La Sơn phu tử là ai?
La Sơn phu tử chính là Nguyễn Thiếp (1723 – 1804) tự Khải Xuyên, người ở tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang (nay là xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh). Ông là danh sĩ cuối đời Hậu Lê và Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam. Ông là người xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô, thủ đô mới của Vương triều Tây Sơn.
Nguyễn Bỉnh Khiêm – Khổng Minh của Việt Nam
Nguyễn Thiếp còn có rất nhiều tên tự hay tên hiệu, do ông tự đặt hoặc do người đương thời xưng tặng, chẳng hạn như: Khải Xuyên (có sách chép là Khải Chuyên), Hạnh Am, Điên ẩn, Cuồng ẩn, Lạp Phong cư sĩ, Hầu Lục Niên, Lam Hồng dị nhân, Lục Niên tiên sinh, La Giang phu tử… Riêng La Sơn phu tử hay La Sơn tiên sinh là do Nguyễn Huệ (tức vua Quang Trung) tôn xưng cho ông.
Giai thoại về La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Chuyến đò Phá Thạch hôm ấy có một chàng cống sinh đi thi hội. Chàng vừa bước lên thuyền thì người lái đò đã đon đả vái chào.
Bác ta kể rằng, đêm qua nằm mơ thấy một vị thần hiện ra nói, sớm mai sẽ có một vị trạng nguyên sang đò. Từ sáng đến giờ chưa có ai qua lại, đến giờ mới thấy chàng cống sinh thì đồ ngay rằng, đây chính là người sau này sẽ đỗ trạng. Nghe vậy, chàng cống sinh bảo:
– Ta nghe nói làm văn sách phải xưng tụng chúa Trịnh mới đỗ được. Ta không chịu xưng tụng thì đỗ làm sao? Thần đã báo mộng như vậy thì thôi, ta trở về, nhường ngôi trạng nguyên cho người khác.
Cống sinh đó tên là Nguyễn Thiếp, quê ở xã Nguyệt Ao, tổng La Sơn, phủ Đức Quang (nay thuộc Hà Tĩnh). Chàng vốn con nhà dòng dõi thi thư, thuở nhỏ được chú là tiến sĩ Nguyễn Hành kèm cặp, học hành rất tấn tới.
Năm 20 tuổi Nguyễn Thiếp đi thi Hương đỗ thủ khoa, nhưng không ra Bắc thi Hội tiếp. Lí do là, như giai thoại trên kể lại, chàng không muốn phải viết những lời sáo rỗng tung hô chúa Trịnh mà các kì thi Hội khi ấy đều bắt sĩ tử làm.
Do đỗ hương cống (tức cử nhân), Nguyễn Thiếp được cử làm huấn đạo trông coi việc học của huyện Anh Đô, sau được bổ chức trihuyện huyện Thanh Chương.
Làm quan được ít lâu, ông thấy chốn quan trường thối nát, chúa Trịnh lấn át vua Lê, dân tình đói khổ, thuế khóa hà khắc, nên cáo quan về quê mở trường dạy trẻ.
Sau đó vào núi Thiên Nhẫn ở ẩn, chuyên tâm nghiên cứu dịch lí, nghiền ngẫm sách thánh hiền. Ông sống trong một túp nhà tranh đơn sơ dựng bên vách núi, rất ít giao du, chỉ thỉnh thoảng vào rừng hái thuốc hoặc ra bờ suối ngồi câu. Nhưng tiếng tăm của ông vẫn truyền đi xa, nhiều kẻ sĩ muốn tìm gặp, ông đều lảng tránh.
Người ta gọi ông bằng nhiều tên. Nào là Điền Ẩn, Cuồng Ẩn hay Lam Hồng dị nhân, nghĩa là người kì dị, điên khùng đi ở ẩn.
Các nhà nho, kẻ sĩ đương thời thì gọi ông một cách tôn kính là Lục Niên tiên sinh, La Giang Phu Tử, La Sơn Phu Tử…
Năm 1786, Nguyễn Huệ ra Thăng Long “phù Lê diệt Trịnh”. Ông sai Trần Văn Kỉ tìm hiểu nhân tài Bắc Hà để thu dụng sau này. Người đầu tiên được nhắc đến chính là Nguyễn Thiếp, một người đạo cao đức trọng, giỏi kinh luân, am tường dịch lí.
Khi trở về dừng chân tại Nghệ An, Nguyễn Huệ cho hai viên quan cao cấp thuộc bộ Binh và bộ Hình đem thư và vàng lụa đến nơi Nguyễn Thiếp ẩn cư, mời ông xuống núi để được gặp mặt.
Trong thư Bắc Bình Vương gọi Nguyễn Thiếp là La Sơn “Phu Tử”, tôn ông như một người thầy, một nhà hiền triết:
“Đã lâu nay nghe tiếng Phu Tử, đức tuổi đều cao, kinh luân sẵn có. Chính tôi muốn tới nhà gặp mặt, để thỏa lòng tìm kiếm khó nhọc…”
Do chưa hiểu rõ về phong trào Tây Sơn và cá nhân Nguyễn Huệ, Nguyễn Thiếp nêu ba lí do để từ chối: một là tài đức thua kém không sánh được với Y Doãn, Khổng Minh; Hai là gia đình neo đơn, phải lo việc tế tự; Ba là tuổi đã cao, sức đã yếu. Đồng thời xin trả lại tặng vật.
Sau lần mời không thành ấy, Nguyễn Huệ còn hai lần nữa cho người đưa thư mời Phu Tử hoặc cử Thượng thư bộ Hình là Hồ Công Thuyên đích thân lên đón ông. Lần nào Bắc Bình Vương cũng thiết tha mong Phu Tử xuống núi để cùng lo giúp dân cứu nước.
Song Nguyễn Thiếp vẫn vin cớ không ra, cáo là vì “ốm yếu quanh năm, tự thân không cứu nổi mình thì cứu sao được dân”. Như vậy, so với Lưu Bị ba lần lên núi cầu kiến Khổng Minh về làm quân sư, tấm lòng cầu hiền của Nguyễn Huệ không hề thua kém. Chính trong một lá thư, ông cũng nhắc đến tích này và giải thích rằng mình ở quá xa núi Thiên Nhẫn, không được gần như Lưu Bị từ Tân Dã đến Long Cương…
Khi quân Thanh kéo sang xâm lược, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế để có danh chính ngôn thuận gánh vác việc non sông. Hành quân cấp tập từ Phú Xuân ra Nghệ An, ông cho tướng sĩ dừng chân để duyệt lại đội ngũ; lần này, đích thân Quang Trung lên gặp, khẩn cầu La Sơn Phu Tử xuống núi để bàn kế sách chống giặc.
Trước tấm chân thành của Nguyễn Huệ, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp cảm kích nhận lời.
Trong buổi hội kiến lần này, vua Quang Trung hỏi Nguyễn Thiếp: “Hay tin vua Lê Chiêu Thống sang nhà Thanh cầu lụy, vua Thanh cho quân sang đánh, trẫm sắp đem quân ra chống cự, mưu đánh và giữ nước được hay thua, Phu tử nghĩ thế nào?”.
Ông phân tích đầy tin tưởng: “Nay trong nước trống không, lòng người li tán. Quân Thanh ở xa lại, tình hình quân ta sức mạnh sức yếu không biết, thế công thế thủ không hay. Chúa công ra chuyến này chẳng qua mươi ngày là giặc Thanh sẽ tan.”
Quả nhiên, cuộc chiến chống Thanh đã nhanh chóng thắng lợi, Quang Trung đại phá quân Thanh đúng như lời đoán trước của Phu Tử. Sau ngày đại thắng, Quang Trung gửi thư cho La Sơn Phu Tử, nhắc lại:
“Trẫm ba lần xa giá Bắc thành, Tiên sinh đã chịu ra bàn chuyện thiên hạ. Người xưa bảo rằng: Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ. Lời Tiên sinh hẳn có thế thật.”
Dấu ấn phu tử Nguyễn Thiếp dưới thời vua Quang Trung
Quang Trung cho rước Nguyễn Thiếp vào kinh đô Phú Xuân. Vì tuổi già, Phu Tử xin được làm việc ở gần quê nhà và liền được nhà vua cho về. Việc trước nhất ông đảm nhận là làm chánh chủ khảo cuộc thi Hương đầu tiên của triều Tây Sơn tại Nghệ An năm 1789.
Nguyễn Thiếp cũng được giao tìm chọn người hiền tài ra giúp vua giúp nước. Sau thể theo ý nguyện của Phu Tử, Quang Trung giao cho ông lo việc giáo dục.
Năm 1891 nhà vua ban chiếu lập Sùng Chính viện và cử Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng. Sùng Chính viện được xây dựng ngay tại quê hương ông.
Trong một thời gian ngắn, Sùng Chính viện đã tiến hành dịch các trước tác kinh điển từ chữ Hán sang chữ Nôm, như các bộ: Tiểu học,Tứ thư (gồm 32 tập) và các bộ Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch…
Với mong muốn thiết lập kinh đô cho tân triều, vua Quang Trung giao cho Nguyễn Thiếp giúp mình tìm đất. Mặc dù tuổi cao sức yếu, Phu Tử không quản ngại lặn lội khắp nơi khảo sát địa hình địa vật. Cuối cùng ông đã chọn được vùng đất giữa núi Kì Lân và núi Phượng Hoàng ở Nghệ An, là nơi địa linh nhân kiệt. Đây cũng chính là quê tổ của Nguyễn Huệ và là nơi có thể khống chế hai miền Nam Bắc.
Cuối đời của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Nhà vua rất ưng và ban chiếu cho khẩn trương xây dựng. Tiếc thay, công việc đang tiến triển thì nhà vua băng hà nên phải bỏ dở. Dù giỏi lí số đến đâu, La Sơn Phu Tử không thể ngờ rằng đức vua lại ra đi trước mình…
Trước khi vua Quang Trung biết đến Nguyễn Thiếp, ông đã từng được chúa Trịnh Sâm mời ra Thăng Long ý định bàn bạc lật đổ nhà Lê, ông cương quyết can ngăn. Nhưng chúa Trịnh không nghe. Nguyễn Thiếp chán nản xin cáo từ về núi La Sơn dạy học, lúc này ông 60 tuổi.
Năm Tân Dậu (1801), vua Cảnh Thịnh (con vua Quang Trung) có mời ông vào Phú Xuân để hỏi việc nước. Đang ở nơi ấy, thì kinh thành mất vào tay chúa Nguyễn Phúc Ánh (sau là vua Gia Long). Nghe vị chúa này tỏ ý muốn trọng dụng, ông lấy cớ già yếu để từ chối, rồi xin về trại Bùi Phong.
Ngày 6 tháng 2 năm 1804 (Quý Hợi), La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp không bệnh mà mất, thọ 81 tuổi, và được an táng tại nơi ông ở ẩn.
Lăng mộ của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đến nay còn được bảo vệ nguyên vẹn và là một trong số những ngôi mộ có phong thủy đẹp nhất Xứ Nghệ, được Bộ Văn hoá xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1994.