Câu chuyện Trần Cảo khởi nghĩa cuối thời Lê sơ
Nghe lời sấm truyền “phương Đông có thiên tử khí”, Trần Cảo cho là ứng vào mình, bèn quyết định khởi nghĩa mưu việc lớn. Ông đã làm chao đảo triều Lê sơ và là một nhân tố làm Lê sơ sụp đổ.
Vua Duy Tân thoát nạn nhờ mối tình dang dở với con gái đại thần
Thời vua Lê Tương Dực, ở điện Thuần Mỹ có người làm chức giám tên là Trần Cảo. Ông vốn người trang Dưỡng Chân, huyện Thủy Đường (nay là huyện Thủy Nguyên), Hải Phòng. Tin lời sấm truyền “phương Đông có thiên tử khí”, Trần Cảo bèn quyết định khởi binh.
Ban đầu, ông tụ tập những người tha hương làm vây cánh, trong đó có nhiều người Chiêm lưu lạc đang phải trốn tránh triều đình. Để có danh chính ngôn thuận, Trần Cảo tự nhận mình là dòng dõi năm đời của vua Trần và là ngoại thích của bà Ngô Thị Ngọc Dao, mẹ vua Lê Thánh Tông.
Tháng 3 năm 1516, Trần Cảo và con là Trần Cung cùng các thủ hạthân tín dấy binh khởi nghĩa ở chùa Quỳnh Lâm. Ông tự cho mình là Đế Thích giáng sinh, xưng làm vua, đặt niên hiệu là Thiên Ứng. Mỗi khi ra trận ông mặc áo đen, quân lính đều cạo trọc đầu, để ba chỏm tóc nên gọi là “quân ba chỏm”. Quân của Trần Cảo đông tới vài vạn người, quân triều đình không sao chống đỡ nổi. Cả một vùng Hải Dương phía đông lần lượt thuộc về “quân ba chỏm”.
Không dừng lại ở “phương Đông”, cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan rộng và cũng rất táo tợn. Chỉ trong có mấy tháng, Trần Cảo đã hai lần tiến đánh kinh thành. Lần đầu, “quân ba chỏm” tiến về Bồ Đề, uy hiếp Thăng Long. Họ tuy ô hợp nhưng liều chết khiến quân triều đình rất khốn đốn.
Bấy giờ quan đại thần Trịnh Duy Sản vì có thù riêng với vua, lấy cớ đi đánh Trần Cảo rồi bất ngờ đem quân quay về, giết chết Lê Tương Dực. Kinh thành náo loạn, binh lính đốt phá, cướp bóc loạn xạ. Trịnh Duy Sản phải đem vua mới lập là Lê Chiêu Tông chạy về Tây Đô. Kinh thành bị bỏ ngỏ, Trần Cảo liền đem quân qua sông tiến vào làm chủ thành Thăng Long.
Sau Lê Chiêu Tông tập hợp lực lượng, kéo quân các trấn về đánh, có cả quân thủy lẫn quân bộ, Trần Cảo mới chịu bỏ kinh thành, chạy về Trâu Sơn (thuộc huyện Chí Linh, Hải Dương). Tưởng dễ dàng tiêu diệt được “quân ba chỏm”, Trịnh Duy Sản liền dẫn các tướng đi đánh. Không ngờ bị Trần Cảo lập mưu, đặt phục binh đánh cho một trận tan tành. Trịnh Duy Sản bị bắt sống mang về Vạn Kiếp giết chết.
Thắng trận, Trần Cảo lại đem quân tiến đánh kinh thành. Lần này, do có phần chủ quan, lại gặp phải Trần Chân là một tướng giỏi của Lê Chiêu Tông, “quân ba chỏm” bị thua nặng. Trần Cảo phải chạy lên Lạng Nguyên. Quân Trần Cảo và quân triều đình lấy sông Cầu làm ranh giới. Sau nhiều ngày đánh nhau với Trần Chân không phân thắng bại, Trần Cảo “truyền ngôi” cho con là Trần Cung. Ông cạo đầu làm sư, giấu tên để trốn tránh. Mặc dù không biết kết cục của ông ra sao, nhưng tại các thôn Bảo Lộc, An Lạc, Chu Nguyên (thuộc phủ Lạng Giang, Bắc Giang) vẫn còn đền thờ Trần Cảo, nên người ta phỏng đoán ông chết ở đó.
Trần Cung cũng xưng làm vua, tiếp tục chiếm cứ mạn phía đông chống lại triều đình. Tới năm 1521, ông mới chịu thất bại dưới tay Mạc Đăng Dung (1), viên tướng giỏi nhất của nhà Lê. Trần Cung bại trận chạy lên châu Thất Nguyên rồi bị triều đình tầm nã bắt được, giải về kinh hành hình.
(1) Tướng Mạc Đăng Dung sau này soán ngôi nhà Lê lập nên nhà Mạc gọi là Mạc Thái Tổ.
Khởi nghĩa Trần Cảo là cuộc khởi nghĩa lớn nhất thời Lê sơ, được coi là một nguyên nhân khiến cho nhà Lê sụp đổ. Nhiều người cũng cho rằng, việc Trần Cảo tin vào lời sấm truyền “phương Đông có thiên tử khí” để xưng vua phất cờ khởi nghĩa không phải là không có cơ sở.
Bạn đang xem bài viết về nhân vật Trần Cảo thời Hậu Lê trong chuyên mục Nhân vật lịch sử
Vua Trần Cảo của 100 năm trước
Câu chuyện Trần Cảo khởi nghĩa vì tin vào lời sấm truyền ở trên diễn ra vào năm 1516, cuối thời Hậu Lê. Trước đó gần 100 năm, lúc khởi đầu thời Lê, cũng có vị vua là Trần Cảo do thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn là Lê Lợi ủng lập. Nhưng thực tế vua Trần Cảo chỉ là nước cờ phải đi của Lê Lợi để bình định đất nước. Sau khi lợi dụng xong, vua Trần Cảo cũng bị thế lực Lê Lợi tiêu diệt để Lê Lợi lên ngôi.
Khi khởi nghĩa Lam Sơn bước vào giai đoạn thắng thế, Bình Định vương Lê Lợi đánh bại quân Minh do Tổng binh Vương Thông chỉ huy trong trận Tốt Động – Chúc Động, buộc Vương Thông phải cố thủ trong thành Đông Quan. Để tìm cách kìm hãm sự phát triển của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và chia rẽ nội bộ người Việt, Vương Thông liền viện cớ tìm lại tờ chiếu của vua Minh Thành Tổ năm 1407 khi đánh Đại Ngu, có nội dung muốn lập lại con cháu nhà Trần mà đòi Lê Lợi phải lập con cháu nhà Trần mới đồng ý giảng hòa và rút quân về nước.
Lê Lợi bèn sai người tìm con cháu nhà Trần. Theo sử sách, lúc đó Trần Cảo (tên húy: Hồ Ông) đang lánh nạn ở châu Ngọc Ma, tự xưng là cháu nội vua Trần Nghệ Tông, được tù trưởng châu Ngọc Ma là Cầm Quý tiến cử với Lê Lợi.
Lê Lợi bèn lập Trần Cảo làm vua, với danh nghĩa kế tục nhà Hậu Trần, đặt niên hiệu là Thiên Khánh, còn Lê Lợi tự xưng là Vệ quốc công.
Lê Lợi tập trung vào chiến sự, sai quan tả bộc xạ là Bùi Quốc Hưng ở bên cạnh phò tá, nhưng thực chất là để giám sát vua. Ông làm vua nhưng trên thực tế không có quyền hành. Toàn bộ chiến sự chống quân Minh đều do Lê Lợi quyết định.
Sau nhiều thắng lợi liên tiếp, quân Lam Sơn đánh đuổi được quân Minh ra khỏi bờ cõi. Vương Thông sau Hội thề Đông Quan phải mang quân trở về Trung Quốc.
Lê Lợi đứng tên Trần Cảo là người đang làm vua trên danh nghĩa, sai sứ dâng biểu cho nhà Minh xin được phong.
Vua Minh Tuyên Tông biết Lê Lợi không có ý tôn Trần Cảo nhưng vì bị thua mãi nên đồng ý phong cho Trần Cảo làm An Nam quốc vương.
Lịch sử cũng không ghi nhận Trần Cảo là vua nhà Hậu Trần mà chỉ ghi nhận hai vua Giản Định đế và Trùng Quang đế thuộc triều đại này. Nhà Hậu Trần đã cáo chung sau khi Trùng Quang đế mất năm 1413.
Trần Cảo ban đầu đóng dinh ở núi Không Lộ, sau dời đi Ninh Giang rồi lại thiên đi thành Cổ Lộng. Theo sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, lúc đó các tướng Lam Sơn nói với Lê Lợi rằng: “Cảo không có công cán gì, sao lại để cho ăn trên ngồi trốc người ta! Xin trừ khử hắn đi”.
Lê Lợi không nỡ, đãi ngộ lại càng hậu hơn. Trần Cảo tự biết người trong nước không theo mình, bèn cất lẻn vượt biên, trốn đi Ngọc Ma. Quan quân Lam Sơn đuổi theo, bắt được ông. Khi về đến thành Đông Quan, ông bị bắt phải uống thuốc độc tự vẫn. Sau khi Trần Cảo chết, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế.
Theo sử nhà Minh, sau đó Lê Lợi cho sứ sang tâu nhà Minh rằng Trần Cảo bệnh mà chết ngày 10 tháng 1 năm 1428 âm lịch, do đó Lê Lợi có danh chính để làm vua Đại Việt. Tuy nhiên, nhà Minh ban đầu không thừa nhận ngôi vị của Lê Lợi, yêu cầu nhà Lê sơ phải tìm con cháu họ Trần khác. Phía Đại Việt phải nhiều lần báo rằng họ Trần đã hết người không còn ai nữa. Mãi đến năm 1431, Minh Tuyên Tông mới chính thức công nhận Lê Lợi làm An Nam Quốc vương.
Sau gần 100 năm tồn tại (1428 – 1527), nhà Hậu Lê đổ nát. Dân chúng nổi dậy chống lại rất mạnh mẽ, trong đó có cuộc khởi nghĩa của thủ lĩnh ở Đông Triều (Quảng Ninh) mang tên Trần Cảo theo lời sấm truyền “phương Đông có thiên tử khí”
Hai cái tên Trần Cảo trùng nhau, gắn bó vào đầu và cuối thời Hậu Lê, một xuất hiện ở thời kỳ đầu làm bước đệm để lập nên nhà Hậu Lê, và một xuất hiện cuối thời Hậu Lê là nhân tố khiến nhà Lê sụp đổ.
Một số ý kiến của các sử gia phong kiến cho rằng: Chính do Lê Lợi sát hại vua Trần Cảo – Hồ Ông để giành ngôi báu nên 100 năm sau, Trần Cảo lại “tái sinh” thành một Trần Cảo khác để báo oán nhà Hậu Lê.