Mạc Kính Điển – Ông vua không ngai của Triều Nhà Mạc
Múa xong bài kiếm, Khiêm Vương Mạc Kính Điển trở về thư phòng. Ông định nghỉ ngơi một lát rồi sẽ vào cung thăm vua anh đang ốm nặng, không biết sống chết thế nào. Chợt có viên tổng quản thái giám xin vào gặp. Người thái giám già truyền khẩu dụ của Thái hậu đòi Mạc Kính Điển vào cung gấp. Mạc Phúc Hải, vua thứ ba nhà Mạc và cũng là anh của Mạc Kính Điển, đang hấp hối.
Khi Mạc Kính Điển đến bên long sàng thì đã thấy hoàng thái hậu, hoàng hậu và hoàng tử Phúc Nguyên. Ngoài ra còn có hai vị tướng tâm phúc là Nguyễn Kính và Lê Bá Ly. Thấy Kính Điển, nhà vua ra hiệu ngồi xuống bên cạnh. Vua ứa nước mắt, nắm tay em nói:
– Anh biết mình không qua khỏi nữa. Con anh còn nhỏ tuổi. Anh cậy nhờ em giúp nó mọi việc triều chính, để giữ vững giang sơn họ Mạc ta.
Mạc Kính Điển khóc lóc xin vâng. Nhưng khi triều đình nghị bàn về việc lập vua mới, Tứ Dương Hầu Phạm Tử Nghi đứng lên nói:
– Hiện trong nước đương lúc nhiễu loạn, nên lập vua lớn tuổi. Hoằng Vương Chính Trung là con thứ của Thượng hoàng Mạc Đăng Dung, đã nhiều phen cầm quân và thường thắng trận. Vậy nên đưa lên nối ngôi.
Mọi người xì xào bàn tán. Nguyễn Kính đứng dậy, nóng nảy nói:
– Tiên đế mới băng, để lại ý chỉ truyền ngôi cho hoàng tử điện hạ, sao Tứ Dương hầu lại bàn ngang làm vậy!
Phạm Tử Nghi hậm hực bỏ về, tụ họp quân bản bộ, lôi kéo một số triều thần bất mãn lập Chính Trung lên làm vua. Rồi đang đêm bí mật kéo đến bao vây kinh thành. Bị bất ngờ, triều đình phải đưa Mạc Phúc Nguyên qua sông lánh nạn. Mạc Kính Điển và Nguyễn Kính khởi binh đánh Phạm Tử Nghi. Ban đầu bị thất thế, nhưng sau có Lê Bá Ly kịp dẫn các đạo quân thủy bộ kéo về, đánh tan quân của Tử Nghi. Chính Trung và bộ sậu chỉ còn hơn một trăm người phải chạy sang Khâm Châu, Trung Quốc…
Dẹp được loạn xong, Mạc Kính Điển trước hết lo ổn định triều chính, vỗ về an dân, khôi phục kinh thành. Không chỉ giúp vua thưởng phạt quan lại trong triều, ông còn bắt tay vào việc tổ chức các kì thi Hương, thi Hội để chọn người tài ra giúp việc triều đình.
Nhưng việc trọng đại nhất vẫn là phải đối phó với quân Lê – Trịnh đang ngày càng lớn mạnh ở phía Nam…
Về việc này, Mạc Kính Điển tỏ ra là một vị tướng mưu lược và can trường. Ông đã mười phen cầm quân đánh vào Thanh Hóa nơi đặt thành kinh đô Vạn Lại, căn cứ địa của quân vua Lê chúa Trịnh. Ông luôn đồng cam cộng khổ với quân lính, biết dùng người tài, đối xử phân minh nên trong quân ngũ ai cũng tin tưởng, nể trọng.
Song cuộc đời làm tướng của ông cũng lắm gian truân.
Thăng trầm cuộc đời Khiêm vương Mạc Kính Điển
Hoàng tử Kính Điển khi mới sinh luôn ốm o, sài mòn. Trong cung đã thay nhiều nhũ mẫu mà vẫn không kết quả. Thái tể Lê Bá Ly bèn sai vợ Phạm Quỳnh là một tôi tớ trong tướng phủ vào làm vú nuôi Mạc Kính Điển. Nhờ vậy Kính Điển lớn lên khỏe mạnh. Khi đã trở thành Khiêm Vương phụ chính triều đình, Mạc Kính Điển nhớ ơn cũ cho mời bố con Phạm Quỳnh, Phạm Dao vào triều ban cho chức tước.
Bạn đang đọc bài viết về Mạc Kính Điển trong chuyên mục Nhân vật lịch sử của pqt.edu.vn
Hai cha con họ Phạm khi được quyền cao chức trọng, bắt đầu lên mặt, coi thường chủ cũ, ghen ghét với gia thế của Lê Bá Ly. Chúng vu oan cho cha con Bá Ly và tìm đến Khiêm Vương Mạc Kính Điển để tố cáo họ có ý làm phản. Tin vào lòng trung của vị lão tướng, Mạc Kính Điển gạt đi ngay. Không ngờ bố con họ Phạm bất chấp lời can ngăn của ông, ngay trong đêm đem quân vây bắt Lê Bá Ly và thông gia là Thượng thư Nguyễn Thiến. Lê Bá Ly và Nguyễn Thiến thoát được, đem quân bản bộ đánh tan quân của cha con họ Phạm. pqt.edu.vn Quân tướng của Lê Bá Ly bao vây kinh thành, đòi nhà vua giao Phạm Quỳnh, Phạm Dao thì sẽ lui quân. Nhưng Phúc Nguyên không chịu. Quá uất ức, lão tướng Lê Bá Ly đem hơn một vạn quân kéo về Thanh Hóa, quy hàng Nam triều Lê Trịnh.
Xin nói thêm về cha con Phạm Quỳnh, Phạm Dao, họ chính là thông gia và con rể của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cũng chính Trạng Trình là người đã làm sớ tố cáo đòi xử tội cha con họ nhưng bất thành.
Trịnh Kiểm Thế tổ đâu thể bỏ qua cơ hội. Ông lập tức chớp thời cơ, đem đại quân tiến ra Bắc và lần đầu tiên chiếm được Thăng Long. Quân Mạc tan tác, chỉ còn Mạc Kính Điển hộ giá chạy về Kim Thành (Hải Dương). Sau đó ông quay trở lại, tập hợp quân sĩ các vệ chiến đấu với quân Trịnh. Trịnh Kiểm thấy thế bất lợi phải lui binh về Thanh Hóa.
Mạc Kính Điển đón vua về kinh thành, chỉnh đốn lại triều chính,mộ thêm quân lính, chủ động tiến hành nhiều cuộc hành quân đánh xuống Thanh Hóa, Nghệ An. Không phải lần nào cũng đánh thắng, nhưng ông đã chuyển nguy thành an, đẩy họ Trịnh vào thế bị động.
Mạc Kính Điển thông thạo đánh thủy. Ông đã nhiều lần đưa thuyền chiến vượt qua cửa Thần Phù, đánh vào Thanh Hóa, Nghệ An. Trận đánh năm 1557, Kính Điển ngồi trên thuyền soái, trực tiếp chỉ huy các chiến thuyền tiến đánh Tống Sơn, Nga Sơn. Khi đang thừa thắng đuổi theo quân Nam triều, đoàn thuyền của ông bất ngờ bị phục kích, quân Trịnh từ hai bên bờ sông nhất loạt phản công. Một viên tướng Trịnh nhìn thấy cờ soái, bèn nhảy sang chém chết người lính cầm lọng. Mạc Kính Điển chỉ kịp nhảy xuống sông. Ông ngụp lặn, lần mò vào được một hang núi. Suốt ba ngày đêm ông phải nhịn đói, uống nước sông mà sống.
Một đêm, Mạc Kính Điển thấy cây chuối trôi qua cửa lạch, bèn ôm lấy tìm đường bơi về. Mấy hôm thì về được bến Trinh Nữ, hạt Yên Mô (Ninh Bình). Vừa bước lên bờ thì ngã lăn ra bất tỉnh. May được một người đánh cá ở đấy cứu thoát. Nhớ ơn người này, khi về kinh ông phong thưởng rất hậu.
Tài năng của Mạc Kính Điển không thay đổi được tình thế. Vua Mạc Phúc Nguyên khi đã trưởng thành muốn tự mình chấp chính. Nhưng vì thiển cận và ưa nịnh, không chịu nghe lời can gián, nên các bậc trung thần ngày càng lảng tránh. Mạc Kính Điển thì luôn bị thúc đi đánh vua Lê chúa Trịnh.
Mạc Phúc Nguyên làm vua được 18 năm thì mắc bệnh đậu mùa chết. Con trai là Mạc Mậu Hợp mới hai tuổi được đặt lên ngai. Gánh nặng giang sơn lại một lần nữa đè lên vai Mạc Kính Điển. Ông trao bớt việc cho em là Mạc Đôn Nhượng trông coi, để tập trung lo việc quân cơ.
Dưới triều Mạc Mậu Hợp, Mạc Kính Điển nhiều lần tấn công vào Thanh Hóa, Nghệ An. Hầu như trận đánh nào vào Nghệ An cũng giành được thắng lợi. Mỗi khi quân Mạc kéo đến, người xứ Nghệ đều chịu hàng phục. Nhưng về sau Nguyễn Hoàng trấn thủ giữ vững Thuận Hóa, đánh trả, nhà Mạc phải bỏ Nghệ An, chỉ còn giữ được Bắc Hà.
Khiêm Vương Mạc Kính Điển mất và số phận của triều nhà Mạc
Bên phía Nam triều có chúa Trịnh Tùng được ví là Tào Tháo của Việt Nam, là một đối thủ xứng tầm nên vẫn giữ được thế cân bằng với nhà Mạc. Tháng 10 năm 1580, Mạc Kính Điển mất sau 34 năm phò giúp ba đời vua Mạc. Mạc Đôn Nhượng thay anh nắm quyền bính, nhưng để thua trận liên miên. Đúng 10 năm sau, Trịnh Tùng kéo đại quân ra Bắc đánh chiếm Thăng Long, tiêu diệt nhà Mạc.
Nhà bác học Lê Quý Đôn thời Hậu Lê có để lại bộ Đại Việt thông sử, trong đó chép cả thời nhà Mạc. Theo quan điểm phong kiến chính thống, ông gọi nhà Mạc là “ngụy triều”. Nhưng là nhà khoa học, ông thật khách quan khi dành hẳn một mục về Mạc Kính Điển trong chương viết về thế thứ các vua Mạc. Thậm chí ông đặt Kính Điển tương đương các vua Mạc, với ghi chú là “Thân vương nhà Mạc, không xưng vua”.
Lê Quý Đôn trân trọng viết: “Kính Điển là người nhân hậu, linh mẫn, dũng cảm có thừa.”
Đại Việt sử kí toàn thư cũng ghi nhận: “Mạc Kính Điển là người nhân hậu, dũng lược, thông minh, tài trí, nhạy bén, hiểu đời, từng trải nhiều gian nan nguy hiểm…” Thật khó có lời đánh giá tốt đẹp hơn đối với một “ông vua không ngai” của “ngụy triều” nhà Mạc.
Mạc Kính Điển qua đời, nhà Mạc như rắn mất đầu, vẫy vùng thêm được một khoảng thời gian ngắn rồi lặn dần đến mất hút trong lịch sử nước nhà, nhường lại cho Trịnh Nguyễn bắt đầu phân tranh viết tiếp những trang sử ngàn năm của dân tộc.