Hình ảnh Mẹ Thứ trong Số phận con người của Solokhov
Số phận con người của Solokhov là một câu chuyện được tác giả “bịa ra” và công bố trên báo “Sự thật” năm 1956, đâu ngờ rằng 20 năm sau câu chuyện tưởng tượng đó lại ứng tại Việt Nam bởi cuộc đời của Mẹ Thứ
Số phận con người của Solokhov, tác phẩm kinh điển của văn học Nga đã được chuyển thể thành điện ảnh và được đưa vào văn học lớp 12 để giảng dạy. Số phận con người kể về một anh chàng chiến sĩ Hồng quân Liên Xô với số phận nghiệt ngã phải chịu trăm ngàn cay đắng. Xô-cô-lốp sinh ra trong gia đình mà bố mẹ đều chết đói, anh phải một mình gồng gánh làm thuê để sống sót. Tuổi thơ bất hạnh thiếu thốn tình cảm người thân tưởng chừng đã được bù đắp chắp vá khi anh lập gia đình và sinh được hai người con. Thời gian thấm thoát trôi, hai vợ chồng cật lực cũng xây dựng được một cơ nghiệp nho nhỏ, gia đình sống đầm ấm bên những đứa con bé bỏng hồn nhiên của mình.
Ước mơ về cuộc sống tốt đẹp hơn cho các con, ít nhất cũng được sống trọn vẹn trong vòng tay cha mẹ của anh chẳng được bao lâu thì chiến tranh nổ ra, anh phải cầm súng vào chiến trường. Tạm xa mái ấm gia đình mà anh đã vực dậy và gầy dựng bấy lâu, nơi mà tiếng cười trẻ thơ đã làm anh hóe lên một tương lai đầy ắp tình cảm, chia tay vợ và con để tiếp tục với chuỗi ngày đằng đẳng trong sự thiếu thốn hơi ấm tình thân.
Ở chiến trường anh chiến đấu hết mình vì ngày đoàn tụ, vì cuộc sống hòa bình cho đất nước xóm làng. Sau những ngày bị bắt làm tù binh, bị hành hạ, ngược đãi trong trại giam anh đã dũng cảm trốn thoát và tìm về thăm quê hương gia đình. Song số phận lại trớ trêu, một lần nữa anh phải chịu cảnh mất đi người thân yêu nhất, vợ và con gái cùng với người thân xóm làng đã bị bom đạn chiến tranh cướp đi hết, niềm hi vọng cuối cùng của anh là người con trai duy nhất đang tham gia vào kháng chiến.
Hai cha con hẹn ngày giải phóng để đoàn tụ, tìm lại những bữa cơm đầm ấm tình cảm gia đình, đó cũng là niềm động lực lớn lao để anh chiến đấu và hi vọng. Hòa bình rồi cũng đến, quê hương đã được bình yên, những người con phương xa cũng đã đến ngày được trở về nhìn mặt người thân. Vào những ngày giải phóng, nhìn những đồng đội được đoàn viên, anh càng rạo rực chờ đợi và tìm kiếm với niềm hi vọng trào dâng chắc sẽ vỡ òa khi gặp lại đứa con trai duy nhất để cùng trở về cố hương xây dựng lại mái ấm. Thế nhưng với Xô-cô-lốp, số phận quá nghiệt ngã, anh được tin con trai hi sinh vào đúng những ngày giải phóng. Con trai anh, niềm hi vọng cuối cùng của anh đã không thể trở về cùng anh vui vẻ trong hòa bình: “Tôi đã chôn trên đất người, đất Đức, niềm vui sướng và niềm hi vọng của tôi!”
Solokhov đã thành công khi lột tả chân thực về số phận con người, số phận của chiến tranh qua tác phẩm Số phận con người, ông đã lấy đi nước mắt của người đọc bởi những tình tiết câu chuyện quá nghiệt ngã mà một con người phải chịu đựng.
Khi còn thời trung học tôi đã được học về tác phẩm này, đã được một lần thấm về nỗi đau thương mà chiến tranh đem lại, nhưng nó lại vượt xa ngoài tượng tượng của tôi về số phận một con người phải chịu bởi trùng trùng những bất hạnh trong cuộc đời. May mắn sao đó chỉ là câu chuyện tưởng tượng của tác giả.
Mẹ Thứ – Một “Số phận con người” có thật
Bạn đang đọc bài viết về Mẹ Thứ trong chuyên mục Nhân vật lịch sử của PQT.edu.vn
Ra trường tôi không chọn cho mình theo nghiệp viết lách, bởi vì đó là điểm tệ nhất của tôi. Rời Quảng Trị vào Đà Nẵng học tập và tôi thấy yêu mảnh đất này, yêu con người nơi đây. Tình cờ một hôm theo lũ bạn vào thăm tượng đài Mẹ Thứ tại Tam Kỳ, Quảng Nam, tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) được dựng lên lớn nhất mà tôi từng thấy.
Trời Quảng Nam trong xanh, không khí yên ắng trầm mặc bao quanh khu tượng đài, tiếng đàn bầu vang lên thanh thót đầy đủ cung thanh cung trầm, vọng lại lời hát như cuộc đời của mẹ:
Chín bát hương, chín khúc ruột tái tê
Chín con ra đi không một đứa trở về
Giọt lệ chảy dài như dòng sông quê mẹ
Nỗi đau chất chồng cao tựa Trường Sơn.
Tôi bắt đầu tìm hiểu về mẹ Thứ và hình ảnh người chiến sĩ Hồng quân Liên Xô năm nào lại hiện về bằng một nhân vật có thật, số phận nghiệt ngã dồn lên người phụ nữ Việt Nam.
Mẹ Thứ tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thứ (1904-2010) thọ 107 tuổi, quê ở xóm Rừng, thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, người mẹ VNAH có nhiều con cháu hy sinh nhất trong cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.
Ba mươi năm kháng chiến trường kỳ, bao đau thương mất mát đã dội đến với gia đình mẹ Thứ, chín người con ra đi không một ai trở về. Trong chín năm kháng chiến chống Pháp, bốn người con yêu quý của mẹ đã ngã xuống trên khắp các chiến trường. Có năm trong nhà mẹ gánh chịu ba cái tang con, trong đó có hai tang cách nhau chỉ mười ngày. Hai mươi mốt năm đánh Mỹ, năm người con yêu quý khác của mẹ cũng đã anh dũng hy sinh.
Nỗi đau trong lòng mẹ dâng lên tột cùng lại đúng vào ngày giải phóng đất nước 30/4/1975. Dòng người hành quân trở về sau chiến thắng, nhìn bao gia đình đoàn tụ, Mẹ Thứ khấp khởi mừng mong người con trai cả là anh Lê Tự Chuyển, chỉ huy biệt động Sài Gòn sẽ được bình yên về bên mẹ. Thế nhưng anh không về, anh đã ngã xuống trên đường phố Sài Gòn ngay trong ngày chiếm Dinh Độc Lập. Để rồi mùa ba mươi tháng tư hằng năm khi đất nước vui trọn niềm vui thì mẹ âm thầm mang nặng nỗi đau mất con.
Mẹ Thứ chín lần phải nhận tin con tử nạn nơi xa, không khi nào mẹ được nhìn con lần cuối. Ký ức của mẹ còn đọng lại với các anh là tiếng khóc trẻ thơ, là tiếng cười nói của các con dưới mái tre làng rợp bóng, là bữa cơm tiễn biệt các anh lên đường mà đâu biết rằng đó là bữa cuối cùng của mẹ với các con.
Mẹ cố nén nước mắt nhìn các anh ra trận… để rồi các anh đi mãi không về. Mẹ ở lại sống ngót hơn một thế kỷ trên cuộc đời này trong niềm thương nhớ.
À ơi…Bao nhiêu lá rụng trên rừng,
Bao nhiêu rào rạt sóng lừng biển khơi,
Bao nhiêu sao sáng trên trời,
Bấy nhiêu tình mẹ một đời thương con
Người mẹ một đời gánh trọn nỗi đau mất con đã ra đi nhẹ nhàng. Dường như những năm tháng mẹ đã sống chỉ để chuẩn bị cho cuộc ra đi này. Đi để trở về và gặp lại những người con thân thương mà mẹ đã đứt ruột sinh ra, nuôi nấng trưởng thành, rồi lần lượt hi sinh vì độc lập, tự do cho quê hương.
Chiến tranh, dù ở đâu cũng vậy, kết quả của nó là sự tàn phá, hủy diệt cơ đồ của nhân loại, làm cho thế giới của con người bị lùi lại sự phát triển, đi lên. Và một điểm chung mà chiến tranh để lại ở bất cứ nơi đâu đó là sự chia ly tình thân, một mất mát lớn nhất của cuộc đời mỗi con người. Người ta nghĩ đến cái lợi ích lớn hơn, hạnh phúc lớn hơn nào đó mà quyết định gây ra chiến tranh chăng? – Xin mượn câu nói của nhà bác học Albert Einstein để kết thúc ngắn gọn cho câu hỏi trên: Tôi không biết chiến tranh thế giới thứ ba sẽ sử dụng vũ khí nào nhưng tôi biết rằng chiến tranh thế giới thứ tư sẽ sử dụng gậy gộc và đá!
Tác giả: Phạm Quang Tấn
Những bài thơ về mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ
MẸ LÀ ĐIỆP KHÚC LỜI RU
Thơ: Cẩm Phạm
Cả đời mẹ là điệp khúc lời ru
Theo năm tháng cho dù bao cay đắng
Lời ru mẹ mang theo ngàn giọt nắng
Sưởi ấm đời con bên cánh võng những đêm trường
Lời ru mẹ gạn chắt những yêu thương
Gửi đến bên cha nơi chiến trường khói lửa
Chất ngất đau thương khi cha không về nữa
Chới với nghẹn ngào lời ru giữa lòng con
Lời ru mẹ một dòng chảy sắt son
Vượt thời gian nuôi đời con khôn lớn
Mãi mãi như biển ngàn trùng sóng gợn
Con yêu tổ quốc này cũng từ những lời ru
Tiễn con lên đường ngày ấy một chiều thu
Hành trang theo con là lời ru của mẹ
Cánh võng trường sơn gói nỗi niềm người lính trẻ
Nhớ lắm lời ru nhè nhẹ giấc ngủ rừng
Con không về ngày đại thắng tưng bừng
Mẹ cất lời ru gọi con trong tột cùng đau đớn
Biết con hy sinh đời trai dành nghĩa lớn
Mẹ vẫn đau lòng trong quạnh vắng cô đơn
Lời ru mẹ nghẹn tắc bên mâm cơm
Đợi cha con, con trong mỏi mòn vô vọng
Lời ru mẹ cả một đời lắng đọng
Điệp khúc lời ru vang vọng đến muôn đời.
ĐÃ BAO ĐÊM
MẸ VẪN NGỒI NHƯ THẾ ……
Thơ: Thu Hà
Bao đêm rồi mẹ vẫn ngồi như thế
Ngắm hình con ….như thể vẫn còn đây
Nghĩ về xưa những khoảnh khắc xum vầy
Tấm thân mẹ cứ hao gầy vì nhớ…..
Từng ấy năm mẹ vẫn hoài trăn trở
Thương thằng con dáng nhỏ sức kiên cường
Ngày vào quân nó mới có người thương
Đành bỏ lại vì chiến trường phía trước….
Thời gian trôi chẳng bao giờ quay ngược
Và người con cũng tiếp bước cha mình
Sáng mùa đông nó anh dũng hy sinh
Trong chiến trận đã quên mình vì nước…
Nơi quê nhà mẹ nào đâu biết được
Tấm thân con chẳng xây xước nhẹ nhàng
Giữa rừng hoang da thịt đã nát tan
Anh hứng trọn cả một làn pháo súng…
Nhận được tin mẹ chẳng còn đứng vững
Mắt nhòe đi…..quên cứng cỏi hôm nào
Kể từ đây mẹ sẽ sống ra sao ?
Chồng, con mất….mẹ trao ai sự sống ?
Ngần ấy năm mẹ vẫn hoài trông ngóng
Tìm mộ con giữa ngàn đống tro tàn
Con ở đâu……để mẹ mãi hoang mang ?
Ôm di ảnh…..lệ chan từng canh vắng…..