gia cổ nay thuộc vùng Vân Nam Trung Quốc). Cuối năm Nhâm Tý (1012) ông nghe tin báo người Nam Chiếu xâm nhập châu Vị Long (nay thuộc Cao Bằng) bèn sai quân đi đánh, bắt được rất nhiều người và hơn 1 vạn con ngựa. Tháng giêng năm Giáp Dần (1014) 20 vạn quân Nam Chiếu tràn vào châu Bình Lâm (nay là Cao Bằng), “vua sai Dực Thánh vương đem quân đi đánh, chém được hơn 1 vạn đầu, bắt sống được quân lính và ngựa không kể xiết” (Đại Việt sử ký toàn thư).
16. Lý Thái Tổ mở đầu cho các triều vua Lý chủ động cho quân Bắc phạt nhằm răn đe, làm nhụt tham vọng của Bắc triều và đề cao sức mạnh của mình. Năm Nhâm Tuất (1022) vua sai Dực Thánh Vương đem quân đi đánh Đại Nguyên Lịch (một vùng đất tiếp giáp giữa nước ta và Tống), sau đó “quân ta đi sâu vào trấn Như Hồng đất Tống, đốt kho tàng rồi rút về” (Đại Việt sử ký toàn thư).
17. Lý Thái Tổ là vị vua đầu tiên cho biên soạn phả hệ hoàng tộc, vào năm Bính Dần (1026) “mùa xuân, tháng giêng, xuống chiếu làm ngọc điệp (phả hệ)” (Đại Việt sử ký toàn thư).
18. Lý Thái Tổ làm vua 18 năm (1009-1028), đặt những nền móng đầu tiên khai mở cho sự phát triển một giai đoạn văn hóa lớn trong lịch sử dân tộc. Việt giám thông khảo tổng luận đánh giá về sự nghiệp của ông như sau: “Lý Thái Tổ nhân Ngọa Triều thất đức, hiệp điềm tốt, sét đánh thành chữ, ứng mệnh trời thuận lòng người, thừa thời mở vận; có đại độ khoan nhân, có quy mô xa rộng, dời đô định vạc, kính trời yêu dân; tô ruộng có lệnh tha, phú dịch có mức độ; Bắc Nam thông hiếu, thiên hạ bình yên”.
Câu hỏi thường gặp về Thái Tổ Lý Công Uẩn
Lý Công Uẩn dời đô năm nào?
Vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) đã quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thành Đại La (tức Thăng Long) vào năm Canh Tuất 1010.
Lý Công Uẩn là vị vua như thế nào?
Lý Thái Tổ – Lý Công Uẩn là một vị vua anh minh, sáng suốt và thương dân.
Lý Công Uẩn trị vì ngôi vua bao nhiêu năm?
Lý Thái Tổ tên húy là Lý Công Uẩn (974 – 1028), là vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Hậu Lý trong lịch sử Việt Nam, trị vì 20 năm, từ năm 1009 đến khi qua đời năm 1028
Tên nước ta dưới thời Lý Thái Tổ là gì?
Nhà Đinh, sau khi định đô ở Hoa Lư đã đổi tên nước thành Đại Cồ Việt, quốc hiệu này được giữ tới khi Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, và sau đó đổi thành Đại Việt.
Để lại một bình luận