Nguyên nhân nhà Mạc sụp đổ
Nhà Mạc sụp đổ có thể dự báo trước từ khi vị lão tướng tóc bạc Lê Bá Ly chán nản đầu quân cho Lê – Trịnh. Mười năm sau đó một vị tướng thứ hai cũng quyết quay ngoắt theo phe Trịnh vì vua nhà Mạc là Mạc Mậu Hợp đam mê tửu sắc, âm mưu hại tướng Bùi Văn Khuê để chiếm lấy vợ ông.
Sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn có ghi:
Mùng 1 tháng Tám năm Mậu Thìn (1592) có sao sa xuống, sắc đỏ, dài chừng 5 trượng, lóe sáng như tia chớp, chiếu sáng rực vào nóc nhà, rơi xuống đất có tiếng ầm như tiếng sấm.
Theo quan niệm của người xưa, đó là triệu bất thường, sẽ có binh biến xảy ra. Xem ra, điều đó đã ứng vào lịch sử triều nhà Mạc.
Bấy giờ, vua nhà Mạc là Mạc Mậu Hợp đã lập chính phi, lại tuyển không thiếu phi tần, mĩ nữ. Song Mạc Mậu Hợp vẫn say mê em gái của chính phi là nàng Nguyễn Thị Niên xinh đẹp. Mà nàng là gái có chồng: Sơn Quận công Bùi Văn Khuê, khi ấy đang trấn thủ đạo quân phía Nam, thống lĩnh toàn bộ lực lượng thủy quân của nhà Mạc. Mạc Mậu Hợp tính kế giết họ Bùi đi để chiếm đoạt vợ ông. Bùi Văn Khuê biết được, vội đem quân sang hàng Trịnh Tùng. Thế là thủy quân, chỗ mạnh nhất của binh lực nhà Mạc đã về tay quân Trịnh.
Tiến trình chúa Trịnh đánh chiếm dẫn đến sự sụp đổ nhà Mạc
Được cơ hội “trời cho”, tháng 12 năm ấy, quân nhà chúa Trịnh huy động lực lượng thủy, bộ, với đạo quân của Bùi Văn Khuê làm tiên phong, mở cuộc tổng tấn công chiếm Thăng Long. Mạc Mậu Hợp khiếp hãi, phải vội nhường ngôi cho con là Toàn rồi tìm đường chạy trốn. Quân Mạc khắp các đạo tan vỡ, kinh thành bị tàn phá, quân lính bị giết, bị bắt không biết bao nhiêu mà kể, hơn mười viên tướng ra hàng.
Trịnh Tùng vào Thăng Long, nghe có người bẩm báo Mạc Mậu Hợp giả làm sư lẩn trốn tại chùa Mô Khuê, hạt Phượng Nhãn (na ythuộc huyện Lạng Giang, Bắc Giang). Trịnh Tùng liền sai quân đi bắt. Đến nơi, dân địa phương mách: “Hôm nọ thấy có người giả làm sư ông đến ẩn ở chùa này đã được 11 ngày.” Quân Trịnh xông vào lục soát, quả nhiên thấy một người đang ngồi xếp bằng hoa sen tụng kinh. Hỏi thì “vị sư” đáp loanh quanh:
– Bần tăng tu hành từ hồi còn trẻ ở am mây này, chén muối đĩa rau, hằng ngày trai dưỡng; thắp hương thờ Phật, công đức chuyên làm.
Nghe giọng điệu và hình dạng, biết đích xác là người quyền quý giả sư, quân Trịnh hô nhau bắt. Biết không thể chối được, Mạc Mậu Hợp đành thú nhận:
Mấy ngày trước phải chạy trốn trong rừng, lẩn lút, đói khát, dám xin một bình rượu uống cho đã.
Đến nước này mà còn thèm khát rượu! Quân lính đem rượu đến, nhà sư giả nốc lấy nốc để. Mạc Mậu Hợp bị bắt về Thăng Long, cùng bị áp giải theo còn có hai kĩ nữ! Trịnh Tùng sai treo sống Mậu Hợp ba ngày trước cổng thành, rồi chém đầu tại bãi cát Bồ Đề. Sau sai người mang thủ cấp đến dâng vua Lê tại hành dinh Vạn Lại, Thanh Hóa
Mạc Mậu Hợp là vị vua thứ năm của triều Mạc, lên ngôi năm 1560, khi mới hai tuổi. Việc triều chính và đánh dẹp đều do (ông chú) là Mạc Kính Điển điều hành. Mạc Kính Điển là một tướng tài, nhiều lần đánh thắng quân Lê – Trịnh. Ông lại là người khoan dung, chính trực nên được các quan trong triều nể phục. Mạc Kính Điển chết đi giao lại quyền phụ chính cho người em là Mạc Đôn Nhượng. Mạc Đôn Nhượng bất tài, cầm quân luôn thua, quyền hành trong tay nhưng bị bọn gian thần lũng đoạn.
Mạc Mậu Hợp vị vua cuối cùng nhà Mạc bị sét đánh không chết
Năm 16 tuổi, Mạc Mậu Hợp ngồi trong cung điện bị sét đánh trúng, không chết nhưng mắc chứng bán thân bất toại. Sau may chữa khỏi, nhưng lại càng ăn chơi trác táng. Năm 20 tuổi mắt bị thong manh, chữa mấy năm liền mới đỡ. Vua bắt đầu tự nắm quyền, nhưng chỉ dựa vào bọn a dua xiểm nịnh. Mạc Mậu Hợp cho dựng một ngôi điện lớn gọi là “điện giảng học”, thực ra là để làm nơi yến tiệc, chơi bời. Triều thần có nhiều người cương trực tìm cách khuyên can, như khi tòa điện bị cháy, có người dâng sớ nói thẳng: “Nay bệ hạ mới ngự ngôi điện vừa dựng, đáng lẽ là lúc bắt đầu ban bố chính sự và giáo hóa, thế mà lại tới đây để thỏa vui yến tiệc, không có đề phòng, đến nỗi ngôi điện bị cháy… Ý trời răn bảo đã rõ ràng như vậy, chính là lúc bệ hạ nên lo sợ, chăm chỉ.”
Mạc Mậu Hợp khen là thích đáng, phán sẽ “suy nghĩ”, nhưng rồi đâu vẫn hoàn đấy.
Bạn đang đọc bài viết Nhà Mạc sụp đổ trong chuyên mục Lịch sử triều nhà Mạc của pqt.edu.vn
Cứ như vậy, dần dần các vị tướng giỏi, các công thần đều xa lánh, thờ ơ hoặc xin về ở ẩn. Tiêu biểu là Thái bảo Giáp Trưng, vị lão thần đầu triều cũng cảm thấy bất lực, không sao xoay xở được tình thế, nên năm ba bận xin về trí sĩ.
Cuối cùng, sau 30 năm ở ngôi (1562 – 1592), Mạc Mậu Hợp phải chịu chết thảm, không những thế còn để lại di họa cho cả vương triều. Con là Mạc Toàn được dựng vội lên cũng bị bắt và chém đầu. Nhà Mạc trải 65 năm đến đây bị đánh bật vĩnh viễn ra khỏi kinh thành – Nhà Mạc sụp đổ. Con cháu còn sống sót chạy giạt lên miền núi chiếm lĩnh một rẻo đất Cao Bằng kéo dài được thêm bốn đời nữa. Nhưng thực chất không còn đóng vai trò gì trên vũ đài lịch sử Việt Nam.
Bình luận về sự sụp đổ của nhà Mạc
Câu hỏi thường gặp
Vì sao nhà Mạc sụp đổ?
– Mạc Đăng Dung tuy giành được ngôi vua nhưng lực lượng ủng hộ nhà Lê còn rất mạnh họ tập hợp lực lượng chống nhà Mạc (phò Lê diệt Mạc).
– Các vua đời sau của nhà Mạc chỉ ham hưởng thụ, buông lỏng triều chính, nghe lời nịnh thần, đối xử tệ với tướng tài.
Tại sao nhà Mạc lên Cao Bằng?
Khi nhà Mạc suy yếu, Mạc Mậu Hợp cho người đến tham vấn Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm để nhờ Trạng dự đoán hướng đi tương lai. Trạng Trình đã khuyên vua quan nhà Mạc rằng: “Cao Bằng tuy tiểu khả dung số thế” (đất Cao Bằng tuy nhỏ bé cũng có thể dung thân được vài đời).
Cao Bằng cũng là vùng đất có nhiều đồi núi hiểm trở dễ dàng phòng thủ đối với sự tiến đánh của quân Lê – Trịnh.
Vì vậy vua nhà Mạc quyết định dời đô từ Thăng Long đến Cao Bằng làm kinh đô.
Nhà Mạc có mấy đời vua?
Nhà Mạc có 5 đời vua:
1. Mạc Đăng Dung (1527 – 1529) thành lập nên nhà Mạc là vua đầu tiên của nhà Mạc,
2. Mạc Đăng Doanh (1530 – 1540),
3. Mạc Phúc Hải (1541 – 1546),
4. Mạc Phúc Nguyên (1547 – 1561)
5. Mạc Mậu Hợp (1562 – 1592) vị vua cuối cùng của nhà Mạc