Danh sách các đời chúa Nguyễn
Các đời chúa Nguyễn trải qua 9 vị chúa, tồn tại ở Đàng Trong thuộc các thế kỷ XVI, XVII, XVIII (16, 17, 18) được liệt kê theo bảng danh sách dưới đây:
TT | Húy danh | Công thụy | Thời gian trị vì | Miếu hiệu |
1 | Nguyễn Hoàng | Chúa Tiên | 1558-1613 | Thái tổ Gia dũ Hoàng đế |
2 | Nguyễn Phúc Nguyên | Chúa Sãi | 1613-1635 | Hy tông Hiếu văn Hoàng đế |
3 | Nguyễn Phúc Lan | Chúa Thượng | 1635-1648 | Thần tông Hiếu chiêu Hoàng đế |
4 | Nguyễn Phúc Tần | Chúa Hiền | 1648-1687 | Thái tông Hiếu triết Hoàng đế |
5 | Nguyễn Phúc Thái | Chúa Nghĩa | 1687-1691 | Anh tông Hiếu nghĩa Hoàng đế |
6 | Nguyễn Phúc Chu | Quốc chúa | 1691-1725 | Hiển tông Hiếu minh Hoàng đế |
7 | Nguyễn Phúc Chú | Ninh vương | 1725-1738 | Túc tông Hiếu ninh Hoàng đế |
8 | Nguyễn Phúc Khoát | Võ vương | 1738-1765 | Thế tông Hiếu võ Hoàng đế |
9 | Nguyễn Phúc Thuần | Định vương | 1765-1775 | Duệ tông Hiếu định Hoàng đế |
Các đời chúa Nguyễn cùng an táng tại một địa phương
Trải qua hơn hai thế kỷ, truyền tới 9 đời chúa, với bao lần dời dinh nhưng khi bỏ thân về cội các đời chúa Nguyễn đều được an táng gần nhau trong cùng một xã. Xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế được chọn là nơi an nghỉ của các đời chúa Nguyễn.
Lăng Trường Cơ của Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế Nguyễn Hoàng (1525-1613), nằm tại trung tâm thôn La Khê.
Lăng Trường Diễn của Hy Tôn Hiếu Văn Hoàng Đế – Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635), nằm ở thôn Hải Cát.
Lăng Trường Diên của Thần Tôn Hiếu Chiêu Hoàng Đế Nguyễn Phúc Lan (1601-1648), nằm ở thôn La Khê Trẹm.
Lăng Trường Hưng của Thái Tôn Hiếu Triết Hoàng Đế Nguyễn Phúc Tần (1620-1687), dân gian quen gọi là lăng Chín Chậu, nằm ở thôn Hải Cát.
Lăng Trường Mậu của Anh Tôn Hiếu Nghĩa Hoàng Đế Nguyễn Phúc Thái (1650-1691), nằm ở thôn Kim Ngọc.
Lăng Trường Thanh của Hiển Tôn Hiếu Minh Hoàng đế Nguyễn Phúc Chu (1675-1725), nằm ở thôn Kim Ngọc.
Lăng Trường Phong của Túc Tôn Hiếu Ninh Hoàng Đế Nguyễn Phúc Chú (Thụ) (1697-1738), nằm ở thôn Định Môn.
Lăng Trường Thái của Thế Tôn Hiếu Vũ Hoàng Đế Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765), nằm ở thôn La Khê.
Lăng Trường Thiệu của Duệ Tôn Hiếu Định Hoàng Đế Nguyễn Phúc Thuần (1754-1777), ở thôn La Khê.
Ngoài 9 đời chúa Nguyễn, thì tại xã Hương Thọ còn có lăng vua Gia Long nằm ở thôn Định Môn và lăng của vua Minh Mạng nằm ở thôn La Khê
Chi tiết về 9 đời chúa Nguyễn
Dưới đây pqt.edu.vn sẽ trình bày tóm tắt tiểu sử chi tiết về các đời chúa Nguyễn theo thứ tự trị vì từ đầu đến cuối.
Chúa Nguyễn Hoàng (1558-1613)
Nguyễn Hoàng (chữ Hán: 阮潢; 28 tháng 8, 1525 – 20 tháng 7 năm 1613) hay Nguyễn Thái Tổ, Chúa Tiên là vị chúa Nguyễn đầu tiên, người đặt nền móng cho vương triều Nguyễn (1802 – 1945).
Ông quê ở làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, xứ Thanh Hoa, ngày nay là Gia Miêu Ngoại Trang, thôn Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
Sau cái chết của cha Nguyễn Hoàng là Nguyễn Kim, thì người anh rể là Trịnh Kiểm nắm giữ quyền hành đã giết chết anh trai ông là Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng nhờ chị gái Nguyễn Thị Ngọc Bảo xin Trịnh Kiểm cho mình vào trấn thủ Thuận Hóa, Trịnh Kiểm chấp thuận.
Là người có công khai khẩn Đàng Trong, cuộc đời của chúa Nguyễn Hoàng đã trải qua rất nhiều gian nan thử thách ý chí và tài năng. Pqt.edu.vn đã trình bày riêng về vị chúa này tại tại bài viết Nguyễn Hoàng vị chúa Nguyễn mang mệnh khai khẩn Đàng Trong
Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635)
Nguyễn Phúc Nguyên là con thứ sáu của Nguyễn Hoàng. Mẹ Phúc Nguyên họ Nguyễn. Bấy giờ các con trai của Nguyễn Hoàng là Hà, Hán, Thành, Diễn đều đã mất trước. Người con trai thứ 5 là Hứa đang làm con tin ngoài Bắc, vì thế Phúc Nguyên là con thứ 6 được nối nghiệp, bấy giờ đã 51 tuổi.
Vua Lê sai sứ giả vào viếng và truy tặng Nguyễn Hoàng là Cẩn Nghi công, cho Phúc Nguyên làm trấn thủ Thuận Quảng với hàm Thái Bảo, tước Quận công. Phúc Nguyên lên nối ngôi, sửa đắp thành luỹ đặt quan ải vỗ về quân dân, trong ngoài đều vui phụng, bấy giờ người ta gọi Nguyên là chúa Phật. Kể từ Nguyễn Phúc Nguyên, họ Nguyễn ở Ðàng Trong xưng quốc tính là Nguyễn Phúc.
Năm Kỷ Mùi (1619), Trịnh Tùng đem quân vào đánh chúa Nguyễn ở Thuận Quảng, từ đấy chúa Nguyễn không nộp thuế cống nữa.
Nguyễn Phúc Nguyên có Ðào Duy Từ giúp sức càng vững mạnh hơn. Ðào Duy Từ được Trần Ðức Hoà tiến cử lên chúa Nguyễn năm Ðinh Mão (1627) Nguyễn Phúc Nguyên mừng lắm, phong cho Duy Từ tước Lộc kê hầu, chức Nha Nội uý nội táng. Duy Từ bày cho chúa Nguyễn kế sách trả lại sắc phong của vua Lê, không chịu nộp thuế cống cho họ Trịnh, đắp luỹ Trường Dục, luỹ Thầy để phòng ngự, chống lại quân Trịnh. Kế sách của Duy Từ được chúa Nguyễn làm theo.
Tham khảo: Đào Duy Từ thiên tài quân sư có con đường quan lộ nhiêu khê
Năm Ất Hợi (1635) chúa Nguyễn Phúc Nguyên cũng qua đời, ở ngôi 22 năm, thọ 73 tuổi, truyền ngôi cho con thứ hai là Nguyễn Phúc Lan. Sau triều đình Nguyễn truy tôn là Hy Tông Hiến Văn Hoàng đế. Nguyễn Phúc Nguyên có 11 con trai.
Xem thêm: Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và giai thoại “Ta không nhận sắc”
Chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648)
Vợ Nguyễn Phúc Nguyên là con gái Mạc Kính Ðiển. Khi Kính Ðiển bại vong, bà theo chú là Cảnh Huống chạy vào Nam, cùng với chú ẩn ở chùa Lam Sơn, đất Quảng Trị. Nguyễn Thị Ngọc Dương, vợ Cảnh Huống lại là dì ruột của Nguyễn Phúc Nguyên, nhân đó bà tiến cháu mình vào hầu chúa Nguyễn từ khi chưa lên ngôi. Bà vợ họ Mạc này sinh được năm con trai.
Mùa hạ năm Tân Mùi (1631), Hoàng tử cả là Kỳ mất, Phúc Lan là con thứ hai được lập làm Thế tử, mở dinh Thuận Nghĩa. Năm Ất Hợi (1635), chúa Nguyễn Phúc Nguyên mất, Phúc Lan được nối ngôi, lúc này ông đã 35 tuổi, gọi là chúa Thượng.
Nghe tin Lan được nối ngôi, trấn thủ Quảng Nam là Anh nổi lên, bí mật đầu hàng họ Trịnh, mưu cướp ngôi chúa. Anh cho đắp luỹ Cu Ðê để cố thủ và bày thuỷ quân ở cửa biển Ðà Nẵng chống lại chúa. Phúc Lan đánh bắt được, không nỡ giết kẻ ruột thịt, nhưng tướng lĩnh đều xin giết để trừ hậu hoạ, kể cả đồng đảng có tên trong sổ “Ðồng Tâm”.
Năm Kỷ Mão (1639), vợ của Tôn Thất Kỳ là Tống Thị vào yết kiến chúa Nguyễn. Tống Kỳ xinh đẹp lại khéo ứng đối, nhân vào gặp chúa, kêu khổ, xin chúa thương tình và biếu chúa chuỗi ngọc Vạn hoa. Phúc Lan thương tình cho lưu lại trong phủ. Thị thần có người can, chúa không nghe.
Năm Canh Thìn (1640) quân Nguyễn do Nguyễn Hữu Dật thống suất đã chiếm được Bắc Bố Chính. Trịnh Tráng viết thư xin lại, chúa Nguyễn ra lệnh đồng ý. Từ đó Phúc Lan thấy việc biên cương không đáng lo nữa, rơi vào chăm vui yến tiệc, xây dựng cung thất, công dịch không ngớt, việc thổ mộc nặng nề, tốn kém, nhưng còn may là quân thần can ngăn. Tức thì bãi bỏ việc xây dựng.
Lại nói đến Tống Thị, khi đã được vào cung, đưa đón, thỉnh thác lấy lòng chúa rất khéo, của cải thị chất đầy. Chưởng cơ Tôn Thất Trung mưu giết thị. Tống Thị viết thư và gửi một chuỗi ngọc nhờ cha là Tống Phúc Tông (ở đất Trịnh) đem biếu chúa Trịnh, xin Trịnh Tráng cất quân đánh Nguyễn. Tống Thị nguyện đem gia tài giúp quân lương. Tráng nhận được thư, liền đem các đạo quân thuỷ bộ vào đánh. Nguyễn Phúc Lan phải tự cầm quân đánh lại. Về sau, Nguyễn Phúc Lan không được khoẻ, trao binh quyền cho con trai là Nguyễn Phúc Tần và tướng Nguyễn Hữu Dật. Nhiều trận đánh lớn đã xảy ra, quân Nguyễn đại thắng bắt được vô số tù binh của Trịnh.
Bạn đang đọc bài viết về các đời chúa Nguyễn tại trang pqt.edu.vn
Trên đường rút quân, đến phá Tam Giang, Phúc Lan mất trên thuyền ngự. Chúa ở ngôi 13 năm, thọ 28 tuổi. Thế tử Nguyễn Phúc Tần khóc mời chú lên ngôi gánh vác việc nước. Ông chú tử tế đã khuyên cháu lên ngôi cho danh chính ngôn thuận. Nguyễn Phúc Tần theo lời, lên nối ngôi, truy tôn cha là Thần tô hiến chiêu Hoàng đế.
Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687)
Nguyễn Phúc Lan có bà vợ họ Ðoàn, con gái thứ 3 của Thạch Quận công Ðoàn Công Nhạc, người huyện Diên Phúc, tỉnh Quảng Nam.
Nguyễn Phúc Tần sinh năm Canh Thân (1620). Lúc đầu, được phong phó tướng Dũng lễ hầu, từng đánh giặc ở cửa biển, được chúa Phúc Lan rất ngợi khen.
Năm Mậu Tý (1648), được tấn phong là Tiết chế chủ quân, thay Phúc Lan phá quân Trịnh ở sông Gianh, bấy giờ 29 tuổi. Nguyễn Phúc Lan mất đột ngột, bầy tôi tôn Phúc Tần lên ngôi chúa, gọi là chúa Hiền.
Chúa Hiền là người chăm chỉ chính sự, không chuộng yến tiệc vui chơi. Phúc Tần biết trọng dụng hai tướng giỏi là Nguyễn Hữu Dật và Nguyễn Hữu Tiến. Nhờ đó chúa Nguyễn nhiều lần vượt sông Gianh tiến ra đất Ðàng Ngoài.
Năm 1656, sau hai năm tấn công ra Bắc, quân Nguyễn đã chiếm được 7 huyện của Nghệ An. Tự thân Nguyễn Phúc Tần đã đem quân ra đến Nghệ An, đóng tại xã Vân Cát.
Quân Nguyễn còn có thể tiến sâu vào đất đối phương thêm nữa, nhưng phía nhà Trịnh, Trịnh Tráng mất, con là Trịnh Tạc lên ngôi đang chịu tang, chúa Nguyễn cho người sang điếu, rồi rút quân về, lưu các tướng đóng đồn từ Sông Lam trở về Nam, đắp luỹ từ núi đến cửa biển để làm thổ phòng ngự.
Sau đợt tấn công đó, quân Nguyễn còn chiếm đất Nghệ An thêm 5 năm nữa, năm Canh Tí (1660) Trịnh mới khôi phục lại được. Từ đó Trịnh và Nguyễn cầm cự nhau suốt hàng chục năm, không phân thắng bại.
Những năm sau đó: Bính Ngọ (1666), Nguyễn Hữu Tiến mất, rồi năm Tân Dậu (1681), Nguyễn Hữu Dật mất, phía chúa Nguyễn bị tổn thất lớn. Riêng đối với Nguyễn Hữu Dật, sau khi chết, dân Quảng Bình tiếc nhớ, gọi là Bồ Tát, lập đền thờ ở Thạch Xá.
Ngoài bài viết về các đời chúa Nguyễn bạn cũng có thể đọc nhiều bài viết hấp dẫn tại chuyên mục Lịch sử triều nhà Nguyễn của pqt.edu.vn
Dưới thời chúa Hiền, nhiều kênh đào dẫn nước tưới ruộng được khơi đào, như Trung Ðan, Mai Xá. Bấy giờ bờ cõi vô sự, thóc được mùa, chúa càng sửa sang chính sự, không xây đài tạ, không cần gái đẹp, bớt nhẹ giao dịch thuế má, trăm họ vui vẻ, mọi người đều khen là đời đời thái bình.
Năm Ðinh Mão (1687) chúa không được khoẻ. Mất năm 68 tuổi, ở ngôi 39 năm, có 6 người con trai.
Chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691)
Nguyễn Phúc Tần có hai bà vợ chính. Bà họ Chu là cả, theo hầu chúa từ khi còn chưa lên ngôi chúa, sinh được hai trai một gái. Con trai là Diễn, được tấn phong Phúc Quận công; thứ hai là Thuần, được phong Hiệp Quận công; con gái là Ngọc Tào.
Bà vợ thứ hai là người họ Tống, quê ở huyện Tống Sơn (Thanh Hoá), là con gái Tống Phúc Khang; người cùng quê với nhà chúa, đã được phong tới Thiếu phó.
Bà vợ họ Tống sinh được hai trai, Nguyễn Phúc Trăn lại là người thứ hai, sinh năm Kỷ Sửu (1649). Khi người con trai cả do bà vợ họ Chu sinh ra chết, Nguyễn Phúc Tần cho rằng Trăn tuy là con bà hai nhưng lớn tuổi hơn và hiền đức, làm phủ đệ tại dinh Tả thuỷ. Nguyễn Phúc Tần mất, Trăn đã 39 tuổi, được nối ngôi chúa, bấy giờ gọi là chúa Nghĩa.
Nguyễn Phúc Trăn nổi tiếng là người rộng rãi, hình phạt và phú thuế đã nhẹ, trăm họ ai cũng vui mừng, quan lại cũ của tiên triều đều được trọng đãi.
Nguyễn Phúc Trăn bắt đầu quy định lại trang phục.
Thời Chúa Nghĩa, quan hệ với người Chân Lạp vẫn rất tốt đẹp sau khi đã giết được kẻ phá đám là Hoàng Tiến (người Hoa). Chúa Nghĩa không thọ được lâu, sau 4 năm cầm quyền, bị bệnh rồi mất năm Tân Mùi (1691) lúc 43 tuổi.
Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725)
Nguyễn Phúc Chu là con cả của Nguyễn Phúc Trăn. Mẹ ông, người họ Tống quê ở huyện Tống Sơn (Thanh Hoá), con của Thiếu phó Quận công Tống Phúc Vinh.
Nguyễn Phúc Chu sinh năm Ất Mão (1675), được cho nuôi ăn học khá cẩn thận vì thế văn hay chữ tốt, đủ tài lược văn võ. Khi nối ngôi chúa mới 17 tuổi, lấy hiệu là Thiên Túng đạo nhân. Ðây là lần đầu tiên chúa Nguyễn lấy hiệu mới mẻ, sùng đạo Phật.
Quả vậy, mới lên chữ chính, chúa rất quan tâm chiêu hiền đãi sĩ, cầu lời nói thẳng, nạp lời can gián, bỏ xa hoa, bớt chi phí, nhẹ thuế má giao dịch, bớt việc hình ngục.
Vừa lên ngôi, chúa cho xây dựng một loạt chùa miếu; mở hội lớn ở chùa Thiên Mụ, chùa núi Mỹ Am. Tự chúa cũng ăn chay ở vườn Côn Gia một tháng trời; chúa phát tiền gạo cho người nghèo thiếu.
Ðây là thời kỳ chiến tranh Trịnh-Nguyễn đã tạm dừng hơn 30 năm, bờ cõi yên ổn. Nguyễn Phúc Chu có điều kiện mở rộng đất đai xuống phía nam và đạt được những thành tựu đáng kể:
Đạt phủ Bình Thuận năm Ðinh Sửu (1697) gồm các đất Phan Rang, Phan Rí trở về Tây, chia làm hai huyện An Phúc và Hoà Ða bắt đầu đặt phủ Gia Ðịnh: chia đất Ðông Phố, lấy xứ Ðồng Nai làm huyện Phục Long, dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hoà), lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng Phiên Trấn, lập xã Minh Hương… Từ đó người Thanh đi lại buôn bán rất sầm uất.
Năm Mậu Tý (1708), chúa dùng Mạc Cửu làm tổng binh trấn Hà Tiên.
Ngoài tư cách là một vị chúa có học vấn cao thể hiện qua chính sự khá toàn diện và cởi mở. Nguyễn Phúc Chu còn là một người làm rất nhiều thơ. Ông có hàng chục bài thơ khóc vợ, tình ý rất tha thiết.
Năm Ất Tỵ (1725) Nguyễn Phúc Chu mất, ở ngôi 34 năm, thọ 51 tuổi. Phúc Chu là chúa đông con nhất: 146 người, cả trai cả gái.
Tham khảo thêm: Chúa Nguyễn Phúc Chu và tầm nhìn vượt thời đại
Chúa Nguyễn Phúc Chú (1725-1738)
Nguyễn Phúc Chú sinh năm Bính Tý (1696), là con bà vợ cả. Lúc đầu Phúc Chú được trao chức Cai cơ Ðỉnh thịnh hầu. Năm Ất Mùi (1715), thăng làm chưởng cơ, làm phủ đệ tại cơ Tả Sùng.
Ðến khi chúa Phúc Chu mất, ông được nối ngôi (năm 1725) khi 30 tuổi, lấy hiệu là Vân Truyền đạo nhân. Nguyễn Phúc Chú ở ngôi được 13 năm thì mất. Trong thời kỳ cầm quyền chúa không có gì nổi bật ngoài hai việc:
Năm Quý Sửu (1733), chúa cho đặt đồng hồ nhập của Tây phương ở các dinh và các đồn tàu dọc biển. Sau đó có Nguyễn Văn Tú đã chế tạo được.
Năm Bính Thìn (1736), Mạc Cửu mất, con trai là Mạc Thiên Tứ được chúa Nguyễn cho làm Ðô đốc trấn Hà Tiên. Tứ có tầm mắt nhìn xa biết rộng: cho miễn thuế, sai đóng ba chiếc thuyền Long bài, xuất dương tìm mua các hàng quý hiếm dâng nộp, mở cục đúc tiền để tiện việc trao đổi.
Thiên Thứ chia đặt nha thuộc, kén bổ quân ngũ, đắp thành luỹ, mở phố chợ, khách buôn các nước đến họp đông đúc.
Ông lại còn vời văn nhân thi sĩ, mở Chiêu An các, ngày ngày cùng nhau giảng bàn và xướng hoạ, để lại 10 bài thơ vịnh cảnh Hà Tiên (Hà Tiên thập vịnh). Sau hợp lại thành tập 320 bài thơ của 25 tác giả Trung Quốc và 6 tác giả Việt Nam.
Năm Mậu Ngọ (1738) chúa Nguyễn Phúc Chú mất, thọ 43 tuổi, ở ngôi 13 năm.
Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765)
Nguyễn Phúc Khoát là con Nguyễn Phúc Chú, sinh năm Giáp Ngọ (1714). Mẹ là người họ Trương ở huyện Tống Sơn, Thanh Hoá, con Trưởng cơ Trương Phúc Phan.
Nguyễn Phúc Khoát là con trưởng, được phong làm chưởng dinh Dinh tiền sứ chính hầu, làm phủ đệ tại Cơ Tiến Dực ở Dương Xuân. Phúc Chú mất, Khoát được lên ngôi khi 25 tuổi, lấy hiệu là Từ Tế đạo nhân.
Nguyễn Phúc Khoát bắt đầu xưng vương. Năm Giáp Tý (1774), đúc ấn Quốc vương, sau đó, ngày Kỷ Mùi, lên ngôi vua ở phủ chính Phú Xuân, ban chiếu bố cáo thiên hạ.
Bộ máy chính quyền từ trên xuống cơ sở, các chức danh, tên gọi cũng thay đổi. Tuy nhiên vua Nguyễn vẫn dùng niên hiệu vua Lê trong các văn bản hành chính. Ðối với các thuộc Cao Miên, Ai Lao, Xiêm… lại xưng là Thiên vương.
Tôn hiệu các đời trước cũng được nâng lên phù hợp với cương vị mới của Quốc vương. Ðối với anh em họ hàng gần thì phong tước Quận công. Hoàng tử, cứ theo thứ tự mà xưng.
Cùng với thay đổi trên, triều phục bách quan cũng thay đổi. Các đơn vị hành chính địa phương cũng một phen thay đổi.
Từ năm Giáp Tuất (1754) để xứng đáng là kinh đô của Nguyễn vương, Phú Xuân được xây dựng thêm hàng loạt điện đài mới theo quy mô đế vương.
Rõ ràng dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, kinh đô Phú Xuân trở thành nơi hội lớn, văn vật thanh dung lừng lẫy, đời trước chưa từng có.
Xây dựng xong kinh đô Chúa sai nhiều văn quan đề vịnh phong cảnh cố đô. Phú Xuân trở thành một thành phố nên thơ từ ngày ấy. Chúa Nguyễn đã đón tiếp các quốc vương láng giềng ở Ðất Phú Xuân.
Nguyễn Phúc Khoát đã tự xưng vương, ở ngôi được 27 năm. Năm Ất Dậu (1765), quốc vương băng, thọ 52 tuổi. Con trai thứ 16 lên nối ngôi.
Xem thêm: Nguyễn Phúc Khoát vị chúa đặt nền móng Đàng Trong suy tàn
Chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777)
Nguyễn Phúc Thuần còn có tên huý là Hân, sinh năm Giáp Tuất (1754), con thứ 16 của Phúc Khoát. Mẹ Phúc Thuần người họ Nguyễn, sinh được hai trai, Phúc Thuần là thứ hai. Năm Giáp Ngọ (1774) bà đi tu ở chùa Phúc Thành, sau đó mất (1804) được truy tôn là Tuệ Tĩnh thánh mẫu Nguyên sư, hiệu là Thiên Long giáo chủ.
Chúa Phúc Khoát lúc đầu lập Hoàng tử thứ 9 tên là Hiệu làm Thái Hoàng tử. Hiệu mất sớm con trai của Hiệu là Hoàng Tôn Dương còn thơ ấu mà Hoàng tử cả là Chương cũng đã mất. Hoàng tử thứ hai là Nguyễn Phúc Luân cũng rất khôi ngô, theo thứ tự sẽ phải lập Hoàng Tôn Dương hoặc Nguyễn Phúc Luân lên ngôi.
Phúc Khoát có ý lập Phúc Luân, nên đã trao Luân cho một thày học nổi tiếng là Trương Văn Hạnh dạy bảo những điều cần thiết cho một người gánh vác ngôi vua.
Phúc Khoát mất, tình hình lại thay đổi. Quyền thần Trương Phúc Loan không muốn lập Nguyễn Phúc Luân và Luân đã lớn tuổi, khó bề lộng hành. Thế là Phúc Loan chọn Phúc Thuần con thứ 16 của Phúc Khoát, mới 12 tuổi lên ngôi.
Phúc Luân không được lập mà bị bắt giam. Nội hữu Trương Văn Hạnh-thầy dạy Phúc Luân cũng bị bắt giết. Phúc Luân không được nối ngôi, lo buồn cho tính mạng mà chết khi tuổi mới 33. Ðến năm Minh Mệnh thứ hai (1821) Luân được truy tôn là Hưng tổ.
Trên đây bạn đã đọc xong tiểu sử 9 vị chúa của các đời chúa Nguyễn. Tồn tại hơn 2 thế kỷ, các chúa Nguyễn đã có những công trạng rất lớn trong quá trình mở rộng lãnh thổ nước ta về phía Nam nhưng cuối cùng cũng không thoát ra ngoài quy luật Thành – Trụ – Dị – Diệt của tạo hóa.
Sự suy vong của nhà chúa Nguyễn
Trải 9 đời chúa, đến đây nhà chúa đã bị nạn quyền thần lấn ướt Phúc Thuần nhỏ tuổi, lại không phải là người được sắp sẵn để lên ngôi, nay thật bỡ ngỡ trên ngai vàng. Mọi quyền hành đều do Trương Phúc Loan sắp đặt.
Loan tự nhận là Quốc Phó, giữ bộ Hộ quản cơ Trung thượng kiêm Tầu vụ. Thực tế Trương Phúc Loan thâu tóm vào tay từ chính sự đến kinh tế. Các nguồn lợi chủ yếu của vương quốc Ðàng Trong đều rơi vào tay Loan.
Thuế sản vật các mỏ vàng Thu Bồn, Ðồng Hương, Trà Sơn, Trà Vân… hàng năm Trương chỉ nộp vào ngân khố 1-2 phân mười số thu được. Các thứ lâm sản thuỷ sản đều chảy vào nhà Trương.
Ngày nắng Loan cho đem phơi của cải quý báu làm sáng rực cả một góc trời! Cả nhà họ Trương chia nhau nắm hết mọi chức vụ chủ chốt. Quyền và tiền họ Trương lấn át cả trong triều ngoài trấn. Có quyền có tiền, Loan mặc sức hoành hành ngang ngược – người bấy giờ gọi là Trương Tần Cối.
Giữa lúc đó, Lại bộ thượng thư Nguyễn Cư Trinh, người có uy tín, tài năng trụ cột của triều Nguyễn qua đời (tháng 5 năm Ðinh Hợi 1767).
Thế là họ Trương không còn ai ngăn cản nữa, càng ra sức làm nhiều việc càn rỡ, chẳng còn kiêng nể gì: bán quan buôn tước, ăn tiền tha tội, hình phạt phiền nhiễu, thuế má nặng nề, thần dân cực khổ và căm giận.
Những người có tâm huyết và tài năng như Tôn Thất Dục, tinh thông kinh sử, thuật số, âm nhạc, bị Loan tìm cách hãm hại. Tài chính kiệt quệ đến nỗi dật sĩ Thuận Hoá là Ngô Thế Lân phải kêu lên triều. Nhưng mọi cố gắng của họ Ngô không được hồi âm.
Giữa lúc đó, anh em Tây Sơn do Nguyễn Nhạc cầm đầu dấy nghĩa ở Quy Nhơn, thanh thế ngày càng lừng lẫy vì được dân chúng đồng tình ủng hộ. Thêm vào đó, tháng 5 năm Giáp Ngọ (1774) Trịnh lại đem đại quân vào đánh Nguyễn.
Tham khảo thêm: Khởi Nghĩa Tây Sơn của Tây Sơn tam kiệt
Cả Tây Sơn lẫn Trịnh đều khẩu hiệu khử quyền thần Trương Phúc Loan và tôn phó Hoàng Tôn Dương. Chiến tranh loạn lạc lại nổ ra, đất Thuận Hoá trước đó trù phú là thế mà nay trăm bề xơ xác la liệt, “mỗi lẻ gạo trị giá một tiền, ngoài đường xác đói, người nhà có khi ăn thịt nhau”.
Trước tình cảnh đó, không còn cách nào khác, tôn thất nhà Nguyễn cùng nhau hợp sức bắt trói Trương Phúc Loan nộp cho quân Trịnh.
Tháng 12 năm 1774, quân Trịnh chiếm được Phú Xuân và đặt quan cai trị Thuận Hoá. Trong số quan lại nhà Trịnh được cử vào Thuận Hoá có Lê Quý Ðôn (1776).
Tây Sơn tìm cách tạm hoà với Trịnh để yên mặt Bắc và có điều kiện đánh Nguyễn ở phía Nam. Ðại quân Tây Sơn cả thuỷ lẫn bộ đánh vào Sài Gòn. Chúa Nguyễn chạy về Ðịnh Tường rồi lại sang Long Xuyên.
Tháng 9 năm Ðinh Dậu (1777) quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ thống lĩnh đánh chiếm Long Xuyên, chúa Nguyễn chết trận. Như vậy Nguyễn Phúc Thuần ở ngôi chúa 12 năm, khi chết mới 24 tuổi, không có con nối.
Đây là bài tổng hợp từ nhiều nguồn, pqt.edu.vn rất mong nhận được những góp ý chân thành từ Quý bạn đọc để bài viết các đời chúa Nguyễn được hoàn thiện hơn nữa.
Trả lời