Phong trào khởi nghĩa vua Duy Tân bại lộ
Phong trào khởi nghĩa của vua Duy Tân bị lộ kế hoạch kháng chiến, chỉ vì một người lính giản tên là Võ Huệ xin phép về nhà nghỉ một cách đột ngột, quan Án sát Quảng Ngãi là Phạm Liệu nghi ngờ, tra hỏi, anh là Võ An bị bắt, tra tấn, khai ra Trần Thiềm, thế là Phạm Liệu báo cáo cho Pháp mọi chuyện. Nhưng mọi người không ngờ là chính vua Duy Tân rời bỏ cung cấm, đúng hẹn gặp hai nhà lãnh tụ Trần Cao Vân và Thái Phiên. Tên phản bội Trần Quang Trứ đi đò sang tòa Khâm sứ tố giác nhà vua sẽ xuất cung, sau bị vua Duy Tân, giáp mặt lúc bị bắt, mắng là “đồ phản quốc”. Lúc vua Duy Tân đến chùa Thuyền Tôn – Huế để ẩn trốn, thì người mõ làng tên là Trùm Tồn vội vã đi báo tin cho Pháp để bắt vua, ngày 06.05.1916 vua Duy Tân bị bắt Khâm sứ Charles.
Khâm sứ Charles cho Duy Tân ngồi trên xe, đi dạo khắp Huế, để mọi người thấy là nhà vua đã lọt vào tay Pháp, chờ ngày xử tội phản nghịch. Quan Hồ Đắc Trung cứu vua khỏi bị xử tử.
Hậu duệ vua Duy Tân từ chối nhận họ cha “Vĩnh San”
Tóm tắt phong trào khởi nghĩa của vua Duy Tân
Từ năm 1912, Việt Nam Quang Phục Hội của Phan Bội Châu, do Thái Phiên phụ trách đã bắt đầu chuẩn bị bạo động đánh Pháp. Đến năm 1914, Pháp chiến tranh với Đức, đó là cơ hội thuận tiện để dân ta vùng lên tranh đấu cho độc lập nước nhà. Hàng chục ngàn lính Việt mà Pháp tuyển mộ để gửi sang “mẫu quốc”, phần lớn đã được cách mạng ta kết nạp làm “nghĩa binh”, sẵn sàng ứng tiếp lúc lâm sự. Tại đồn Mang Cá (Huế), Trần Quang Trứ (thư ký tòa Công sứ Pháp ở Huế) vận động viên đại tá lính Lê Dương (gốc người Đức) để nội ứng chỉ huy 3.000 lính mộ, lính khố xanh, lính khố vàng. Trong thành nội Tôn Thất Đề và đội trưởng Nguyễn Quang Siêu đốc suất các đội thân binh, thị vệ trấn giữ hoàng thành. Trần Đại Trinh điều động lính tập giữ tòa Khâm sứ Pháp quay súng giúp nghĩa quân. Một đội cảm tử Nam Ngãi hiệp cùng dân quân phụ cận kinh thành công hảm cho được tòa Khâm sứ.
Ở các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẳng, Hội An, Quảng Nam, Tam Kỳ, Quảng ngãi, Bình Định, ngoài các lực lượng chính thức (lính tập, lính mộ) đã kết nạp được, còn có nghĩa quân võ trang với vũ khí trợ giúp từ bên ngoài đưa vào.
Cờ khởi nghĩa sẽ nền đỏ với 5 ngôi sao trắng, lấy ý nghĩa “Ngũ tinh tụ tĩnh” ở Kinh Dịch.
Phan Bội Châu đang bị Long Tế Quang bắt giam tại Trung quốc đã bí mật gửi Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền sang Xiêm liên lạc với lãnh sự Đức. Lãnh sự Đức biếu một vạn đồng bạc Xiêm và hứa nếu hoạt động có tiếng vang ra để chính phủ Đức được biết, thì sẽ có viện trợ chính thức nhiều hơn.
Thái Phiên và Trần Cao Vân giả làm người đi câu, vào hồ trong thành Nội dâng kế hoạch lên, vua Duy Tân đồng ý tất cả. Vua Duy Tân lo ngại Pháp sớm đưa 3.000 lính mộ ở Mang Cá (mà cách mạng đã kết nạp dược) xuống tàu sang Pháp, nên hạ chỉ hối thúc hành sự. Ngày khởi nghĩa định vào một giờ sáng ngày mồng 3 tháng 5 năm 1916, Thái Phiên và Trần Cao Vân điều động chiếm giữ kinh đô, và rước Duy Tân ra khỏi hoàng thành, thành công sẽ rước vua về trở lại.
Kế hoạch phong trào khởi nghĩa của vua Duy Tân bại lộ
Nhưng trước đó một ngày, có tên lính khố xanh ta đã chiêu dụ được, bảo với anh nó là Võ Huệ làm lính giản ở dinh Án Sát Quảng Ngãi ngày ấy liệu mà xin nghỉ kẻo đây rồi sẽ có loạn. Án Sát Phạm Liệu sinh nghi tra hỏi, Huệ sợ nên khai ra. Phạm Liệu trình với công sứ De Tastes. De Tastes mật điện ra Huế. Khâm sứ Charles ra lệnh thâu tất cả súng đạn, tập trung hết thảy binh lính lại, và điện cho các tỉnh biết để đề phòng.
Trần Quang Trứ, người có công lớn chiêu dụ lính ở đồn Mang Cá, thấy lệnh thu súng, cắm trại, biết việc đã bị lộ, liền đi đến bến Thương Bạc lúc 11 giờ đêm gặp vua Duy Tân đã cải trang theo lối thường dân, có Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu hộ vệ, xuống thuyền của Thái Phiên và Trần Cao Vân đến rước. Trứ liền đi vòng ra ngã sau vào tòa Khâm Sứ tố giác. Trần Quang Trứ đã phản bội vua Duy Tân, phản bội Trần Cao Vân, Thái Phiên những người đã tin tưởng và cùng hắn vạch kế hoạch chống Pháp.
Phong trào khởi nghĩa vua Duy Tân bị thất bại, Thái Phiên và Trần Cao Vân định đưa vua đi tắt đường núi về địa điểm đã định là Bà Nà ở Quảng Nam, nhưng vua bị mệt, tạm nghỉ lại một ngôi chùa Thuyền Tôn bên núi Ngũ Phong, gần vùng Nam Giao, Huế. Sáng sau, khi nhà vua đang sửa soạn lên đường, thì có Le Fol, Đổng lý văn phòng tòa Khâm, Sogny chánh mật thám Huế, Lanneluc, giám binh với 21 lính khố xanh và Trần Quang Trứ, còn bên ta có Võ Liêm, Tá Lý bộ Lễ và Hồ Hành, đội cơ, với một toán lính Nam triều, đến bắt. Duy Tân vẫn bình thản, đối đáp như khi còn ở trong triều. Gặp vua, Le Fol trịnh trọng cất mũ chào:
– Tâu Hoành Thượng, Ngài ngự giá dạo chơi xong rồi chứ?
Duy Tân nhún vai đáp:
– Các ông chả hiểu được đâu!
Trần Quang Trứ tiến đến hỏi:
– Tâu Hoàng Thượng, tôi là người cùng Trần Cao Vân hội kiến Hoàng Thượng tối qua ở bên Thương Bạc, chẳng hay Hoàng Thượng có nhớ không?
Vua nhìn Trứ một cách khinh bỉ:
– Phải, ta nhớ mi, đồ phản quốc!
Rồi vua ngoảnh mặt quay sang chỗ khác. Triều thần gặp vua, vừa mừng vừa tủi, năn nỉ vua trở về Nội, Duy Tân khẳng khái từ chối, thà chịu bị bắt, nhất định không quay lại hoàng cung. Lính dương lọng rước, Duy Tân không cho và đi bộ đến chiếc xe của Pháp đưa vua về giữ ở đồn Mang Cá.
Đến ngày 16/4/1916 Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu, cả bốn vị bị chém tại An Hòa (cách Huế vài cây số). Riêng vua Duy Tân thoát tội xử tử nhờ Trần Cao Vân thời gian trong tù đã liên lạc được với Hồ Đắc Trung, một vị quan đại thần được Pháp ủy nhiệm thảo bản án Vua Duy Tân và đỗ hết tội cho Trần Cao Vân gánh. Vụ án này có nhiều tình tiết ly kỳ, cảm động, chúng tôi có đã 1 bài viết riêng tiêu đề Vua Duy Tân thoát nạn nhờ mối tình dang dở với con gái đại thần
Tại các tỉnh cũng xảy ra nhiều việc thảm sát như thế: Ở Quảng Ngãi hai cụ Tú Ngung, cử Sụy cùng một số đông dồng chí bị tội tử hình, 200 người bị đày đi Côn Lôn. Ở Quảng Nam cũng rất nhiều người bị liên lụy, Phan Thành Tài và một số tử hình, hoặc đày đi Lao Bão, Thái Nguyên, Côn Lôn như y sĩ tân học Lê Đình Dương, Lý trưởng Lê Cơ, Tú tài Trương Bá Huy, Đỗ Tự.. Pháp khám phá nhiều tài liệu tổ chức chính phủ, quân nhu, quân phục, các ấn tín… Ở Quảng Trị, Khóa Bão bị tra tấn khốn đốn. Các tỉnh khác hưởng ứng chậm nên không bị đàn áp gì nhiều.
Bản án sau khi phong trào khởi nghĩa vua Duy Tân thất bại
Sau khi phong trào khởi nghĩa của vua Duy Tân bị bại lộ và bị bắt, lúc đó ở trong ngục, Trần Cao Vân lo vua Duy Tân bị sát hại, nên viết thư trần tình cùng thượng thư Hồ Đắc Trung là người đang phụ trách thảo bản án xử vua. Thư viết trên cuộn giấy quyến hút thuốc, bí mật trao người chuyển đi, nhận lãnh hết công việc bạo động xảy ra đều do ông và Thái Phiên xúc sử. Cuối thư ông khẩn khoản Hồ Đắc Trung tìm cách cứu vua, có câu:
Trung là ai? Nghĩa là ai? Cân đai võng lọng là ai? Thà để cô thần tử biệt!
Trời còn đó! đất còn đó! Xã tắc sơn hà còn đó! Mong cho thánh thượng sinh toàn!
Triều đình ủy soạn thảo bản án Duy Tân. Nội dung bản án đại khái như sau:
- Vua Duy Tân còn nhỏ tuổi, tuy rất thông minh song còn cạn nghĩ, bị bọn người mưu phản kích thích lòng ái quốc nên nghe theo. Nếu đúng tuổi trưởng thành thì tội Ngài rất nặng, song Ngài còn vị thành niên, tưởng không đáng trách mà nên thương tình.
- Đứng về phía chính phủ Bảo hộ, thì Ngài can tội “phản nghịch”, nhưng đứng về phía chính phủ Nam triều, thì Ngài là một ông vua biết thương dân và được lòng dân. Như vậy, luận về tội, thì quả thật Ngài có tội đối với chính phủ Bảo hộ, còn đối với nhân dân Việt Nam, thì Ngài không có tội gì cả.
- Vậy nên xét tình mà truất phế Ngài và để cho Ngài được tự do trở về với danh vị một hoàng tử như trước. Như thế lòng dân mới khỏi oán thán chính phủ Pháp là khắc nghiệt…
Bản án nầy được Pháp chấp thuận, nên tuy bị đưa đi đày ở đảo Réunion gần Phi Châu, Ngài vẫn giữ tước vị hoàng tử…
Kể từ đó phong trào khởi nghĩa của vua Duy Tân tan rả.
Năm 1925, Khải Định mất, thọ hơn 40 tuổi, Duy Tân từ đảo Réunion, gửi về hai câu điếu:
Ông vội bỏ đi đâu, bỏ tiền, bỏ bạc, bỏ vợ, bỏ con, bỏ thầy tu, hát bội, bỏ hết trần duyên trong một lúc.
Tôi may còn lại đó, còn trời, còn đất, còn nước, còn non, còn anh hùng, hào kiệt, còn nhiều vận hội giữa năm châu”.
Vận hội giữa năm châu ấy là gì. Mời bạn xem phần tiếp theo: Cái chết bí ẩn của vua Duy Tân trước ngày được về cố hương
Tham gia thảo luận cùng chúng tôi tại Fanpage Comment Lịch Sử
Để lại một bình luận