Tiến trình lịch sử địa phương tỉnh Quảng Trị từ thời tiền sử đến nay
Kiến thức lịch sử địa phương Quảng Trị dưới đây phần lớn được trích nguồn từ sách Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Quảng Trị. Ở bài viết này pqt.edu.vn sẽ trình bày tóm tắt tiến trình lịch sử địa phương tỉnh Quảng Trị từ cội nguồn tiền sử đến nay và các sự kiện lịch sử diễn ra trên mảnh đất Quảng Trị.
Quảng Trị thời Tiền – sơ sử và thời Hùng Vương
Quảng Trị là nơi hội tụ nhiều nền văn hoá của con người thời tiền, sơ sử. Dấu vết để lại ở: Khe Sanh, Cù Bai, Tà Păng, Sê Pu (Hướng Hoá); Tân Lâm (Cam Lộ); Vạn Kim, Ðộng Trụi, Cồn Tiên (Gio Linh); Bình Tra – Cổ Luỹ (Vĩnh Linh); Trà Lộc (Hải Lăng),…
Quảng Trị thuộc bộ Việt Thường – một trong 15 bộ của nước Văn Lang, Âu Lạc.
Quảng Trị thời Lý – Trần – Hồ – Lê sơ và Bắc thuộc – Lâm Ấp
– Năm 1069, châu Ma Linh (Vĩnh Linh, Gio Linh, một phần Cam Lộ và một phần Đông Hà (phía bắc sông Hiếu) ngày nay) trở thành lãnh thổ Đại Việt. Năm 1306, thêm châu Ô (trong đó có phần đất Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị và một phần thành phố Ðông Hà (phía nam sông Hiếu) ngày nay) thuộc Đại Việt.
– Các triều đại Lý, Trần, Hồ, Lê sơ tổ chức, khuyến khích di dân khai phá vùng đất mới. Người dân nơi đây vừa xây dựng, vừa chiến đấu bảo vệ quê hương.
– Từ 179 TCN – 192: Quảng Trị thuộc một phần của huyện Tỉ Ảnh và toàn bộ huyện Chu Ngô của quận Nhật Nam.
– Từ 192: Quảng Trị thuộc châu Ma Linh và châu Ô của Vương quốc Chăm – pa.
Tình hình lịch sử Quảng Trị thời kì 1558 – 1930
– Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá. Huyện Vũ Xương trở thành thủ phủ Chúa Nguyễn trong 68 năm (1558 – 1626). Suốt thế kỉ XVII – XVIII, vùng đất Quảng Trị trở thành chiến trường giữa các tập đoàn phong kiến. Người dân phải chịu nhiều khổ sở vì binh đao, loạn li, mất mùa, đói kém.
– Dưới thời nhà Nguyễn, nhờ sự ổn định về chính trị nên kinh tế – xã hội vùng Quảng Trị phát triển. Năm 1801, dinh Quảng Trị được thành lập. Tên Quảng Trị xuất hiện từ đó.
– Trong những năm 1858 – 1930, nhân dân Quảng Trị tích cực hưởng ứng phong trào Cần vương và các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược.
Tình hình lịch sử Quảng Trị thời kì 1930 – 2020
– Từ năm 1930, nhân dân Quảng Trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kiên cường đấu tranh giành thắng lợi to lớn trong các phong trào 1930 – 1931, 1936 – 1939 và tiến đến giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, cùng với cả nước trường kì kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mĩ, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải kí Hiệp định Giơnevơ.
– Trong thời kì kháng chiến chống đế quốc Mĩ, Quảng Trị là chiến trường khốc liệt. Nhân dân Quảng Trị vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội (phía bắc sông Bến Hải) vừa tiếp tục đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân (phía nam sông Bến Hải).
– Sau khi đất nước hoà bình, thống nhất, xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là từ sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện đường lối đổi mới (1986) và tái lập tỉnh (1 – 7 – 1989), Quảng Trị đã có những bước phát triển căn bản về nhiều mặt. Các cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội không ngừng phát triển. Lĩnh vực văn hoá – xã hội cũng có nhiều chuyển biến đi lên. Đời sống mọi mặt của người dân Quảng Trị không ngừng được cải thiện, ngày càng được nâng cao,…
Các sự kiện lịch sử quan trọng diễn ra trên đất Quảng Trị
Địa phương Quảng Trị có một bề dày lịch sử. Trong tiến trình lịch sử của đất nước, Quảng Trị đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc và sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nhiều sự kiện lịch sử quan trọng diễn ra trên đất Quảng Trị không những có ý nghĩa đối với lịch sử địa phương mà còn có tác động lớn đến tiến trình lịch sử dân tộc.
Nguyễn Hoàng trấn thủ Thuận Hóa
Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá. Trong suốt một thời gian dài 68 năm (1558 – 1626), dinh phủ của chúa Nguyễn được thiết lập tại ba địa điểm trên vùng đất Ái Tử – Trà Bát nằm ven bờ tây sông Thạch Hãn:
Lần thứ nhất ở cồn cát làng Ái Tử nên gọi là dinh Ái Tử (1558 – 1570), lần thứ hai và thứ ba trên cồn cát làng Trà Bát nên gọi là dinh Trà Bát (1570 – 1600) và dinh Cát (1600 – 1626).
Phong trào Cần vương ở Quảng Trị
Sau Hiệp ước Hácmăng (1883) và Hiệp ước Patơnốt (1884), để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài khi có chiến sự xảy ra, phe chủ chiến ở triều đình Huế ra sức xây dựng căn cứ sơn phòng ở vùng rừng núi của nhiều địa phương. Trong đó, lấy Tân Sở (Cùa, Cam Lộ, Quảng Trị) làm trung tâm, có thể trở thành “kinh đô” dã chiến trong trường hợp kinh thành Huế thất thủ và phải rời bỏ Huế.
Từ năm 1883, căn cứ Tân Sở bắt đầu được xây dựng trên một quả đồi thấp ở vị trí trung tâm vùng Cùa, nằm giữa ranh giới hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa, trên phần đất các thôn Bảng Sơn, Phương An, Mai Lộc, Mai Đàn, Lộc An. Đến đầu năm 1885, căn cứ Tân Sở được hoàn thành.
Sau cuộc phản công quân Pháp tại Kinh thành Huế thất bại, trưa ngày 5 – 7 – 1885, Tôn Thất Thuyết cùng phái chủ chiến vội vã hộ tống vua Hàm Nghi ra Quảng Trị, quyết tâm tiếp tục cuộc chiến đấu.
Ngày 9 – 7 – 1885, Tôn Thất Thuyết rước vua Hàm Nghi lên Tân Sở. Tại đây, ngày 13 – 7 – 1885, vua Hàm Nghi ra Dụ Cần vương kêu gọi quan lại, sĩ phu cùng toàn dân đứng lên giúp vua, diệt giặc cứu nước. Dụ Cần vương thổi bùng ngọn lửa yêu nước trong nhân dân, tạo thành một phong trào vũ trang chống Pháp sôi nổi, liên tục kéo dài hơn 10 năm mới chấm dứt.
Giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ
Bước sang năm 1972, lực lượng quân đội Sài Gòn ngày càng suy yếu, quân Mĩ rơi vào tình thế lúng túng nhưng mưu đồ áp đặt chế độ thực dân mới ở Việt Nam của chúng không thay đổi.
Thực hiện nhiệm vụ của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương và Bộ Tư lệnh chiến dịch Trị Thiên, Tỉnh uỷ Quảng Trị và Ban Chỉ huy tỉnh đội Quảng Trị họp, đề ra nhiệm vụ: phối hợp chặt chẽ với đòn tiến công của chủ lực, phát huy cao độ đòn nổi dậy của quần chúng, tiêu diệt và làm tan rã hệ thống kìm kẹp của địch, hình thành mặt trận tiến công rộng khắp nhằm tiêu diệt, làm tan rã lực lượng bảo an, dân vệ, ngụy quyền, từng bước giải phóng đất đai, tiến tới giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị.
Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30 – 3 – 1972, chiến dịch tiến công Quảng Trị mở màn. Với sức mạnh tiến công, nổi dậy và hợp đồng quân binh chủng, sau hơn một tháng, bộ đội chủ lực cùng với quân và dân Quảng Trị đã chọc thủng tuyến phòng thủ Quảng Trị – “con đê ngăn chặn” vững chắc nhất ở miền Nam Việt Nam của Mĩ và chính quyền Sài Gòn, giải phóng các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà, Triệu Phong.
Ngày 1 – 5 – 1972, quân địch phải rút khỏi thị xã Quảng Trị. Quảng Trị là tỉnh đầu tiên ở miền Nam được giải phóng.
Tóm tắt lịch sử tỉnh Quảng Trị qua các tài liệu tổng hợp
Theo ghi chép của các bộ sách thuộc khối tài liệu Triều Nguyễn, thời Hùng Vương dựng nước, vùng đất Quảng Trị nằm trong bộ Việt Thường và đến khi thuộc Hán, nằm ở quận Nhật Nam.
Từ thế kỷ IV đến thế kỷ X, cả khu vực này là các châu Ma Linh, Địa Lý, Ô, Lý. Năm 1075, vua Lý Nhân Tông cho đổi châu Địa Lý thành châu Lâm Bình, châu Ma Linh thành châu Minh Linh.
Năm 1307, sau cuộc hôn nhân giữa công chúa Huyền Trân và vua Chiêm Thành là Chế Mân, hai châu Ô và Lý trở thành một phần lãnh thổ của quốc gia Đại Việt; Vua Trần Anh Tông đã cho đổi châu Ô, Lý thành châu Thuận và Hóa. Đến thời nhà Lê đời vua Lê Thánh Tông đã cho định bản đồ cả nước thành 12 Thừa tuyên, Thừa tuyên Thuận Hóa bao gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa đã đóng dinh ở Ái Tử, huyện Vũ Xương (huyện Triệu Phong ngày nay). Thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh thì Quảng Trị thuộc xứ Đàng Trong của các Chúa Nguyễn.
Năm 1801, chúa Nguyễn Phúc Ánh đã cho lập Dinh Quảng Trị. Đến năm 1831, vua Minh Mạng đã cho lập tỉnh Quảng Trị.
Đến thời thuộc Pháp, sau khi nắm được quyền kiểm soát Đông Dương, ngày 3 tháng 5 năm 1890, Toàn quyền Đông Dương Jules Georges Piquet ra Nghị định hợp Quảng Trị với tỉnh Quảng Bình thành tỉnh Bình Trị.
Ngày 23 tháng 1 năm 1896, Toàn quyền Paul Armand Rousseau ra Nghị định rút Quảng Trị ra khỏi địa hạt thuộc quyền Công sứ Đồng Hới, cùng Thừa Thiên dưới quyền Công sứ Trung Kỳ, đặt một phó Công sứ đại diện cho Khâm sứ ở Quảng Trị.
Đến năm 1900, Toàn quyền Paul Doumer ra Nghị định tách Quảng Trị ra khỏi Thừa Thiên lập thành một tỉnh riêng biệt gồm 4 phủ: Triệu Phong (Thuận Xương cũ), Hải Lăng, Vĩnh Linh (Chiêu Linh cũ) Cam Lộ và huyện Gio Linh.
Ngày 05/9/1929, Khâm sứ Trung kỳ đã ra Nghị định thành lập Khu trung tâm thị xã Đông Hà.
Cách mạng tháng Tám thành công, các đơn vị hành chính cấp phủ đổi thành cấp huyện, bỏ đơn vị hành chính tổng và lập cấp xã.
Cuối tháng 7 năm 1954, theo Hiệp định Genève, sông Bến Hải được chọn làm giới tuyến quân sự tạm thời chia đôi tỉnh Quảng Trị. Đại bộ phận các huyện, thị xã, thị trấn và một số thôn xã của Vĩnh Linh ở phía Nam giới tuyến do Chính quyền Việt Nam cộng hòa quản lý.
Hơn ¾ huyện Vĩnh Linh nằm ở phía Bắc giới tuyến do nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quản lý và trở thành đặc khu Vĩnh Linh trực thuộc trung ương.
Sau khi thống nhất nước nhà năm 1976, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và Vĩnh Linh được sáp nhập thành tỉnh Bình Trị Thiên. Năm 1989 tỉnh Quảng Trị được lập lại.
Trải qua thời gian, lịch sử tỉnh Quảng Trị có nhiều thay đổi về tên gọi và địa giới hành chính nhưng các địa danh như Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh, Đông Hà,… vẫn luôn hiện hữu và tạc vào lịch sử của một vùng đất anh hùng.
Câu hỏi thường gặp về lịch sử địa phương Quảng Trị
Kể tên các di tích lịch sử ở Quảng Trị?
Tỉnh Quảng Trị có các di tích lịch sử nổi tiếng sau:
1. Thành cổ Quảng Trị
1. Địa đạo Vĩnh Mốc
3. Cầu Hiền Lương – Sông Bến Hải
4. Nhà tù Lao Bảo
5. Sân bay Tà Cơn – Khe Sanh
6. Căn cứ Cồn Tiên – Dốc Miếu…
Quá trình chia tách và sáp nhập tỉnh Quảng Trị?
Câu hỏi này tương đương câu tên gọi tỉnh Quảng Trị qua các thời kỳ, trả lời như sau:
Năm 1801, sau khi giành lại được chính quyền, Nguyễn Ánh đã lập dinh Quảng Trị. Năm 1827 Quảng Trị đổi là trấn.
Năm 1832 trấn Quảng Trị đổi là tỉnh.
Năm 1853 hợp nhất tỉnh Quảng Trị với phủ Thừa Thiên thành đạo Quảng Trị.
Năm 1876 lập lại tỉnh Quảng Trị gồm 2 phủ Triệu Phong, Cam Lộ và 4 huyện.
Năm 1890, toàn quyền Đông Dương lại ra nghị định hợp Quảng Trị với tỉnh Quảng Bình thành tỉnh Bình Trị, dưới quyền công sứ Đồng Hới.
Năm 1896, toàn quyền Đông Dương ra nghị định rút Quảng Trị ra khỏi địa hạt thuộc quyền công sứ Đồng Hới, cùng Thừa Thiên dưới quyền Khâm sứ Trung Kỳ.
Sau 1945, các đơn vị hành chính cấp phủ đổi thành cấp huyện, bỏ đơn vị hành chính cấp tổng, thành lập cấp xã. Cuối tháng 7-1954, theo Hiệp định Giơnevơ, sông Hiền Lương được chọn làm giới tuyến quân sự tạm thời chia đôi tỉnh Quảng Trị.
Năm 1976, bốn đơn vị hành chính Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh được sáp nhập thành tỉnh Bình Trị Thiên.
Tháng 7-1989, chia tỉnh Bình Trị Thiên thành Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Từ đó đến này tỉnh Quảng Trị vẫn giữ nguyên.
Tài liệu lịch sử địa phương Quảng Trị thuộc chương trình lớp nào?
Thông tin về lịch sử địa phương Quảng Trị trên đây có thể dùng tham khảo cho lớp 12, lớp 11, lớp 10, lớp 9, lớp 8, lớp 7, lớp 6, lớp 5, lớp 4, lớp 3, lớp 2, lớp 1.
Để lại một bình luận