Quân Tây Sơn lật đổ chúa Trịnh diễn ra vào ngày 21-7-1786 do Nguyễn Huệ chỉ huy là một sự kiện nằm ngoài kế hoạch ban đầu của nhà Tây Sơn thượng đạo. Mời bạn đọc cùng tìm hiểu hoàn cảnh, nguyên nhân và diễn biến của quá trình quân Tây Sơn lật đổ chính quyền chúa Trịnh ở bài viết này.
Diễn biến Tây Sơn trước khi lật đổ chúa Trịnh
Sau chiến thắng đập tan 5 vạn quân Xiêm xâm phạm Đàng Trong tại Rạch Gầm – Xoài Mút (tháng 1 năm 1785), Long Nhương Tướng quân Nguyễn Huệ rút quân về, đóng ở ngoại vi kinh đô Đồ Bàn.
Ông cho binh sĩ nghỉ ngơi ít ngày, luân phiên về thăm gia đình, chỉnh đốn lại đội ngũ, tiếp tục rèn giũa thêm đội quân bách chiến bách thắng của mình.
Thái Đức hoàng đế Nguyễn Nhạc tuy khâm phục người em vũ dũng, nhưng trong lòng không khỏi e ngại, thậm chí còn nghi ngờ em, không muốn để Nguyễn Huệ ở gần. Ông triệu em vào triều, thân mật bảo:
– Binh sĩ của chú nghỉ ngơi thế cũng đủ. Nhàn rỗi dễ sinh trễ nải. Chú hãy mang quân đi Phú Xuân nhổ cái gai ấy cho ta. Nguyễn Nhạc đâu ngờ rằng trong chuyến đi ấy quân Tây Sơn đã lật đổ chúa Trịnh mang về niềm tin mãnh liệt của quân dân đối với em mình Nguyễn Huệ.
Phú Xuân vốn là kinh đô của họ Nguyễn, nhân lúc triều Nguyễn rối ren, chúa Trịnh đã mang 3 vạn quân vượt sông Gianh vào đánh.
Chiếm được Phú Xuân, quân Trịnh tỏ ra hết sức càn rỡ, ức hiếp, sách nhiễu dân chúng, mọi người đều căm giận. Vì vậy, được lệnh vua anh, Nguyễn Huệ chấp hành ngay.
Nguyễn Huệ mang quân đánh quân Trịnh ở Phú Xuân
Nguyễn Nhạc lại cử con rể Vũ Văn Nhậm và hàng tướng Nguyễn Hữu Chỉnh làm tả, hữu phó tướng cho Nguyễn Huệ. “Anh Nhạc cử người để kiềm chế mình đây” – Nguyễn Huệ cười thầm trong bụng, nhưng không nói gì, mà chỉ đề xuất cho Nguyễn Lữ cùng đi để thêm kinh nghiệm chiến trường.
Tháng 6 năm 1786, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy chia làm hai đạo thuỷ bộ đánh Phú Xuân. Nhờ dùng mưu li gián hai tướng Trịnh giữ thành, chưa đầy một tháng, đạo quân 3 vạn người của Đàng Ngoài hoàn toàn tan rã. Tây Sơn đã làm chủ Đàng Trong, từ Quảng Bình đến Cà Mau.
Nguyễn Nhạc cả mừng, cho chăng đèn kết hoa để đón Nguyễn Huệ về, mở tiệc khao quân. Ai nấy đều hoan hỉ, mong sớm được trở về thành Đồ Bàn để tận hưởng niềm vui chiến thắng.
Ý định ban đầu của Tây Sơn Nguyễn Nhạc chỉ đến đó, nhưng nào ngờ Nguyễn Huệ đã vượt kế hoạch, ông không về Đồ Bàn mà ngược quân ra bắc “phò Lê diệt Trịnh” lật độ chính quyền chúa Trịnh.
Quân Tây Sơn bất ngờ ra Thăng Long lật đổ chúa Trịnh
Nguyễn Huệ tập trung quân đội để trở về báo công với vua anh Nguyễn Nhạc thì Phó tướng Nguyễn Hữu Chỉnh bàn với Nguyễn Huệ ra Thăng Long lật độ chúa Trịnh: “Nay Bắc Hà có vua lại có chúa… Họ Trịnh tiếng là phụ chính nhưng kì thực là hiếp chế vua Lê, người trong nước từ lâu đã chán ghét. Nay tướng quân lấy danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh” thì thiên hạ ai không theo?”
Nguyễn Huệ nghe thấy phải, nhưng còn băn khoăn sợ trái mệnh vua anh. Hữu Chỉnh liền nói: “Làm trái mệnh là việc nhỏ. Lập công là việc lớn. Huống chi tướng ở ngoài biên ải, mệnh vua cũng có quyền không theo…”
Vốn người quyết đoán, Nguyễn Huệ lập tức nghe theo, để Nguyễn Lữ ở lại giữ Thuận Hoá, còn mình cùng các tướng hành quân thần tốc ra Bắc.
Quân Tây Sơn nhanh chóng chiếm Vị Hoàng (Nam Định) rồi kéo qua Phố Hiến (Hưng Yên) tiến về Thăng Long.
Quân Trịnh do đích thân chúa Trịnh Khải (tức Trịnh Tông) chỉ huy bị đại bại. Chúa phải bỏ kinh đô chạy trốn, nhưng lên đến Sơn Tây thì bị bắt. Không chịu nhục, Trịnh Khải cứa cổ tự tử. Nguyễn Huệ cảm thương trước tấn bi kịch của vị chúa bị dồn đến đường cùng, cho an táng theo tước Vương. Chúa Trịnh bị lật đổ hoàn toàn.
Gần 200 năm trị vì ở ngôi chúa xa hoa lộng lẫy của dòng họ Trịnh đến đây kết thúc. Phủ chúa Trịnh nguy nga tráng lệ giữa Thăng Long vẫn còn đó, nhưng lịch sử đã sang trang bỏ lại một thời vua Lê chúa Trịnh.
Nguyễn Huệ phò Lê diệt Trịnh mang về mối tình đẹp
Ngày 26 tháng Sáu năm Bính Ngọ (tức 21-7-1786), khi đã lật đổ chúa Trịnh, Nguyễn Huệ kéo đại quân vào Thăng Long, lệnh cho binh sĩ không được cướp phá kinh thành, rồi xin vào yết kiến vua Lê.
Vị tướng quân vùng thượng đạo lần đầu ra Bắc Hà, được mời vào điện Vạn Thọ. Vì đang trên đường hành quân, Nguyễn Huệ vẫn mặc giáp trụ, đeo gươm bước lên điện.
Trông ông dữ tướng, da đen, tóc xoăn, mắt ốc nhồi, uy phong lẫm liệt, các quan đều sợ hãi, đứng như trời trồng. Duy có quan hộ giá Phương Đình Giáp bước ra, đứng chặn trước chúa Tây Sơn, cung kính nhưng cương quyết:
– Xin thượng công cởi giáp, cất gươm trước khi bái yết đức kim thượng. Huệ sững bước, trừng mắt nhìn. Nhưng vẻ giận dữ biến đi rất nhanh, thay vào đó là sự lúng túng như sợ mọi người coi mình là tướng võ biền, không hiểu lễ nghi. Ông bỏ giáp, tháo gươm đưa cho viên hộ quan, cất giọng vang như chuông nói:
– Tôi quen chiến trận, lỡ vô phép. Xin hoàng thượng và các quan tha lỗi. Đoạn, quỳ xuống làm lễ ra mắt.
Vua Lê Hiển Tông đã già yếu lại đang bệnh nặng, nằm trên long sàng ở nội điện. Vua sai hoàng tử Duy Cận đỡ Nguyễn Huệ dậy, mời đến bên giường ngồi để hỏi chuyện.
Nguyễn Huệ khiêm nhường xin được đứng hầu, vua mời mãi mới thu mình ngồi xuống một góc giường. Huệ nói:
– Tôi vốn là kẻ áo vải ở Tây Sơn, vì đại nghĩa mà nổi lên đánh Nguyễn, diệt Trịnh. Thắng được họ là hợp lòng dân và nhờ ơn đức của bệ hạ. Vua thều thào:
– Không! Đó là võ công của Tướng quân, quả nhân nào có tài đức gì.
– Tôi chỉ cốt phò vua để xã tắc sớm được hưởng thái bình, đâu dám kể công. Dám xin bệ hạ từ nay giữ gìn triều chính, khiến cho trong ấm ngoài êm, tôi cũng được ơn nhờ.
Mười ngày sau, chọn ngày lành tháng tốt, vua Lê Hiển Tông cho thiết đại triều tại điện Kính Thiên, có đông đủ văn võ bá quan và các tướng Tây Sơn cùng dự. Dù yếu mệt, nhà vua cũng cố gắng có mặt trên ngai vàng suốt buổi lễ.
Nguyễn Huệ từ cửa Đoan Môn đi vào, đem sổ sách điền, hộ, sổ quân, sổ lương dâng lên theo đúng nghi lễ để vua sai các quan coi giữ. Vua bùi ngùi phán:
– Ta làm vua mà không có quyền. Nước trước đây thực ra thuộc về họ Trịnh. Bốn mươi năm rũ áo, vua chẳng khác gì một ông quan
không được giao việc. Nay cuộc đời sắp tàn mới được thấy hai chữ quốc gia.
Vua xuống chiếu, phong cho Nguyễn Huệ chức Nguyên soái Uy Quốc công, lại cắt cho đất Nghệ An để khao quân.
Nguyễn Hữu Chỉnh muốn lấy lòng Nguyễn Huệ, xui vua gả con gái cho Huệ làm chỗ thân tình. Nhà vua cả mừng, chọn cô con gái yêu quý nhất là công chúa Ngọc Hân, vừa có nhan sắc, đức hạnh đoan trang, lại vừa đến tuổi trăng tròn để gả cho người anh hùng phương Nam. Nguyễn Huệ nói đùa với tả hữu:
– Hoàng thượng chắc thương ta chinh chiến xa nhà, cần người bên chăn gối. Anh ta giờ cũng là vua Quy Nhơn, nhà vua gả con cho ta thì cũng là “môn đăng hộ đối”!
Một đám cưới tưng bừng diễn ra tại kinh đô Thăng Long giữa cặp trai tài gái sắc, khiến già trẻ đều nức lòng. Từ đó mới có mối tình đẹp nhưng đầy oan nghiệt của công chúa Ngọc Hân và vua Quang Trung còn lưu mãi trong lịch sử nước nhà.
Dân Bắc Hà đã tưởng vị Uy Quốc công trong vai trò phò mã sẽ phò vua chấn chỉnh triều cương, thi thố tài năng kinh bang tế thế, để hưng khởi lại Đàng Ngoài, thì niềm hi vọng đó đã sớm tiêu tan.
Ở thành Đồ Bàn, Thái Đức hoàng đế được tin bực bội vô cùng. Ông nói với quần thần:
– Nếu ta không thân hành ra Bắc bắt hắn về, ấy là thả hổ ra khỏi cũi, không bao giờ có thể nuôi dạy được nữa. “Hắn” đây chính là Nguyễn Huệ, người em tài giỏi mà Nguyễn Nhạc vẫn có ý gờm.
Rồi ông tức tốc đem 500 quân ra thành Phú Xuân, lấy thêm 2000 quân kị binh hoả tốc phóng ra Bắc. Ngày 5 tháng Tám năm Bính Ngọ, Nguyễn Nhạc tới Thăng Long.
Cục diện đất nước ta sau khi chúa Trịnh sụp đổ
Chẳng hiểu anh em nhà Tây Sơn đã nói với nhau những gì, chỉ thấy sau đó Nguyễn Huệ trao lại toàn bộ binh quyền cho vua Lê rồi ngay hôm sau, hai anh em bí mật rút quân về Quy Nhơn bỏ lại tướng Nguyễn Hữu Chỉnh bơ vơ ở kinh đô. Đó là chuyến ra Thăng Long lần thứ nhất (1786) của Nguyễn Huệ, viên tướng kiêu dũng đất Tây Sơn thượng đạo…
Như đã đề cập ở trên, trong chuyến thân chinh lật đổ chúa Trịnh của Nguyễn Huệ, ông đã mang về “nhà Tây Sơn” một mối tình đẹp với con gái vua Lê Hiển Tông.
Vua Hiển Tông lúc đó đã già không sống được bao lâu, sau khi ông mất, nghe theo sự khuyên bảo của vợ, Nguyễn Huệ có ý định lập Lê Duy Cẩn lên nối ngôi nhưng nội bộ nhà Lê không tán thành. Nguyễn Huệ mặc kệ không can dán chuyện nhà vua. Triều thần nhà Lê theo ý của họ đã lập Lê Duy Khiêm lên làm vua, tức là vua Lê Chiêu Thống.
Sau khi lật đổ chúa Trịnh, Quân Tây Sơn rút hết, để lại thành Thăng Long cho toàn quyền vua Lê với những cung vàng gác tía của chúa Trịnh ngày nào còn đó. Lê Chiêu Thống vì căm phẫn nhà Trịnh và muốn át quân Tây Sơn quá hùng mạnh kia nên đã cầu nhà Thanh sang hỗ trợ.
Ở “Đàng Trong” Nguyễn Nhạc vị hoàng đế sáng lập ra Nhà Tây Sơn, ở ngôi hoàng đế từ năm 1778 đến năm 1788, xưng là Thái Đức Đế. Sau đó tự nhường ngôi cho em là Nguyễn Huệ và hạ tước hiệu của mình xuống thành Tây Sơn vương.
Gần ba mươi vạn quân Thanh tràn sang Đại Việt, một lần nữa Nguyễn Huệ phải đem quân ra bắc đuổi quân thù. Vào lúc này với sự ủng hộ mạnh mẽ của quân và dân, Nguyễn Huệ đã xưng vương lấy hiệu Quang Trung. Sự việc diễn ra với nhiều bí ẩn đến nay vẫn còn dang dở đáp án. Để rõ hơn về cuộc hành quân thần tốc này mời bạn đọc tiếp ở bài: Quang Trung đại phá quân Thanh