Tiểu sử chúa Nguyễn Phúc Chu
Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 – 1725) hay Nguyễn Hiển Tông, là vị chúa Nguyễn thứ sáu của Đàng Trong, vùng đất phía Nam nước Đại Việt thời Lê trung hưng.
Ông nối ngôi cha là Nguyễn Phúc Thái và cai trị từ năm từ 1691 đến năm 1725. Người kế nhiệm ông là con cả Nguyễn Phúc Thụ (Nguyễn Phúc Chú). Mẹ ông là Tống Thị Lĩnh quê ở Tống Sơn, Thanh Hóa (con của Thiếu phó Quận công Tống Phúc Vinh)
Năm 1709 chúa cho đúc ấn Đại Việt quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo. Chiếc ấn này di truyền cho đến các vị vua triều Nguyễn sau này.
Về sau, nhà Nguyễn truy tôn ông là Hiển Tông, thụy là Anh Mô Hùng Lược Thánh Minh Tuyên Đạt Khoan Từ Nhân Thứ Hiếu Minh hoàng đế.
Lăng mộ chúa Nguyễn Phúc Chu
Chúa Nguyễn Phúc Chu ở ngôi được 34 năm (1691-1725), thọ 51 tuổi, hiện tại lăng mộ ông gọi là Trường Thanh lăng nằm tại làng Kim Ngọc của huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Vị thế của lăng nằm trên đồi cao, xoay mặt về hướng đông nam, phía trước là đồng ruộng. Lăng tẩm chúa Nguyễn Phúc Chu nằm cách lăng Minh Mạng 1.2km.
Nhìn trên bản đồ di tích, lăng Trường Thanh nằm ở tả ngạn dòng Tả Trạch, cách bờ sông Hương chừng 800m, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10,5 km đường chim bay về hướng tây nam.
Lăng Trường Thanh có cùng mô thức chung của các lăng chúa Nguyễn khác, gồm 2 vòng thành. Vòng thành ngoài có chu vi 120,5m và thành cao 1,96m. Vòng thành trong có chu vi 70,3m và thành cao 2,05m. Mộ có 2 tầng. Tầng 1 rộng 136cm dài 212m và cao 22cm. Tầng 2 rộng 193cm, dài 258cm và cao 27cm. Lăng có bình phong và hưong án còn khá nguyên vẹn và rất đẹp.
Đôi nét về cuộc đời Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu
Họ Nguyễn ở Đàng Trong từ khi mở nghiệp đến lúc suy vong có chín vị chúa, đa số đều để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng dân, trong đó vị chúa thứ sáu là Nguyễn Phúc Chu có một sự nghiệp rất đặc biệt, gắn liền với việc mở mang bờ cõi phương Nam. Ông còn được gọi là Quốc chúa, sinh năm Ất Mão (1675) với một lai lịch nhuốm màu huyền thoại.
Xuất thân của chúa Nguyễn Phúc Chu
Sử nhà Nguyễn Đại Nam thực lục tiền biên chép về sự kiện này như sau:
Mẹ của Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu được tuyển làm cung tần. Đến khi có thai, ở nơi phương tây nam trên trời mở ra một lỗ, có mây sắc vây bọc xung quanh, giữa một luồng ánh sáng rực trời tỏa ngay vào chỗ nhà mẫu hậu ở. Đến lúc sinh thì ánh sáng tỏa rực khắp nhà…
Cậu bé ra đời trong điềm lạ được một bà phi không có con mang về chăm sóc và mời thầy dạy dỗ. Vốn thông tuệ, chăm chỉ, lại được học hành tử tế, Nguyễn Phúc Chu lớn lên thành một chàng trai văn võ toàn tài.
Tuy mẹ có địa vị không cao, song do lớn tuổi nhất trong số năm người con trai của chúa Nguyễn Phúc Trăn nên Phúc Chu được cha chọn làm Thế tử. (Chúa Nguyễn Phúc Trăn còn được gọi là chúa Nghĩa, ông chính là người đã rời đô từ Kim Long về Phú Xuân để nhiều đời sau lấy làm kinh đô).
Thay cha đứng đầu Đàng Trong năm mới 16 tuổi, Nguyễn Phúc Chu sớm tỏ ra chín chắn, quyết đoán, được sử đánh giá là một vị chúa hiền, “quan tâm đến việc chiêu hiền đãi sĩ, cầu lời nói thẳng, nạp lời can gián, bỏ xa hoa, bớt chi phí, nhẹ thuế má giao dịch, giảm nhẹ mọi hình phạt, trăm họ không ai không vui mừng”.
Nguyễn Phúc Chu với đạo Phật
Kế thừa và phát triển con đường truyền bá đạo pháp của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, hậu chúa Nguyễn Phúc Chu cũng là người sùng đạo Phật. Ông muốn chấn hưng Phật giáo, lấy triết lí của đạo Phật xây dựng xã hội nên rất chú trọng việc xây chùa, đúc tượng, mở các lễ hội Phật giáo cho dân chúng vui chung.
Song để dân không thờ Phật theo kiểu mê muội, chúa đã ba lần cho người đi thỉnh một vị cao tăng Trung Hoa là đại sư Thích Đại Án, mời sang thuyết giảng về giáo lí đạo Phật, đồng thời còn dùng như một cố vấn trong việc trị quốc: “đem những việc chính trị bàn luận, đều là những chuyện thương lính, yêu dân, thông thương lợi quốc, kỉ cương pháp độ”…
Vị cao tăng này khi về nước đã viết quyển Hải ngoại kỉ sự kể về chuyến đi của ông, trong đó có không ít lời ca ngợi Quốc chúa và xã hội Đàng Trong khi ấy.
Nguyễn Phúc Chu đã thọ Bồ tát giới với pháp danh Hưng Long, tự hiệu Thiên Túng đạo nhơn.
Dưới thời chúa, Đàng Trong xây dựng một loạt chùa miếu như chùa Thiên Mụ nổi tiếng ở Huế, chùa Mỹ Am, chùa Vạn An ở Phước Tuy, chùa Tam Bảo ở Hà Tiên. Đồng thời cho đúc các pháp bảo, đáng kể trong số đó là đại hồng chung chùa Thiên Mụ hiện nay vẫn còn sớm chiều “ngân nga”. Chuông cao 2.5m, đường kính miệng chuông 1.36m; trên chuông có khắc bài minh của Chúa tựa “Đại Việt Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu”.
Chúa Bồ Tát Minh Vương Nguyễn Phúc Chu để lại một trang lịch sử huy hoàng đáng tự hào của dân tộc. Tâm nguyện Bồ Tát của Ngài còn ngân mãi theo Tiếng Chuông Thiên Mụ qua lời chúa khắc trên chuông: Duy nguyện phong điều vũ thuận, Quốc thái dân an, pháp giới chúng sanh đồng viên chủng trí (Nguyện cầu gió hòa mưa thuận, nước thịnh dân an, chúng sinh trong pháp giới đều được vẹn toàn trí tuệ).
Tầm nhìn vượt thời đại của chúa Nguyễn Phúc Chu
Chúa Nguyễn Phúc Chu quan tâm đến việc đào tạo nhân tài, đòi hỏi thi cử phải thật nghiêm túc. Kì thi “nhiêu học” năm 1723, quan giám khảo lấy đỗ 77 người, bị dư luận học trò bàn tán xôn xao. Chúa đích thân khảo hạch lại và kết quả là không một sĩ tử nào được chấm đỗ cả. Chỉ riêng sự việc này đã đủ thấy ông nghiêm khắc với “chất lượng thi cử” đến thế nào!
Với tầm nhìn vượt trước thời đại, chúa Nguyễn Phúc Chu đã phá bỏ chính sách “bế quan tỏa cảng” từ các đời chúa trước. Ông cho phép thương thuyền Tây dương, Trung Hoa, Nhật Bản ra vào buôn bán tự do.
Bạn đang đọc bài viết về chúa Nguyễn Phúc Chu tại chuyên mục Nhân vật lịch sử của pqt.edu.vn
Ông đi thăm Hội An, lúc này đã thành một thương cảng sầm uất, đầu mối thông thương bằng đường biển với Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Dương (Indonesia), Ấn Độ, v.v… Ông biết lợi dụng người phương Tây để tiếp thu binh pháp và kĩ thuật quân sự của họ nên lực lượng quân đội dưới thời ông khá mạnh.
Chúa dùng một kĩ sư Tây dương là Jean de Arnedo để mở mang về khoa học và kĩ thuật. Đồng thời mở rộng vòng tay đón những quan lại nhà Minh cũ, bất phục tùng Thanh triều bỏ nước ra đi. Hoàng Tiến, Dương Ngạn Địch, Mạc Cửu… là những người được ông dung nạp, phong quan tước, để họ mang dân đi khai khẩn đất hoang, mở mang bờ cõi.
Quốc chúa còn là một nghệ sĩ tài hoa. Ông mê hát tuồng và trong những buổi diễn hát bội ở cung đình, ông là một tay đánh trống chầu lão luyện. Ông đa tình, để lại nhiều bài thơ “khóc vợ” rất hay và cảm động. Theo Liệt truyện, ông là vị chúa có nhiều con nhất, tổng cộng 146 người, trong đó có 38 hoàng tử.
Song việc chúa Nguyễn Phúc Chu dành nhiều tâm huyết nhất là mở mang bờ cõi biên cương. Trong công cuộc này, ông được sự trợ giúp rất đắc lực của một triều thần thân tín là Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, một nhà quân sự và tổ chức hành chính xuất sắc. Bấy giờ, người Việt tứ xứ kéo nhau đến khai phá trên nhiều vùng đất hoang vu.
Năm 1698, ông cử Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất đi kinh lí vùng Đông Nam Bộ với nhiệm vụ “thiết lập bộ công quyền, đặt nền pháp trị và xác định cương thổ quốc gia”. Với kinh nghiệm phong phú, tài tổ chức và tính quyết đoán, Nguyễn Hữu Cảnh đã sắp xếp các khu dân cư mới, xác lập đơn vị hành chính, lập phiên trấn, bổ nhiệm quan cai trị, lập lại trật tự, trị an tại những vùng đất mới khai phá, sau đó lập bản đồ để khẳng định chủ quyền.
Mạc Cửu, một nhà buôn tài giỏi ở Quảng Đông bỏ đất nước bị Thanh triều chiếm đoạt đến lập nghiệp ở Chân Lạp, sau thần phục Đàng Trong đã được chúa dang tay tiếp nhận. Ông tạo điều kiện để Mạc Cửu khai khẩn vùng đất cực Nam và bổ nhiệm người gốc Hoa này làm Tổng binh trấn Hà Tiên, tước Cửu Ngọc hầu.
Từ khi được sáp nhập vào đất Đại Việt, dưới sự chỉ huy của Mạc Cửu và sự che chở của chính quyền họ Nguyễn, Hà Tiên dần dần trở thành vùng đất buôn bán trù phú và là một thương cảng quan trọng.
Mạc Thiên Tứ (còn gọi là Mạc Thiên Tích), con trai trưởng của Mạc Cửu được chúa Nguyễn cho phép kế nghiệp cha, giữ chức Tổng binh Đại đô đốc trấn Hà Tiên. Nhờ tài cai quản của Thiên Tứ, Hà Tiên đã phát triển khá toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Cũng cần phải nhắc đến một chi tiết lịch sử dưới thời Quốc chúa: Năm Nhâm Ngọ (1702), người Anh thông qua công ti Đông Ấn do Allen Catchpole chỉ huy, đã đem 200 quân và 8 chiếc thuyền chiếm đảo Côn Lôn. Để bảo vệ chủ quyền, chúa tin cậy giao cho Trấn phủ dinh Trấn Biên là Trương Phúc Phan tùy liệu đối phó; Phúc Phan đã diệt gọn những tên xâm lược.
Nhìn lại lịch sử, thế kỉ 13 dưới thời Trần Nhân Tông, nước ta mở rộng đến Quảng Nam; tiếp đó gần ba thế kỉ (từ thời Lê Thánh Tông thế kỉ 15 đến cuối thế kỉ 17) nước ta mở rộng đến Phú Yên và Khánh Hòa. Nhưng chỉ trong thời Nguyễn Phúc Chu, chưa đầy 40 năm nước ta đã mở rộng đến tận Hà Tiên; ông cũng chính là người chế định cơ chế xã hội cho các nước Thủy Xá, Hỏa Xá của vùng đất Tây Nguyên.
Kể từ đó trở đi, nước ta đã có một hình thể rất gần với ngày nay và thật sự trở thành một quốc gia lớn trong khu vực.