Tuyên phi Đặng Thị Huệ là ai?
Tuyên phi Đặng Thị Huệ biệt danh là bà chúa chè, chính cung của chúa Trịnh Sâm. Bà xuất thân từ thân phận thấp kém và kết thúc cuộc đời cô đơn bi thảm vì vậy chưa rõ năm sinh và ngày mất của bà.
Cuộc đời của bà chúa chè đi lên từ một cung tần phủ chúa nhưng đã làm khuấy đảo chính quyền chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, đưa đến sự sụp đổ của một thời vua Lê chúa Trịnh.
Hiện nay, thông tin về bà chúa chè Tuyên phi Đặng Thị Huệ được tìm thấy rõ nét nhất trong Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái
Cuộc đời bà chúa chè (Tuyên phi Đặng Thị Huệ)
Được tuyển vào phủ chúa, Đặng Thị Huệ dù có sắc đẹp mê hồn, ban đầu cũng chỉ được làm nữ tì hầu hạ bà Tiệp dư Trần Thị Vịnh, thứ phi của chúa Trịnh Sâm.
Công chúa Ngọc Hân với người “áo vải cờ đào”
Thường thì phận nữ tì có khi đến lúc già cũng chẳng được biết mặt chúa. Nhưng hôm ấy, trời đã khéo thương Thị Huệ khi nàng được chủ sai bưng một khay hoa đến dâng chúa. Và nàng lại càng may hơn khi được chúa Trịnh Sâm, người có tiếng đa tình…thương đến.
Vừa mới thấy Thị Huệ, chúa đã nổi hứng đàn ông, vời nàng vào phòng trong ân ái. Thị Huệ quả là người có “khiếu” thiên bẩm về chuyện này. Nàng khéo léo chiều chuộng, đem đến cho chúa những cảm giác chưa từng thấy trong đời…
Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm là vị chúa đầy quyền uy, lại vừa lập công lớn với triều đình. Sau bao năm giao tranh với quân Nguyễn không phân thắng bại, phải đến thời Trịnh Sâm, quân Trịnh mới thắng thế, chiếm được cả xứ Thuận Quảng của Đàng Trong.
Thế nhưng về chuyện riêng tư, xem ra ông không mấy toại nguyện. Trong cung đã tuyển bao nhiêu đàn bà con gái mà lúc nào chúa cũng cảm thấy trống trải. Đến khi thứ phi Dương Ngọc Hoan sinh được con trai là Trịnh Tông, ai cũng tưởng chúa sẽ vui lên, quên hết mọi sự đời. Nhưng không, dù chúa cố làm ra vui vẻ thì vẫn không giấu được vẻ u sầu.
Tiệp dư Trần Thị Vịnh thật khó có thể ngờ khay hoa của mình công dụng đến thế. Từ đó, chúa dường như chỉ tự nhốt mình bên kẻ mang hoa, người đã đem đến cho chúa những phút giây tình ái chứa chan, những lúc chúa thấy mình trẻ lại, vô lo, thật khác xa những lúc cầm quân đi Nam chinh hay phải đối phó với những mưu toan nơi cung vua, phủ chúa.
Không, chúa cũng có lo đấy, nhưng là lo làm sao để chiều lòng người đẹp. Một lần, Đặng Thị Huệ thấy chúa có viên ngọc quý, cầm xem. Chúa sợ nàng đánh rơi, bảo phải cẩn thận. Nàng liền sầm mặt, ném viên ngọc xuống, khóc:
– Ngọc thì đã là gì. Chẳng qua sai người vào Quảng Nam kiếm giả chúa hạt khác là cùng. Sao nỡ trọng của khinh người làm vậy! Rồi nàng dỗi, bỏ sang cung khác, lấy cớ ốm từ chối gặp chúa. Chúa phải dỗ dành mãi nàng mới chịu tiếp.
Năm 1777 bà chúa chè Đặng Thị Huệ sinh được cho chúa con trai, đặt tên là Cán. Chúa mừng không để đâu cho hết, phong nàng làm chính cung, gọi là Tuyên phi.
Bấy giờ con trưởng của chúa là Trịnh Tông (còn có tên là Khải) đã đến tuổi lập làm thế tử, nhưng chúa cứ lần lữa mãi.
Lo cho ngôi vị của mình, Tông câu kết với một số đại thần tính chuyện tự lập. Gặp lúc chúa ốm nặng, Tông cho gọi các đạo quân ở Sơn Tây, Kinh Bắc về làm hậu thuẫn, chờ khi chúa mất là khởi sự. Không ngờ chúa lại khỏi. Chuyện bại lộ, Tông liền bị bắt giam.
Người có “công” phát hiện ra việc tày trời ấy không phải ai khác mà chính là Đặng Tuyên phi. Từ lâu, nàng đã có ý giành ngôi thế tử cho con mình. Muốn thế, trước hết phải loại bỏ Trịnh Tông đã.
Tuyên phi câu kết với Quận Huy (tức Huy Quận công Hoàng Đình Bảo), người có tay chân, thủ hạ ở khắp nơi để tìm cơ hội. Nay có người mật báo về mưu đồ của Trịnh Tông, bà và Quận Huy lập tức tâu chúa. Chúa giận lắm, giáng Trịnh Tông làm con út, bắt quản thúc trong nội phủ. Lại phong Trịnh Cán, khi ấy mới ba tuổi, làm thế tử.
Quận Huy được cử làm A phó để phò tá. Tháng Chín năm Nhâm Dần (1782), chúa Trịnh Sâm qua đời. Theo di mệnh của ngài, thế tử Trịnh Cán được lập làm chúa, Tuyên phi Đặng Thị Huệ buông rèm nhiếp chính.
Vốn xuất thân làm nghề hái chè ở làng Phù Đổng, trấn Kinh Bắc, nay trở thành Thái phi, bà được dân gian quen gọi là Bà Chúa Chè.
Bấy giờ chúa mới là Trịnh Cán còn nhỏ dại, sức khỏe lại kém. Thái phi nhiếp chính và A phó Quận Huy phải thường xuyên gặp gỡ để bàn mưu, tính kế lo cho cơ nghiệp chúa, đồng thời đối phó với bè đảng của Trịnh Tông. Vì vậy trong triều ngoài nội bị nhiều người ghét và có ý ngờ. Người ta truyền tai nhau câu ca dao:
Trăm quan có mắt như mờ,
Để cho Huy quận vào sờ chính cung.
Dân đồn thì cứ đồn, nhưng chết nỗi lại có sự can dự của lính kiêu binh. Nguyên nhà Lê khi bắt đầu khởi nghiệp Trung hưng, dấy lên ở Thanh Hóa, binh lính đều trông vào ba phủ là Hà Trung, Thiệu Hóa, Tĩnh Gia.
Đến khi đuổi được nhà Mạc ra khỏi Thăng Long, thì quân ở ba phủ trên (tục gọi là lính tam phủ) được coi là thân binh hay ưu binh.
Họ thường được dùng làm quân túc vệ bởi đã có nhiều công lao trong chiến trận. Có công lớn, lại được vua chúa nuông chiều, nên họ sinh thói kiêu căng, xem thường phép nước. Vì thế gọi là kiêu binh.
Trước đó, họ đã hai lần làm bậy. Năm 1674, lính tam phủ giết quan Tham tụng Nguyễn Quốc Trinh và phá nhà Thượng thư Phạm Công Trứ. Năm 1741, họ lại phá nhà và chực giết quan Tham tụng Nguyễn Quý Cảnh. Cả hai lần, chúa đều bắt những tên chủ xướng trị tội, nhưng họ đã quen thói, hễ có điều gì bất bình là lại nổi lên làm loạn.
Đến lần này thì kiêu binh thật sự trở thành quốc nạn, khi họ can thiệp vào việc nhà chúa. Bấy giờ có Nguyễn Bằng, một tên biện lại người Nghệ An, đứng ra làm đầu trò. Y bàn với lính tam phủ lật đổ Trịnh Cán để lập Trịnh Tông.
Trước hết, họ ngầm liên hệ với mẹ Trịnh Sâm xin ý chỉ, hẹn với quân bên ngoài vào chi viện rồi nhờ người làm bài hịch khích lệ quân lính. Hôm khởi sự, Nguyễn Bằng vào phủ chúa đánh ba hồi trống làm hiệu, lính kiêu binh liền kéo đến vây phủ.
Quận Huy ra chống cự nhưng không nổi, bị giết chết. Đặng Thị Huệ khiếp sợ quá, phải thay đổi quần áo, nấp ở hậu cung. Lính kiêu binh phế bỏ Trịnh Cán, rước Trịnh Tông lên ngôi chúa. Các đình thần im lặng không dám chống cự.
Kết cục bi thảm của Tuyên phi Đặng Thị Huệ
Trịnh Tông lên rồi, thứ phi Dương Ngọc Hoan trở thành Thái phi. Bà liền sai người bắt Tuyên phi hỏi tội, sau đem giam vào nhà Hộ tăng ở vườn sau.
Tại đây, Đặng Thị Huệ bị làm tình làm tội cực kì khổ sở. Một bữa, bà trốn ra khỏi cửa Tuyên Vũ, chạy đến bến đò phố Khách thì bị quân lính đuổi kịp…Sau một thời gian giam giữ ngặt, Đặng Thị Huệ được cho làm cung tần nội thị, vào Thanh Hóa hầu hạ lăng tẩm chúa Trịnh Sâm.
Ở đây, bà ngày đêm gào khóc xin được chết theo chồng. Được hai năm, đến ngày giỗ chúa Trịnh Sâm, bà được cho ra làm lễ. Tế xong, bà uống thuộc độc mà chết…Đấy là theo Hoàng Lê nhất thống chí. Còn có sách nói rằng, tại lễ tế chúa Trịnh Sâm, bà khóc lóc thảm thiết trước bài vị chúa rồi đâm cổ tự vẫn…
Chi tiết có thể khác nhau, nhưng đều toát lên tính cách quyết liệt của nhân vật Đặng Thị Huệ, người đã đi vào tiểu thuyết của Nguyễn Triệu Luật, Nguyễn Huy Tưởng cũng như nhiều tác phẩm văn học khác, cả các văn thơ truyền miệng về bà chúa chè.
Có điều chắc chắn, dù không có di ảnh cũng như không có những ghi chép tả thực về ngoại hình bà, song một cách thật tự nhiên, Tuyên phi Đặng Thị Huệ luôn được xếp vào “Tứ đại mĩ nhân” của nước ta. Ba người còn lại có thể thay đổi theo từng bầu chọn, song bao giờ cũng luôn có mặt Đặng Tuyên phi. Phải chăng bà đẹp thật, hay dấu ấn lịch sử của bà đã gây ấn tượng đến thế trong cảm thức của người đời?…