Tiểu sử chúa Nguyễn Phúc Khoát
Nguyễn Phúc Khoát (1714 – 1765), bằng với tuổi thọ của chúa Nguyễn Phúc Chu. Nguyễn Phúc Khoát hay Nguyễn Thế Tông, húy là Hiểu, còn gọi là Chúa Võ, hiệu Vũ vương hay Võ vương, là vị chúa Nguyễn thứ 8 của chính quyền Đàng Trong, ở ngôi từ năm 1738 đến năm 1765.
Nguyễn Phúc Khoát là con trai trưởng của chúa Nguyễn Phúc Chú và mẹ là Thục phi Trương Thị Thư.
Năm Mậu Ngọ (1738), Nguyễn Phúc Khoát nối ngôi khi 24 tuổi, được quan triều tôn là Thái bảo Hiểu Quận công, lấy hiệu là Từ Tế đạo nhân.
Ngày 12 tháng 4 năm Giáp Tý (1744), quần thần dân biểu tôn Chúa Võ lên ngôi vương.
Kết thúc đời Nguyễn Phúc Khoát, công cuộc nam tiến lịch sử mở rộng nước ta về phương nam xem như hoàn thành.
Cuộc đời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát đưa Đàng Trong suy tàn
Qua mấy đời chúa liền, xã hội Đàng Trong ổn định và phát triển hơn Đàng Ngoài. Năm 1738, Thế tử Nguyễn Phúc Khoát lên nối ngôi chúa, trở thành người đứng đầu trăm quan khi mới 23 tuổi. Phải làm cái gì đó khác các tiên chúa, vị chúa trẻ có phần tự mãn vắt óc nghĩ mà chưa hé được một “chiêu” gì.
Bỗng đâu, trong dân gian lan truyền câu sấm “Bát đại thời hoàn Trung đô”, nghĩa là “Tám đời phải trở về Trung đô”. Câu này được suy diễn ra là đến đời thứ tám (ứng với triều đại chúa Phúc Khoát) sẽ phải trở lại Trung đô (tức Đông Đô, cũng là Thăng Long – kinh đô Đàng Ngoài của vua Lê chúa Trịnh).
Chúa lo lắm. Không lẽ giang sơn Đàng Trong một dải từ Đèo Ngang đến Cà Mâu, mất bao xương máu và công lao của các tổ tiên chúa Nguyễn mở mang bờ cõi, nay lại phải về làm bề tôi vua Lê và cả chúa Trịnh nữa?!
Nhưng các nịnh thần đã hiến kế, việc hoá giải lời “sấm” này đâu có gì khó, chúa chỉ việc xưng vương và xây dựng tân đô, thế là xong.
Nguyễn Phúc Khoát cả mừng, thế là một mũi tên bắn được hai con nhạn! Các tiên chúa mới chỉ được phong đến chức “công”, đã ai là “vương” đâu.
Ông lập tức cho đúc ấn quốc vương, chọn ngày Kỉ Mùi năm Giáp Tí (1744) ban chiếu bố cáo thiên hạ, làm lễ tế trời rồi đăng quang tại phủ chính ở Phú Xuân, lấy hiệu là Võ Vương.
Lễ đăng quang được tổ chức vô cùng trọng thể, súng thần công bắn rền trời, đèn hoa, cờ xí rực rỡ trên bờ dưới sông. Đạo ngự gồm kiệu vua, tượng binh, kị binh và đoàn quan lại tùy tùng diễu hành khắp đô thành. Sau đó vương xuống thuyền rồng về điện Trường Lạc ở làng Dương Xuân, thượng lưu sông Hương…
Quan lại dưới trướng Nguyễn Phúc Khoát ra sức đua đòi bóc lột
Kể từ đó mọi thứ đều thay đổi. Tam ti đổi thành lục bộ đúng như một triều đình. Những người cầm đầu các ti cũ nay gọi là Thượng thư, phủ chúa gọi là điện, cách xưng với chúa đổi thành tâu. Anh em, họ hàng gần của chúa đều phong tước quận công. Đối với các nước thuộc quốc như Chămpa, Chân Lạp, Cao Miên, Ai Lao… chúa xưng là Thiên vương.
Bạn đang đọc bài viết về Nguyễn Phúc Khoát trong Nhân vật lịch sử của pqt.edu.vn
Lại chia nước ra làm 12 dinh, dinh nào cũng đặt quan trấn thủ, quan cai bạ, quan kí lục để coi việc cai trị. Các quan tước đều thăng một trật. Các quan được thêm phẩm hàm, bổng lộc ai nấy đều hoan hỉ. Số người ăn bám “trong biên chế nhà nước” cũng tăng vọt…
Bắt đầu bằng việc xây dựng tân đô. Một loạt điện đài được xây ở Phú Xuân cho xứng với vương triều mới. Dựng hai điện Kim Hoa và Quang Hoa, các nhà Tựu Lạc, Chính Quan, Trung Hoà, Di Nhiên, đài Sướng Xuân, đình Thuỵ Vân, hiên Đồng Lạc, am Nội Viện, rồi nào là công đường, trường học, trường súng.
Ở thượng lưu sông Hương về bờ nam có phủ Dương Xuân và phủ Cam. Ở trên nữa có phủ Tập Tượng, lại dựng điện Trường Lạc, hiên Duyệt Võ, mái lớn nguy nga, đài cao rực rỡ. Các nhà đều lát nền đá, trên lát ván kiền kiền, trồng xen cây cối, cây nào cũng to mấy người ôm. Vườn sau thì núi giả đá quý, ao vuông hào quanh, cầu vòng thủy tạ, tường trong tường ngoài đều xây dày mấy thước, lấy vôi và mảnh sứ đắp thành hình rồng phượng, lân hổ, cỏ hoa..
Sống trong cảnh xa hoa, Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát ngày càng xa rời chính sự, ham mê tửu sắc, phạm cả tội loạn luân. “Thượng bất chính, hạ tắc loạn” – người xưa đã nói. Quan lại, tôn thất cứ thế làm theo, sống cực kì xa xỉ, luân phiên yến tiệc, thù tiếp lẫn nhau.
Họ đua nhau xây cất sao cho to hơn, đẹp hơn nhà bên cạnh. Quan lại thì bè cánh, chia rẽ, tham nhũng, mua quan bán tước. Để có tiền ăn chơi sa đọa, họ tìm mọi cách bóc lột dân chúng, bòn vét sưu thuế. Giai cấp quý tộc và địa chủ thì tìm cách chiếm đoạt đất đai của nông dân để hưởng thụ.
Đại thần Trương Phúc Loan nhiều vàng đến mức, sau một trận lụt, ông ta trải vàng ra phơi, từ xa trông lại thấy sáng chóe một góc sân rộng…
Chứng kiến những gì diễn ra, các bậc thức giả, các thầy đồ, các lão nông từng trải… thảy đều ngao ngán. Họ linh cảm thấy Đàng Trong sắp sa vào con đường suy vong. Quả nhiên, tình hình đã diễn ra như thế.
Nguyễn Phúc Khoát là người khai sinh áo dài Việt Nam
Từ khi Nguyễn Phúc Khoát xưng vương, không chỉ triều phục bách quan thay đổi, mà dân chúng cũng phải mặc trang phục mới, từ chiếc áo, chiếc quần đều được quy định cho người lớn, trẻ em, các tầng lớp dân.
Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành quy định nhằm định chế lại chế độ y quan trong triều chính, quy định lại chiếc áo dài của cả nam lẫn nữ nhằm phân biệt y phục giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài. Lê Quý Đôn trong sách “Phủ biên tạp lục” đã nhận xét rằng: “Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã viết những trang sử đầu cho chiếc áo dài như vậy”.
Tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi về nguồn gốc áo dài Việt Nam
Đàng Trong của chúa Nguyễn bắt đầu suy tàn
Trong khi đó tình cảnh của dân hết sức điêu đứng. Ở nhiều nơi, nông dân phải bỏ ruộng hoang, đi tha phương cầu thực.
Năm 1769, nạn đói xảy ra, kéo dài 4, 5 năm liền, theo lời mô tả của giáo sĩ LaBactet, “gạo đắt như vàng…tình cảnh đói khổ bày ra lắm cảnh thương tâm, xác chết chồng chất lên nhau”.
Nạn trộm cướp xảy ra khắp nơi, nhưng cũng có cả những cuộc nổi dậy đòi quyền sống. Chính là trong thời gian này đã xuất hiện câu chuyện dân gian về chàng Lía, một thanh niên nông dân ở Quy Nhơn đứng lên khởi nghĩa, cướp của người giàu chia cho người nghèo:
Ai vào Bình Định mà nghe,
Nghe thơ chàng Lía, vè về Quảng Nam.
Chiều chiều én liệng Truông Mây,
Cảm thương chú Lía bị vây trong thành.
Năm 1765, Nguyễn Phúc Khoát qua đời, chính sự họ Nguyễn rối ren quanh việc chọn người kế nghiệp. Con cả của Võ Vương đã mất, đáng lí ra theo thứ tự, phải lập người con thứ hai là Luân lên ngôi. Nhưng quyền thần Trương Phúc Loan nắm trọn quyền lực, tự xưng là “Quốc phó”, đã sửa di chiếu, giết Luân để lập một người con của Võ Vương mới 12 tuổi là Thuần lên ngôi, để dễ bề thao túng. Trong triều đình cũng như bên ngoài dư luận ai cũng bất bình.
Tình hình từ trên xuống dưới ở Đàng Trong giống như cảnh thời tiết vô cùng ngột ngạt trước một cơn giông tố mãnh liệt sắp bùng lên. Phong trào Tây Sơn nổ ra vang dội đã khép lại trang sử 9 đời chúa Nguyễn, đưa lịch sử nước nhà lật sang một chương mới.