Vua Lê Chiêu Thống cầu cứu nhà Thanh chi viện
Lê Chiêu Thống là vị vua cuối cùng của nhà Hậu Lê thời Lê Trung hưng, cuộc đời ông bị dân gian gán mác “Rước voi giày mả tổ” vì sự kiện cầu cứu nhà Thanh mang quân sang nước ta để trả thù…
“Tất cả những cổng thành Thăng Long cổ kính đều khóa chặt. Trên các lũy thành hướng về phía nam, quân Tôn Sĩ Nghị đông như mắc cửi, cờ xí rợp trời.
Các phố phường đều đóng cửa im ỉm. Dân kinh kì không dám ra khỏi nhà. Ngoài đường, không còn bóng võng lọng, ngựa xe như những ngày sầm uất. Chỉ có quân Thanh đi lại rầm rập. Chúng nói cười nhí nha nhí nhố, nhe những bộ răng trắng nhởn, nghênh ngang cái bím tóc tết sau lưng. Chúng kéo vào các nhà bắt đàn bà, con gái. Chúng sục vào các cung điện bắt vua chúa, khuân đi kìn kìn những hòm ngọc ngà, châu báu.
Các cụ già hỏi nhau: Còn đâu là thể thống nước Nam? Còn đâu là kinh đô muôn thuở? Ba trăm năm trước, đức Thái Tổ nhà Lê khởi nghĩa ở đất Lam Sơn, đánh đuổi giặc Minh, thu lại bờ cõi. Sao con cháu vua Lê ngày nay lại đốn đời đi rước voi về giày mồ, bán rẻ cơ đồ cho người nước khác?
Lê Chiêu Thống vừa theo quân Thanh về nước, hạ lệnh đốt hết dinh cơ của chúa Trịnh. Trong kinh thành, nổi lên chỗ này một đám, chỗ kia một đám, những cột khói đen cuồn cuộn. Gió heo, trời ráo. Những đám cháy bốc cao. Cháy các lầu son, gác tía. Cháy các cung điện kín cổng cao tường. Cháy các đình chùa, miếu mạo. Các lâu đài nguy nga tráng lệ xây dựng từ bao nhiêu đời, các công trình lộng lẫy do muôn vàn bàn tay khéo léo làm nên, lần lượt bị đổ nhào. Cháy lan ra các đền đài của những đời vua trước. Cháy lan ra các nhà dân. Tiếng khóc thất thanh nổi lên bốn phía lẫn với tiếng gió rít, tiếng lửa reo, tiếng ngói xô, cột đổ, tiếng gà kêu, chó sủa ran ran. Mùi gỗ, mùi sơn pha với mùi xác người bị thiêu khét lẹt. Lửa ánh xuống mặt nước đỏ ngầu của sông Nhị Hà.
Lửa ánh xuống mặt nước hồ Gươm. Lửa ánh xuống mặt nước hồ Tây. Ở đây đang có những đám cháy to nhất. Bọn lính tráng của Chiêu Thống cầm mồi đi vào các cung điện chưa chịu cháy, châm lửa đốt. Không phải chúng chỉ đốt những lâu đài dinh thự. Chúng hung hăng phá tất cả những cảnh đẹp của kinh thành.”
Đó là một trích đoạn trong tác phẩm Kể chuyện Quang Trung của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nói về những hành động hèn hạ của vị vua cuối cùng của nhà Lê là Lê Chiêu Thống cầu cứu nhà Thanh.
Cuộc Đời Vua tôi Lê Chiêu Thống
Lê Chiêu Thống tên thật là Lê Duy Khiêm, sinh năm 1765. Bố của Duy Khiêm là thái tử Lê Duy Vĩ, con vua Lê Hiển Tông. Vì có hiềm khích sâu nặng với thái tử Duy Vĩ, nên khi được lên ngôi chúa, Trịnh Sâm đã lập mưu hãm hại Duy Vĩ. Các con của thái tử là Duy Khiêm, Duy Trù và Duy Chi cũng bị bắt giam vào ngục Đề lãnh. Duy Khiêm khi đó mới sáu tuổi, bị giam đến khi Trịnh Sâm mất (tháng Mười năm Nhâm Dần, 1782) mới được ra.
Năm đó Duy Khiêm 17 tuổi, ở trong ngục tổng cộng 11 năm! Tháng Bảy năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Huệ lấy danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh” mang quân ra Bắc Hà đánh đổ chúa Trịnh Khải.
Gặp lúc vua Lê Hiển Tông ốm nặng sắp mất nên ông muốn mau chóng tìm người họ Lê lập làm vua, để còn về Nam lo việc chính sự. Và thế là, Lê Duy Khiêm, con thái tử Lê Duy Vĩ, cháu đích tôn của vua Lê Hiển Tông được đưa lên ngôi. Khi đó ông 21 tuổi, đổi tên là Duy Kì, đặt niên hiệu là Chiêu Thống.
Cha bị chúa Trịnh Sâm hãm hại, bản thân bị giam cầm suốt thời thơ ấu, vì thế khi có cơ hội, Lê Chiêu Thống liền ra tay trả thù nhà Trịnh, như nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã miêu tả trong tác phẩm của mình.
Nhưng không chỉ có thế, ông vua này còn làm nhiều chuyện tồi tệ khác nữa. Trước hết, đó là việc câu kết với Nguyễn Hữu Chỉnh. Hữu Chỉnh là một tướng tài nhưng có tính phản trắc, đi với ai cũng tỏ ra bất trung, sau theo Tây Sơn bày mưu thâm giúp Nguyễn Huệ diệt được chúa Trịnh, chiếm Bắc Hà. Song ông ta không được Tây Sơn tin dùng vì chính sự tráo trở của mình.
Vậy mà Lê Chiêu hống đã câu kết với con người ấy. Để làm gì ư? Chính là để mượn tay Hữu Chỉnh chống lại Nguyễn Huệ, người đã giúp nhà Lê diệt nhàTrịnh rồi đưa ông ta lên ngôi!
Nhưng Hữu Chỉnh dù có tài giỏi đến mấy thì cũng không chống lại được sức mạnh vô địch của quân Tây Sơn. Ông ta bị tướng Tây Sơn là Vũ Văn Nhậm kéo quân ra đánh tan, phải bỏ trốn nhưng rồi cũng bị bắt và bị giết.
Lê Chiêu Thống may mắn thoát được, chạy sang Trung Quốc và lại tiếp tục phạm sai lầm. Ông ta kêu cầu triều đình nhà Thanh đem quân sang đánh Tây Sơn, giúp nhà Lê lấy lại ngai vàng.
Tất nhiên nhà Thanh đã không bỏ qua cơ hội ngàn năm có một này. Vua Càn Long lập tức cử Tôn Sĩ Nghị, Tổng đốc Lưỡng Quảng đem 29 vạn quân và dân binh sang đánh nước ta. Lấy chiêu bài phù Lê, chúng đưa Chiêu Thống lên ngôi, phong cho làm An Nam quốc vương, nhưng thực chất chỉ là bù nhìn.
Kết cục bi thảm của vị vua rước voi giày mả tổ Lê Chiêu Thống
Âm mưu của chúng là sẽ tìm cách hất vua Lê đi và biến nước Nam thành một quận huyện như xưa! Song dã tâm bán nước của Lê Chiêu Thống và âm mưu xâm lược của nhà Thanh đã phải phá sản trước cuộc hành quân thần tốc của vua Quang Trung như trên đã nói.
Kết cục tướng nhà Thanh Tôn Sĩ Nghị phải bỏ cả ấn kiếm vua ban, không kịp mặc gì thêm ngoài quần áo lót cốt chạy thoát thân. Lê Chiêu Thống cũng theo đám tàn quân Thanh chạy sang Trung Quốc.
Tại đây ông ta còn cố xin triều đình nhà Thanh đem quân sang đánh báo thù một lần nữa. Song vua Càn Long cân nhắc lợi hại đã giao hảo và công nhận triều Tây Sơn, mặc cho Lê Chiêu Thống chết nhục nhã vào năm 1793 ở xứ người.
Đến đây chấm hết cuộc đời của ông vua bán nước đớn hèn. Là vua cuối cùng của nhà Lê, Lê Chiêu Thống thật khác xa các bậc tiền bối của mình, những người đã có công giải phóng đất nước khỏi quân xâm lược nhà Minh, xây dựng một nước Đại Việt hùng mạnh khiến Bắc phương suốt hàng trăm năm không dám nhòm ngó.