Nguyễn Hoàng và lời sấm “Hoành Sơn nhất đái. Vạn đại dung thân”
Nguyễn Hoàng (1525-1613) vị chúa Nguyễn đầu tiên, được gọi là chúa Tiên. Ông vào nam dung thân lánh nạn đồng thời đã “khai khẩn” Đàng Trong theo lời “sấm” của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Nhà Mạc sụp đổ vì 2 vị tướng đều quyết đầu quân cho đối thủ
Tin Tả tướng Lang Quận công Nguyễn Uông đột ngột qua đời khiến ai nấy đều bất ngờ. Rồi người ta xì xầm truyền nhau, mặt mũi ông tím bầm lạ lắm, chắc là do bị đầu độc mà thôi.
Trong đám tang người anh ruột, Đoan Quận công Nguyễn Hoàng gục đầu bên quan tài khóc lóc. Ông vừa thương anh, vừa lo cho số phận mình. Chợt hé mặt nhìn lên, ông lạnh người khi bắt gặp ánh mắt sắc như chớp và khoé miệng đanh lại của người anh rể Trịnh Kiểm.
Sau khi bố vợ là Nguyễn Kim mất, Trịnh Kiểm đã nắm trọn quyền hành, đứng chức Thái sư đầu triều nhà Lê Trung hưng. Song ông ta vẫn không an tâm mỗi khi nghĩ đến hai người em vợ là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng, cả hai đều tài giỏi lại dòng dõi công thần… Nguyễn Hoàng hiểu rằng, sau anh Uông, Trịnh Kiểm tất sẽ tính đến mình…
Nguyễn Hoàng lảo đảo đứng dậy, trông như tàu lá chuối héo không còn hơi sức. Nhiều ngày sau đó, ông cáo ốm, không vào triều. Làm như không chịu được cái tang quá lớn, ông trở nên lầm lì, thất thần như kẻ mất hồn.
Thực ra, ông đang mong ngóng kẻ thủ hạ được bí mật phái đi hỏi kế sách dung thân từ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm người được coi là Khổng Minh đương thời. Vốn có họ ngoại ở làng Phạm Xá, huyện Tứ Kì, Hải Dương, gần quê Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Hoàng lén cho người ra Bắc, tìm đến hỏi Trạng về con đường sống.
Kẻ thuộc hạ hỏi mãi, chẳng thấy Trạng nói gì… Chỉ thấy ông đi đi lại lại ngắm hòn non bộ trong như dãy núi lớn thu nhỏ và lẩm nhẩm: “Hoành Sơn nhất đái. Vạn đại dung thân”. Người ấy đem chuyện về thưa lại với Nguyễn Hoàng. Là một nhà quân sự, Nguyễn Hoàng hiểu ngay Trạng Trình nhắn bảo ông rằng: “Một dãy Hoành Sơn hiểm trở kia có thể yên thân được muôn đời”.
Nguyễn Hoàng tìm cách vượt Hoành Sơn
Hiểu được ý Trạng rồi, Nguyễn Hoàng lại ngày đêm suy nghĩ tìm cách thực hiện. Gặp dịp anh rể đi xem quân sĩ thao luyện, Nguyễn Hoàng vào nội cung xin gặp chị gái là Ngọc Bảo vợ của Trịnh Kiểm. Ông cứ thực lòng giãi bày mọi chuyện với chị, rồi nói:
– Theo lời dạy của cụ Trạng, em phải làm sao vào được xứ Thuận Hóa bên kia dãy Hoành Sơn làm chỗ nương thân. Việc này phi chị ra, không ai xin với Thái sư cho em được.
Bà Ngọc Bảo nghe xong thất kinh, nhưng bà biết lúc này phải thật bình tĩnh, làm như không có chuyện gì. Bà dặn em hãy cứ giả điên giả khùng để tránh sự ngờ vực, mọi việc đã có mình lo. Rồi một hôm, khi chỉ có hai vợ chồng trong cung riêng, bà lựa lời nói với chồng:
– Em thiếp là quận Đoan bỗng dưng phát chứng ngớ ngẩn. Thiếp bị các quan trong triều chê cười phải nhiều phen xấu hổ. Thiếp nghe nói xứ Thuận Hoá là chỗ núi độc nước xấu, dân man hung dữ, người ta đều chê không muốn đến. Cúi xin tôn ông nghĩ đến công cha và tình thiếp, cho quận Đoan vào trấn giữ đất ấy để được ơn sống suốt đời. Nhờ thế quận Đoan được làm bề tôi nơi phên giậu, giúp ích cho triều đình, mà tình nghĩa chị em cũng được trọn vẹn. Mong tôn ông ưng thuận cho.
Trịnh Kiểm nghe nói mừng thầm, bỗng dưng có cách đẩy được Nguyễn Hoàng đi xa, khỏi còn phải lo có kẻ tranh chấp quyền lực với mình. Lại nghĩ: “Xứ ấy có quân đồn trú của nhà Mạc, có nó ở đấy cũng đỡ được sự quấy nhiễu của Bắc triều ở mặt phía Nam. Bằng không cũng kể như mượn tay nhà Mạc giết nó, mà ta khỏi phải mang tiếng là kẻ bất nghĩa.” Nghĩ thế, nhưng Trịnh Kiểm vẫn làm ra vẻ đăm chiêu khó quyết, cứ để vợ nài xin mãi mới chịu.
Trong buổi thiết triều tiếp theo, Trịnh Kiểm tâu vua Lê phong cho Nguyễn Hoàng làm Thái úy Đoan Quốc công, trấn thủ xứ Thuận Hoá, hằng năm theo lệ dâng nộp thuế.
Nhận sắc chỉ, ngay hôm sau bất chấp ngày đông tháng giá, Đoan Quốc công giong buồm đưa cả đoàn thuyền đã bí mật chuẩn bị từ trước theo đường biển vào Nam.
Cùng đi với Nguyễn Hoàng là những thủ hạ thân tín, trong đó có người cậu ruột Nguyễn Ư Dĩ – người từng nuôi dạy ông từ năm lên hai, công tử Thuỵ Quận công, Thái bảo Hoà Quận công, cùng một số tướng giỏi và họ hàng ở quê Tống Sơn và Nghĩa Dũng (Thanh Hoá). Ngắm nhìn đoàn thuyền chở hàng ngàn quân Thanh Nghệ đi theo mình, lòng ông phơi phới, bụng cười thầm: Kiểm gian chứ chưa khôn. Không dưng đang nhốt hổ lại thả về rừng.
Sự kiện lịch sử trọng đại đó xảy ra vào năm 1558: Họ Nguyễn bắt đầu lập nghiệp và bành trướng ở phía Nam (sau gọi là Đàng Trong).
Những ngày đầu gây dựng cơ đồ Đàng Trong của chúa Nguyễn Hoàng
Đoàn thuyền của Nguyễn Hoàng từ ven biển rẽ vào Cửa Việt. Mọi người dựng nhà như kiểu doanh trại ở tạm trên bãi cát Ái Tử thuộc huyện Đăng Xương (nay là huyện Triệu Phong), Quảng Trị.
Thế nhưng trước đó, nhà Mạc đã sai Đô đốc Lập Bạo vào trấn thủ Thuận Hoá, đóng doanh trại ở Khang Lộc. Được tin Đoan Quận công kéo quân vào, Lập Bạo một mặt đem 60 chiến thuyền tiến thẳng vào Cửa Việt, một mặt sai 1000 quân bộ theo đường Hồ Xá – Lãng Uyển đến đóng quân ở miếu Thành Tương, hai gọng kìm vây Nguyễn Hoàng vào giữa.
Nguy cơ bị tiêu diệt đã rõ, Nguyễn Hoàng lo lắm, xem ra phen này khó thoát. Đêm nằm trằn trọc không ngủ được, bỗng ông nghe ở phía sông sóng quẫy rất mạnh, âm thanh khác thường. Nguyễn Hoàng khấn: “Sông nước này, nếu có hiển linh, xin phù hộ cho đánh tan giặc, tôi sẽ xây miếu bốn mùa thờ cúng.” Thiếp đi, ông mơ thấy một người đàn bà mặc áo xanh bước qua cửa, ghé tai ông mách nước: “Dùng mĩ nhân kế, dụ Lập Bạo đến bãi cát mà giết, nguỵ đảng sẽ tan.”
Sáng ra, Nguyễn Hoàng cho gọi một nàng hầu tên là Ngô Thị Ngọc Lâm, vừa xinh đẹp, vừa có tài ứng biến đến bảo: “Nàng hãy vì nghiệp lớn, đóng vai sứ giả đến gặp Quận Lập giúp ta, rồi dụ hắn đến bãi cát kia cho ta gặp xin mở đường hoà hiếu.” Nàng Ngọc Lâm khóc lóc mãi rồi mới chịu mang vàng bạc, kì nam sang trại địch xin ra mắt. Lập Bạo vừa thấy nàng liền mắng phủ đầu:
– Chúa ngươi xảo trá, muốn sai sứ đàn bà đến thuyết khách ta đó chăng? Ta không phải là phường Đổng Trác, Lã Bố đâu! Nhưng vốn người hữu dũng vô mưu, lại hiếu sắc, Lập Bạo thấy nàng Ngọc Lâm mười phần xinh đẹp, ăn nói nhỏ nhẹ có duyên thì dịu giọng liền. Y nhận lễ vật, đuổi mấy người lính về, chỉ giữ “sứ giả” lại làm con tin rồi lả lơi dắt nàng vào trướng.
Được mấy người lính về bẩm báo, Nguyễn Hoàng cả mừng, sai quân đến bãi cát dựng nhà khách, đào hố ngầm bốn hướng rồi cho võ sĩ giắt dao ngắn mai phục.
Đến hẹn, Lập Bạo tỏ vẻ anh hùng như Quan Công khi xưa đi phó hội, tay cầm đại đao, theo sau là người đẹp – con tin, chỉ để hai tên lính chèo đò và chưa đầy một chục võ sĩ đi hộ vệ. Khi thấy trước nhà khách chỉ có mấy tên lính già yếu đứng gác, y lại càng yên tâm.
Đoan Quận công Nguyễn Hoàng mũ áo ngay ngắn, từ xa chắp tay bước ra đón tiếp. Lập Bạo nghênh ngang bước vào. Y vừa đến cửa, Đoan Quận công hô lớn:
– Quân sĩ đâu, mau ra đón khách.
Các võ sĩ bật hầm xông lên, vũ khí sáng loà. Lập Bạo hốt hoảng quay đầu chạy. Trong cơn nguy cấp, y lao xuống nước, hối hả lặn. Nhưng y lặn đến đâu cũng bị một con chim chài cá bay theo đến đó, kêu vang như chỉ đường cho quân Nguyễn Hoàng đuổi theo. Lập Bạo lặn mãi đến làng Vân Trình cuối sông Vĩnh Định thì tắt thở, xác nổi lên.
Đoan Quận công liền cho quân xông ra đánh gấp. Quân thuỷ bộ nhà Mạc như rắn mất đầu, cuống cuồng nộp vũ khí quy hàng.
Nguyễn Hoàng mở tiệc ăn mừng, hậu thưởng binh sĩ, sai người xây miếu bên sông thờ nữ thần cho dân bốn mùa thờ phụng. Ông hết lời khen ngợi nàng Ngô Thị Ngọc Lâm và đem gả cho một người giúp việc trong phủ chúa là Nghi Côn, lại phong cho Côn tước Văn Hùng bá. Đám cưới do đích thân ông làm chủ hôn.
Dấu ấn của Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn trên đất “thành kinh” mới
Vùng đất Triệu Phong Quảng Trị được chúa Nguyễn Hoàng đóng đô hơn 50 năm, đến đời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên ở thêm 14 năm nữa thì cho dời dinh từ Quảng Trị vào Phước Yên, Quảng Điền (Thừa Thiên Huế).
Bạn đang đọc bài viết về Nguyễn Hoàng trong chuyên mục Nhân vật lịch sử tại pqt.edu.vn
Lỵ sở đầu tiên mà Nguyễn Hoàng đóng quân là Ái Tử Triệu Phong. Ông đã cho đóng trại trên một cồn cát ven sông thuộc làng Ái Tử của huyện Võ Xương. Lỵ sở này tồn tại trong vòng 12 năm.
Lỵ sở thứ hai là thủ phủ Trà Bát. Thời điểm hình thành lỵ sở này bắt đầu từ khi Nguyễn Hoàng trở lại Thuận Hóa năm 1570, sau chuyến ra Bắc giúp vua Lê đánh dẹp nhà Mạc (1569); ông cho dời dinh sang làng Trà Bát (thôn Trà Liên, xã Triệu Giang ngày nay). Lỵ sở này tồn tại trong vòng 30 năm.
Nhiều ý kiến cho rằng Dinh Trà Bát nằm ở trên khu vực của nền chùa Liễu Bông (Liễu Ba) – nơi trước những năm 1980 còn có ngôi miếu thờ pho tượng đồng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ (cậu ruột và cũng là vị quân sư của Nguyễn Hoàng). Đây chính là địa điểm nằm trên khu đất có tên gọi là Cồn Dinh thuộc làng Trà Liên tiếp giáp với làng Tiền Kiên, ở bờ Tây của sông Ái Tử đoạn ôm vòng lại; cách địa điểm được gọi là Nương phủ (Phủ thờ) – nơi được xác định là một địa điểm nữa của Dinh chúa chưa đầy 500m về phía Tây bắc mà ngày nay còn lưu lại nhiều vết tích về một vòng thành (thành nội) so với hai địa điểm khác thì đây là nơi mà dấu vết còn lại khá rõ nét.
Lỵ sở thứ ba là Dinh Cát (hay Cát Dinh). Thời điểm hình thành lỵ sở này từ sau khi Nguyễn Hoàng ra Bắc lần thứ hai (1593) trở về vào năm 1600; ông cho dời phủ Trà Bát sang Dinh Cát. Lỵ sở này tồn tại trong thời gian 26 năm, trong đó có 13 năm dưới thời chúa Nguyễn Hoàng và 13 năm dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên.
Năm 1613, Nguyễn Hoàng mất, chúa Nguyễn Phúc Nguyên nối ngôi. Ông ở lại Dinh Cát 14 năm nữa thì chuyển thủ phủ nhà chúa vào sâu hơn về phía Nam: Phước Yên (năm 1626).
Vấn đề “đối nội” với vua Lê chúa Trịnh của Nguyễn Hoàng
Nguyễn Hoàng tỏ ra là người có chí lớn. Ông biết khôn khéo giấu mình, luôn tỏ ra quy phục vua Lê, nhún nhường với họ Trịnh để tính kế lâu dài. Năm nào ông cũng nộp thuế má cho nhà Lê đầy đủ, mỗi lần quân sĩ kìn kìn chở ra hành cung Vạn Lại 400 cân vàng bạc, 500 tấn lúa để nuôi quân.
Năm 1570, Trịnh Kiểm mất, nội bộ Nam triều lục đục, chúa Trịnh Tùng buộc phải gọi thủ hạ là Nguyễn Bá Quýnh trấn thủ Quảng Nam về triều, Nguyễn Hoàng được kiêm luôn chức ấy.
Đất đai được mở rộng, Nguyễn Hoàng có điều kiện phát triển thế lực của mình. Ông chiêu hiền đãi sĩ, ra sức chiêu mộ dân li tán đến khai khẩn đất hoang, thi hành nhiều chính sách hợp lòng dân. Đất Thuận – Quảng hoang vu dần trở thành vùng trù phú, dân cư đông đúc.
Tháng Năm năm Quý Tị (1593), quân Lê – Trịnh đánh tan quân Mạc, lấy lại được Thăng Long. Nguyễn Hoàng mang lễ vật ra chúc mừng. pqt.edu.vn Vua Lê Thế Tông rất đẹp lòng phong ông làm Trung quân đô đốc thủ phủ Tả đô đốc chưởng sự Thái uý Đoan Quốc công. Nguyễn Hoàng ở lại miền Bắc suốt bảy năm, nhiều lần đem quân đánh dẹp dư đảng nhà Mạc ở Thái Bình và Hải Dương, lập được công lớn.
Năm Kỉ Hợi (1599) vua Lê Thế Tông băng hà, Lê Kính Tông lên ngôi, Nguyễn Hoàng được phong là Hữu tướng.
Tuy nhiên, bất cứ hành động nào của Nguyễn Hoàng cũng nằm trong tầm giám sát của Trịnh Tùng, người cháu gọi ông bằng cậu ruột. Để tránh sự nghi kị, ông gả con gái yêu là Ngọc Tú cho Trịnh Tráng, con trưởng Trịnh Tùng.
Khởi nguồn Trịnh Nguyễn phân tranh
Năm Canh Tí (1600), ông xin được đem quân bản bộ cùng các gia tướng đi dẹp loạn Phan Ngạn, Ngô Đình Ngà, Bùi Văn Khuê ở Nam Định. Thế rồi ông giong buồm chạy tuốt về Thuận – Quảng, để lại con trai và cháu nội ở Thăng Long làm con tin.
Sự đã rồi, vua Lê đành cho sứ giả vào phủ dụ, giữ nguyên chức cho Nguyễn Hoàng, đồng thời Trịnh Tùng cũng gửi thư, khuyên ông giữ nghiêm việc thuế cống.
Từ đó Nguyễn Hoàng không về kinh đô của vua Lê chúa Trịnh nữa, mà ra sức gây dựng vùng đất mới thành một giang sơn riêng.
Ông định lại quan chế, chỉnh đốn binh bị, mở rộng bờ cõi về phía Nam, đặt thuế khoá rất nhẹ để khoan sức dân, tăng tiềm lực về mọi mặt. Đồng thời cho xây chùa chiền ở nhiều nơi, dùng đạo Phật thuần hoá các bộ tộc ở những vùng lãnh thổ mới.
Sử gia Lê Quý Đôn, tuy làm quan với họ Trịnh cũng phải thừa nhận:
Đoan Quận công Nguyễn Hoàng chính sự khoan hoà, việc gì cũng thường làm ơn cho dân, phép tắc công bằng, nghiêm giữ quân sĩ có kỉ luật… Chợ không có hai giá, trong dân gian không có trộm cướp, đêm không phải đóng cổng, thuyền ngoại quốc đến buôn bán, việc giao dịch phân minh, ai cũng cố gắng, toàn cõi nhân dân an cư lạc nghiệp. (Phủ biên tạp lục).
Dân chúng miền Bắc hay bị mất mùa, đói kém di vào cư trú khá đông làm Đàng Trong thêm mạnh. Mọi người đều gọi ông là chúa Tiên.
Nguyễn Hoàng mất năm 1613, thọ 89 tuổi, trấn thủ Thuận – Quảng được 56 năm. Sau ông được triều Nguyễn tôn xưng là Thái tổ Gia dụ Hoàng đế.
Từ đây khởi nguồn cho thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, nhưng đằng sau đó câu chuyện vẫn còn nhiều giai thoại và diễn biến mới lạ, hấp dẫn. Mời bạn đọc xem tiếp ở bài viết: Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và giai thoại “Ta không nhận sắc”