Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên vị chúa Nguyễn thứ 2
Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635) hay chúa Bụt, Phật chúa, còn gọi Nguyễn Hy Tông, Tuyên Tổ, giữ ngôi chúa: 1613 – 1635. Có giai thoại “Ta không nhận sắc” trong cuộc đời làm chúa của ông thể hiện sự quyết tâm chấn hưng nhà chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
Chúa Tiên Nguyễn Hoàng tuy đã 89 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn, xử lí công việc vẫn tinh tường, ai cũng khâm phục. Ông lại hết sức kín đáo, cả đời không để lộ chí hướng của mình nên đa nghi như Trịnh Tùng cũng chẳng có cớ để triệt ông. Đến trước khi ông mất, người ta mới biết điều ông ấp ủ suốt đời. Hôm đó, sức đã tàn, lực đã kiệt, biết không sống được nữa, ông cho triệu người con trai thứ sáu là Nguyễn Phúc Nguyên đến bên giường bệnh, cầm tay dặn dò:
– Đất Thuận Quảng phía bắc có núi Ngang và sông Gianh hiểm trở, phía nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện lính để chống chọi với họ Trịnh thì xây dựng được cơ nghiệp muôn đời.
Nguyễn Phúc Nguyên cố nén xúc động, rắn rỏi trả lời cha: “Con xin vâng mệnh.” Thấy được ánh mắt đầy nghị lực của con, chúa Tiên Nguyễn Hoàng yên tâm trút hơi thở cuối cùng.
Chúa Tiên có mười người con trai, nhưng xem ra Nguyễn Phúc Nguyên là người có tư chất nhất, từ tuổi thanh niên đã tỏ ra một tay anh kiệt. Năm 1585, khi 22 tuổi, Nguyễn Phúc Nguyên chỉ huy một thuỷ đội đánh đuổi năm chiếc tàu Nhật Bản xâm phạm biển Cửa Việt. Năm 1602 được chúa giao làm trấn thủ Quảng Nam, có nhiều công lao trong việc mở mang thương cảng Hội An và phát triển giao thương với ngoại quốc.
Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên được vua Lê phong cho nối nghiệp cha làm trấn thủ Thuận – Quảng với hàm Thái bảo, tước Quận công. Lúc này, ông đã quá tuổi “tri thiên mệnh”, hành động chín chắn, khôn khéo, xung quanh lại có quân sư Đào Duy Từ và nhiều tướng giỏi như Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật… hết lòng giúp rập.
Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên cho sửa sang thành luỹ, sắp đặt lại hệ thống quan lại, cải tổ bộ máy cai trị, ban hành quy chế mới đối với các phủ, huyện, đo đạc lại ruộng đất làm cơ sở quản lí nông nghiệp… Đối với nhà Lê, khác với cha, ông tìm mọi cách thoái thác việc tiến cống và không giấu ý đồ tách khỏi chính quyền trung ương vua Lê chúa Trịnh.
Năm 1623, nghe tin Trịnh Tùng bị bệnh nặng, con thứ là Trịnh Xuân nổi loạn, đem quân và voi vào phá nội phủ, lại phóng hoả đốt phủ chúa, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên nói với tả hữu:
– Tùng không biết có vua, Xuân không biết có cha, đạo trời ứng báo thật chẳng lầm vậy.
Ngay năm đó Trịnh Tùng mất. Tình hình triều Lê – Trịnh rối ren, dư đảng của nhà Mạc nổi dậy, vua Lê phải vào Thanh Hoá lánh nạn. Các tướng khuyên Nguyễn Phúc Nguyên nên đánh ra Bắc, lấy chiêu bài “phù Lê, diệt Trịnh”. Ông không nghe, bảo:
– Đánh người trong lúc có tang là bất nhân, thừa lúc người lâm nguy mà tấn công là bất võ. Huống chi ta với Trịnh còn có nghĩa thông gia, chi bằng trước hết đem lễ phúng viếng, nhân đó xem xét tình hình, sau sẽ liệu kế.
Mọi người đều khen chúa Nguyễn Phúc Nguyên là người nhân nghĩa, gọi ông là chúa Phật, hoặc chúa Sãi (ý nói không đi tu nhưng cũng là người nhà Phật).
Giai thoại “Ta không nhận sắc” của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên
Ở Đàng Ngoài, Thanh Đô Vương Trịnh Tráng lên thay cha, tỏ ra cứng rắn với họ Nguyễn. Năm Đinh Mão (1627), Trịnh Tráng sai sứ giả vào Thanh Hoá, mượn tiếng vua Lê đòi tiền thuế cũ ba năm trước. Chúa Sãi không nộp. Trịnh Tráng lại sai sứ mang sắc phong của vua Lê, triệu chúa Nguyễn Phúc Nguyên về kinh chầu và mang theo 30 con voi, 30 chiếc thuyền để cống nhà Minh.
Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên không muốn nhận sắc phong, hỏi ý quần thần. Quân sư Đào Duy Từ hiến kế làm một cái mâm đồng hai đáy, giữa đặt sắc phong và tấm thiếp của chúa Sãi ghi một bài thơ bốn câu. Cử Văn Khuông làm chánh sứ đưa phẩm vật ra tạ ơn chúa Trịnh.
Trước khi Khuông đi, Đào quân sư trao cho một túi gấm dặn gặp tình huống nào khó xử, cứ mở cẩm nang ra mà làm theo.
Đến kinh đô yết kiến Thanh Đô Vương Trịnh Tráng, Văn Khuông đối đáp câu nào cũng trôi chảy, cứng cỏi, giữ được thể diện cho chúa Sãi. Trịnh Tráng rất khen ngợi, cử người đưa Văn Khuông đi ngắm cảnh kinh kì để thấy sự phồn vinh của Đàng Ngoài. Lại đưa đi xem cả các doanh trại, kho vũ khí, quân lương, có ý phô trương sức mạnh. Đêm về, Văn Khuông mở cẩm nang ra xem, lập tức cho người chuẩn bị hành lí rồi đang đêm trốn khỏi sứ quán.
Khi Trịnh Tráng biết chuyện thì đoàn người đã đi xa. Sực nhớ đến chiếc mâm đồng lễ vật, ông sinh nghi, sai người xem lại thật kĩ thì phát hiện ra mâm hai đáy. Lấy mũi kiếm cạy ra thì thấy ở ngăn dưới có tờ sắc phong của vua Lê chưa mở, và tờ thiếp đóng triện của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên trên có bốn câu thơ:
Mâu di vô dịch
Mịch phi kiến tích
Ái lạc tâm trường
Lực lai tương địch.
Dịch nghĩa:
Cái xà mâu không có mấu
Tìm không thấy dấu
Yêu rơi cả lòng ruột
Sức đến thì cũng đánh.
Đọc lên thấy vô nghĩa. Cả triều đình nghĩ mãi chẳng luận ra. Trịnh Tráng phải cho người về làng Phùng Xá, triệu Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, vốn là học trò của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm lúc này đã về quê trí sĩ để nhờ đọc giúp. Đọc xong, Trạng Bùng nói:
– Đây là kiểu chơi chữ. Phi Đào Duy Từ không ai ở Thuận Quảng bày ra được trò này.
Rồi ông giảng giải:
– Chữ “mâu” không có dấu phẩy (cái mấu) thành chữ “dư”; chữ “mịch” không có chữ kiến là chữ “bất”; chữ “ái” rơi mất chữ “tâm” là chữ “thụ”; chữ “lực” và chữ “lai” địch nhau thành chữ “sắc”. Ghép lại, tờ thiếp có bốn chữ “Dư bất thụ sắc”, nghĩa là: “Ta không nhận sắc”.
Trịnh Tráng nổi giận, vỗ bàn đứng dậy quên cả tạ ơn cụ Trạng vất vả về triều. “Hắn ra mặt rồi đây! Phải cho hắn biết tay ta!”
Trong khi đó, tại phủ chúa Sãi, nghe Văn Khuông thuật chuyện, mọi người phá lên cười. Ai nấy đều khoái trá đã chọc giận được Thanh Đô Vương Trịnh Tráng, người lúc nào cũng tỏ ra khinh khi chúa Nguyễn.
(Ở đây xin mở một dấu ngoặc. Chuyện này xảy ra năm 1627 và được ghi trong sử nhà Nguyễn; có thể người viết sử đã đưa cụ Trạng Bùng vào câu chuyện cho thêm sinh động, hoặc để thêm phần hài hước mà thôi. Trong thực tế, Phùng Khắc Khoan đã mất từ nhiều năm trước đó – 1613).
Điểm lại tình hình, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên thấy binh đã đủ hùng, tướng đã đủ mạnh, quân lương đã dư dả, thành lũy đã kiên cố, lòng dân đã hướng theo nên sẵn sàng bước vào cuộc chiến để “xây cơ nghiệp muôn đời” như lời cha dặn.
Một mặt tích cực chuẩn bị chiến tranh, mặt khác chúa Sãi chủ trương thân thiện với các lân bang: gả con gái là quận chúa Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp, quận chúa Ngọc Hoa cho vua Chămpa để kết tình hoà hiếu, tạo điều kiện cho việc mở rộng lãnh thổ về sau.
Tháng Mười năm Ất Hợi (1635) chúa Sãi thấy trong người không được khỏe, ông cho triệu thế tử Nguyễn Phúc Lan (con trai thứ hai của ông với bà chính thất Mạc Thị Giai, con gái tướng Mạc Kính Điển nhà Mạc) và em ruột là Nguyễn Phúc Khê vào chầu. Chúa Sãi dặn em:
– Ta vâng nối nghiệp trước, chí ta cốt trên giúp nhà vua, dưới cứu sinh dân. Nay thế tử chưa lịch duyệt, mọi việc lớn quân quốc ta uỷ hết cho hiền đệ quyết định.
Khê khóc:
– Thần đâu dám không đem hết sức ngựa hèn để lo báo đáp.
Chúa Sãi nghe xong, khẽ gật đầu rồi nhắm mắt ra đi, ở ngôi 22 năm, thọ 73 tuổi. Sau này, triều Nguyễn suy tôn ông là Hi Tông Hiếu Văn Hoàng Đế.
Nhận lời ủy thác của anh, Nguyễn Phúc Khê hết sức giữ ngôi chúa cho Nguyễn Phúc Lan, thường được gọi là chúa Thượng. Khi người em Nguyễn Phúc Anh, con trai thứ tư của chúa Sãi làm phản, dấy binh định cướp ngôi của anh, chúa Thượng mời chú đến, vừa khóc vừa nói:
– Cháu muốn nhường ngôi cho Dương Nghĩa hầu (tước của Phúc Anh) để anh em khỏi sinh sự tranh giành..
Phúc Khê nghe nói bừng bừng lửa giận:
– Dương Nghĩa hầu là đồ lục súc, không nghĩ gì đến công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ. Nay hắn dấy binh làm loạn, tội khó dung tha còn hồ nghi gì nữa.
Đoạn, ông điểm binh xông pha tên đạn bắt bằng được Phúc Anh và đồng bọn tạo phản, rồi tâu chúa Thượng:
– Anh em là tình riêng, chúa tôi là phép công. Nguyễn Phúc Anh phản nghịch, phải chém đầu để răn bọn loạn tặc
Chúa Thượng đành phải gạt nước mắt nghe theo. Tình riêng đâu có thay được phép công là thế!
Từ đây hai bên Đàng Trong – Đàng Ngoài chiến tranh liên miên, dân chúng bắt đầu khổ sở. Mời bạn đọc xem tiếp chi tiết về chiến sự Trịnh Nguyễn phân tranh