Giới thiệu về Ngô gia văn phái
Ngô gia văn phái là một nhóm gồm 20 nhà văn Việt Nam thuộc dòng họ Ngô Thì ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội).
Ngô gia văn phái cũng có thể hiểu là tên một bộ sách tập hợp các tác phẩm của các thành viên trong Ngô gia văn phái. Bộ sách do Ngô Thì Trí (đời 34, em trai Ngô Thì Nhậm) đề xướng và khởi công biên soạn tập đầu tiên, Ngô Thì Điển (đời 35, con Ngô Thì Nhậm) làm công tác biên tập.
(Ngô Thì còn được gọi là Ngô Thời, do kiêng húy tên thủa nhỏ của vua Tự Đức là Phúc Thì nên chữ Thì 時 đọc trại thành Thời)
Ngô Chi Thất và Ngô Trân là người đề xướng và dựng nên Văn phái, về sau được mệnh danh là Ngô gia văn phái, gồm tổng cộng 20 tác giả thuộc 9 thế hệ, trên dưới 200 năm, từ đầu thế kỷ thứ 17 đến đầu thế kỷ thứ 20.
Về sau, các trước tác của 15 trong số 20 thành viên Ngô gia Văn phái được tập hợp lại thành bộ sách gồm 36 quyển, cũng mang tên Ngô gia Văn phái. (Do đó phần dưới bài viết chúng tôi sẽ nhắc đến là 15 thành viên thay vì 20)
Các trước tác đều bằng chữ Hán, bao gồm đủ các thể loại, nhiều nhất là thơ, rồi tới phú, truyện ký, tự, bạt, khải, biểu, tấu, sớ…
Trong bộ sách Ngô gia Văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí là tác phẩm tiêu biểu nhất. “Hoàng Lê nhất thống chí” có nghĩa là ghi chép sự nghiệp thống nhất đất nước của nhà Lê – chấm dứt cảnh Đàng ngoài, Đàng trong chia cắt đất nước.
Tạp chí Hán Nôm, Số 3 (76) 2006; Tr.3-12 viết rằng:
Với một nội dung phong phú như thế, Ngô gia văn phái quả đã tạo dựng được một khuôn thước riêng, dù có thể chưa lớn lắm. Đó là tính nghị luận sắc sảo, chất ký sự phong phú và đa dạng, tính trào phúng nhẹ nhàng mà sâu sắc và nhất là tính trữ tình đằm thắm, nồng đậm. Đặc biệt Ngô gia văn phái đã đạt đến đỉnh cao ở một số thể loại, như phú, truyện chương hồi, thơ tình yêu. Hoàng Lê nhất thống chí, Khuê ai lục, phú của Ngô Thì Nhậm là những tác phẩm như vậy.
Chuyện kể về tác giả và sự hình thành Ngô gia văn phái
Năm 1788, bị tướng Tây Sơn là Vũ Văn Nhậm đánh cho thua, vua tôi Lê Chiêu Thống phải bỏ Thăng Long chạy tháo thân. Trong số những bề tôi theo vua lên mạn Bắc mưu sự khôi phục, có Ngô Thì Chí, con trai thứ hai của danh sĩ Bắc Hà Ngô Thì Sĩ. Chí quả là một bề tôi trung hậu. Trong những ngày lận đận theo vua đi lánh nạn, mặc dù lòng người chán nản, nhiều kẻ bỏ đi, ông vẫn một lòng phò tá.
Ông đã dâng vua bản Hưng trung sách, bàn kế khôi phục nhà Lê. Vua Lê Chiêu Thống mừng lắm, sai ông lên Lạng Sơn, nơi cha ông làm Đốc trấn trước đấy để chiêu mộ quân chống lại Tây Sơn. Nhưng ông đã bị ốm nặng lúc trong lúc đi đường và mất khi đến Gia Bình (Bắc Ninh).
Ngô Thì Chí qua đời khi mới 35 tuổi, trong lúc tài năng đang độ chín. Đáng tiếc nhất là ông mất đi khi đang viết dở cuốn tiểu thuyết Hoàng Lê nhất thống chí viết về thời vua Lê chúa Trịnh, thuộc Ngô gia văn phái
Cuốn sách mở đầu bằng việc chúa Tĩnh Đô sủng ái Đặng Thị Huệ, vốn là một nữ tì xuất thân hái chè ở làng Phù Đổng, được đưa lên làm Tuyên phi, giữ địa vị chính cung. Rồi đến chuyện gã Đặng Lân, em Tuyên phi ỷ thế chị làm càn, hãm hiếp đàn bà con gái, giết mệnh quan của triều đình ngay giữa ban ngày. Rồi nào là việc kiêu binh náo loạn sau khi chúa Trịnh Sâm chết, chúa Trịnh Tông dựa vào họ để cướp ngôi vị của chúa em…
Đặc biệt là chuyện Nguyễn Huệ ra Bắc với chiêu bài phù Lê diệt Trịnh, được vua Hiển Tông gả công chúa Ngọc Hân cho. Sau đó, khi vua Hiển Tông băng hà, Huệ đã chịu nghe lời vợ để cho vua Chiêu Thống lên ngôi.
Nhưng rồi Nguyễn Huệ theo anh bí mật rút về Nam, họ Trịnh lại nhân cơ hội trỗi dậy, khiến vua Lê phải vời đến tướng Tây Sơn là Nguyễn Hữu Chỉnh vốn bị Nguyễn Huệ bỏ lại bơ vơ làm hậu thuẫn, đánh đuổi Trịnh Bồng.
Vua Lê được dịp trả thù, sai người phóng hỏa đốt phủ chúa, thiêu hủy hết các lâu đài, cung khuyết. Ngô Thì Chí còn nhớ nguyên tâm trạng xót xa của mình khi viết đến chuyện này…Nhưng nào đã yên.
Thế rồi Nguyễn Hữu Chỉnh, vốn là tay tráo trở, ỷ thế lộng hành, khiến cho Tây Sơn lại phải động binh, sai Vũ Văn Nhậm ra hỏi tội. Vua Lê tưởng Chỉnh tài giỏi thế nào, nên đã dựa vào Chỉnh để chống lại Tây Sơn.
Nào ngờ chỉ một trận đã bị Nhậm đánh cho thua, để đến nông nỗi Chỉnh bị bắt, vua Lê và bề tôi (còn lại được mấy người tâm phúc!) phải bỏ Thăng Long chạy thoát thân. Ôi! Đến khi nào mới khôi phục được cơ đồ nhà Lê? Đến bao giờ mới yên để ông lại được viết tiếp câu chuyện Hoàng Lê nhất thống chí của mình?…
Biết bao sự tiếc nuối đã theo Ngô Thì Chí ra đi. Thật tiếc cho ông, nhưng cũng thật mừng cho tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí mà ông đã bắt đầu, khi về sau trong dòng họ có những người tiếp nối ông hoàn thành cuốn sách, một kiệt tác văn chương của dòng họ Ngô Thì mà cũng là của nước ta.
Trong số những người ấy có Ngô Thì Trí, em trai ông, người con thứ sáu của Ngô Thì Sĩ. Ngô Thì Trí sinh năm 1766, kém Ngô Thì Chí 13 tuổi.
Cũng như các anh, Thì Trí lớn lên trong bối cảnh nhiễu nhương thời vua Lê chúa Trịnh. Đến tuổi trưởng thành, ông ra làm quan cho nhà Lê Trung hưng, giữ việc biên soạn, tu thư ở sử quán.
Năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai. Khác với anh Chí đi theo vua Lê, Ngô Thì Trí ở lại làm quan cho Tây Sơn. Sau khi nhà Tây Sơn bị Nguyễn Ánh tiêu diệt, ông về sống ẩn ở quê nhà.
Ngô Thì Trí viết không nhiều, để lại ít trước tác, nhưng là người có công lớn với dòng họ Ngô Thì nói riêng và văn học nước nhà nói chung, khi đề xướng và khởi công biên soạn các tác phẩm của dòng họ mình, trong đó có Hoàng Lê nhất thống chí. Nhờ đó mà ngày nay nước ta còn lại được bộ Ngô gia văn phái đồ sộ.
Góp mặt trong bộ sách có 15 thành viên của dòng họ, bắt đầu từ Ngô Thì Ức (1709-1736), tác giả hai bộ sách ngâm vịnh cùng bạn bè và về sông núi.
Người tiếp theo không phải ai khác, mà chính là Ngô Thì Sĩ (1726-1780), con trai của cụ Ức. Ông làm quan nhà Lê, trải đến chức Đốc trấn Lạng Sơn, đồng thời là một danh sĩ thế kỉ 18. Ông để lại nhiều tác phẩm, trong đó Việt sử tiêu án là một cuốn sách thú vị, còn được đọc đến ngày nay.
“Con hơn cha là nhà có phúc”, câu nói ấy càng đúng với thế hệ thứ ba dòng họ Ngô Thì. Các con ông Sĩ, không kể Chí thứ hai và Trí thứ sáu mà ta đã nói ở trên, còn một người nữa – có thể nói một trong những tên tuổi lừng lẫy nhất thời Tây Sơn. Đó là Ngô Thì Nhậm, cháu đích tôn của cụ Ngô Thì Ức, con trai cả của Ngô Thì Sĩ, anh của Ngô Thì Chí và Ngô Thì Trí!
Danh sĩ Ngô Thì Nhậm (1746-1803) từng làm quan nhà Lê, nhưng được biết đến nhiều nhất với việc giúp triều Tây Sơn đánh lui quân Thanh xâm lược. Tác phẩm của ông là một phần quan trọng trong Ngô gia văn phái.
Trong số 15 thành viên sáng giá của dòng họ, không thể không kể đến Ngô Thì Điển (?-?), người biên tập bộ sách, và Ngô Thì Du (1772-1840), người viết tiếp 7 hồi Hoàng Lê nhất thống chí. (Đến nay, các nhà nghiên cứu đã khẳng định được 7 hồi đầu của kiệt tác này là do Ngô Thì Chí viết; 7 hồi tiếp theo có thể là do Ngô Thì Du; 3 hồi cuối cùng có tính chất chắp vá, lại có cả những sự việc thời Tự Đức, có thể là do Ngô Thì Thuyết hoặc một tác giả vô danh khác viết).
Người thứ 15 và cũng là cuối cùng của Ngô gia văn phái là Ngô Thì Giai (1818-1881). Ông là danh sĩ đời vua Tự Đức, người cuối cùng được biên chép trong bộ sách này.
Ngô gia văn phái là bộ sách có tính sưu tập, nhằm nêu cao truyền thống văn hóa, văn học của họ Ngô Thì.
Các trước tác đều bằng chữ Hán, gồm đủ các thể loại: thơ, phú, truyện kí, tự, bạt, khải, biểu, tấu,sớ…Mặc dù vậy, Ngô gia văn phái đã phản ánh được rất nhiều mặt của đời sống xã hội lúc bấy giờ, trải qua các thời Lê mạt, Tây Sơn và nhà Nguyễn (nửa cuối thế kỉ 18 đến đầu thế kỉ 19).
Cùng thời với họ Ngô Thì ở Tả Thanh Oai, có thể kể đến họ Nguyễn ở Tiên Điền (Hà Tĩnh), họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu (Hà Tĩnh). Nhưng có lẽ không một dòng họ nào ở nước ta có đông đảo người sáng tác, trước tác với một quy mô rộng lớn và phong phú như họ Ngô Thì ở làng Tả Thanh Oai. Đó cũng chính là yếu tố làm nên giá trị của Ngô gia văn phái này, bên cạnh một báu vật khác là tiểu thuyết Hoàng Lê nhất thống chí trong lịch sử văn học nước nhà.
Tóm tắt tiểu sử 20 tác giả thành viên Ngô gia văn phái
Như đã nói ở trên, tác giả Ngô gia văn phái thì gồm tổng cộng 20 thành viên, nhưng tuyệt phẩm Ngô gia văn phái thì được tổng hợp từ các tác phẩm của 15 tác giả họ Ngô Thì. Dưới đây pqt.edu.vn sẽ trình lí lịch trích ngang của 20 tác giả Ngô gia văn phái.
1. Ngô Chi Thất
Ngôn Chi Thất (1635 – 1713) là con trai Kiêm thọ Hầu Ngô Đức Phú. Ông đỗ đầu khoa Sỹ vọng rồi tiếp đỗ đầu khoa Hoành từ, làm quan đến Hộ bộ Tả Thị lang, tước Thê Hiển Hầu. Ông sinh 6 con trai, trong đó Ngô Đình Thạc và Ngô Đình Chất đỗ Tiến sỹ, làm quan đến Thượng thư, tước Quận công. Cả 2 người đều là thành viên Ngô gia Văn Phái.
Ông là 1 trong 2 người khởi xướng và dựng nên Văn phái của Ngô gia.
2. Ngô Tuấn Dị
Ngô Tuấn Dị (1655 – ?), tự Minh Tuệ, con Ngô Hữu Mỹ, cháu nội Ngô Đức Tuấn. 34 tuổi đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Mậu Thìn niên hiệu Chính Hoà năm thứ 9 (1688), làm quan đến chức Hàn lâm viện Hiệu thảo, Thị lang. Họ Ngô Thì – Tả Thanh Oai có 7 vị đỗ Đại khoa liên tiếp, Ngô Tuấn Dị là người mở đầu.
3. Ngô Đình Thạc
Ngô Đình Thạc (1678 – 1740) còn có tên là Ngô Đình Oanh, tự Nhân Trai, con thứ Ngô Chi Thất, anh Tiến sỹ Xuyên Quận công Ngô Đình Chất.
4. Ngô Đình Chất
Ngô Đình Chất (1686 – 1758) còn có tên là Ngô Đình Oánh, tự Hồng Lượng, hiệu Thận Tra, con trai Thế Hiển Hầu Ngô Chi Thất, em Thượng thư Tiến sĩ Ngô Đình Thạc.
5. Ngô Trân
Ngô Trân (1671 – 1761) tự Đan Nhạc, con Ngô Vân (tức Ngô Thông Đạt), là thân phụ của Ngô Thì Ức, ông nội Ngô Thì Sỹ. Là người nổi tiếng về sức học uyên bác và tài văn chương, được người đương thời liệt là một trong “bảy con hổ của kinh thành Thăng Long” (Trường An thất hổ). Ông là người cùng Ngô Chi Thất đề xướng và dựng nên Ngô gia Văn phái.
6. Ngô Thì Ức
Ngô Thì Ức (1709 – 1736) hiệu Tuyết Trai cư sĩ, là con trai Ngô Trân, thân phụ Ngô Thì Sĩ, Ngô Tưởng Đạo và là ông nội Ngô Thì Nhậm.
Tác phẩm chính của ông gồm:
– Nam trình liên vịnh tập (Tập thơ ngâm nối vần cùng bạn trên hành trình về phía Nam). Trong tập có bài đề tựa của con ông là Ngô Thì Sĩ.
– Nghi vịnh thi tập (Tập thơ vịnh thú sông Nghi).
– Tuyết Trai thi tập, còn gọi là Nghi vịnh thi tập gồm 90 bài thơ.
Qua thơ, ta thấy ông là một con người tài hoa, ưa thích cuộc sống tiêu dao nhàn tản, thoát khỏi mọi công danh tục lụy. Bài thơ Tiêu dao ngâm của ông dược Phan Huy Chú nhận xét là đầy hứng thú, phóng khoáng, cao thượng của một danh sỹ thanh khiết kiểu Đào Tiềm.
Năm Bính Thìn 1736 ông mất khi mới 27 tuổi, sau được triều đình truy phong Phong Trạch bá.
Ngô Thì Ức là người mở đầu cho dòng văn học Ngô gia Văn phái.
7. Ngô Thì Sĩ
Ngô Thì Sĩ (1726 – 1780) tự Thế Lộc, hiệu Ngọ Phong, sinh ngày 20 tháng 9 năm Bính Ngọ (tức 15 tháng 10 năm 1726). Ông là con trưởng Phong Trạch Bá Ngô Thì Ức, thân sinh Tiến sỹ Phương Quận công Ngô Thì Nhậm và là nhạc phụ của danh sĩ Phan Huy Ích. Ông nổi tiếng thông minh nhưng thi nhiều khoa mãi sau mới đỗ.
Các tác phẩm chính có:
Sử học: Việt sử tiêu án (Những nghi án nêu lên trong sử Việt); Đại Việt sử ký tiền biên; Đại Việt sử ký tục biên (soạn chung).
Văn học: Anh ngôn thi tập (Tập thơ chim vẹt học nói); Anh ngôn phú tập (Tập phú chim vẹt học nói); Quan lan thi tập (Tập thơ xem sóng); Nhị thanh động tập (Tập thơ làm ở động Nhị Thanh); Khuê ai lục (Ghi nỗi buồn đau về chuyện phòng khuê); Ngọ phong văn tập (Tập văn Ngọ phong; Hậu hiệu tần thi tập; Bảo chương hoằng mô; Sách chế khải tập; Khoa sớ tập biên; Hải Đông chí lược.
8. Ngô Tưởng Đạo
Ngô Tưởng Đạo (1732 – 1802) tự Văn Túc, hiệu Ôn Nghị, do thừa tự họ ngoại là họ Tưởng nên mang tên đệm “Tưởng”.
Ông là con Ngô Thì Ức, là em trai của Ngô Thì Sĩ và là cha của Ngô Thì Du.
9. Ngô Thì Nhậm*
Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803) tự Hy Doãn, hiệu Đạt Hiên. Ông làm quan nhà Hậu Lê và là một danh sĩ nổi danh. Đỗ Tiến sỹ khoa Ất Mùi 1775, ông từng làm thầy dạy chúa Trịnh Khải, rồi làm quan trải nhiều chức trọng.
Năm 1782, quân tam phủ làm chuyện phế lập, Ngô Thì Nhậm phải lánh về quê vợ.
Ngô Thì Nhậm là người có công lớn trong việc giúp triều Tây Sơn đánh lui quân Thanh xâm lược. Năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai, ông cùng nhiều kẻ sỹ Bắc Hà theo Tây Sơn. Nguyễn Huệ đã cho Ngô Thì Nhậm cùng Ngô Văn Sở cai quản Bắc Hà.
Ngô Thì Nhậm là người đề ra chủ trương rút lui chiến lược về Tam Điệp, tạo điều kiện cho Quang Trung nhanh chóng tiêu diệt 29 vạn quân Thanh, giải phóng Thăng Long.
Ông được thăng Binh bộ Thượng thư, tước Phương Quận công.
Ngô Thì Nhậm là một trí thức danh tiếng, sự nghiệp văn chương lớn lao, để lại cho đời hơn 20 tác phẩm có giá trị, tiêu biểu là Hàn các anh hoa, Bang giao hảo thoại, Xuân thu quản kiến, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, Doãn thi văn tập, Yên đài thu vịnh, Hoàng hoa đồ phả, Cúc đường bách vịnh… góp mặt trong Ngô gia văn phái
Ông còn là Tổng tài Quốc sử quán, đã tổ chức biên soạn và cho in sách Đại Việt sử ký tiền biên mà thân phụ ông khởi soạn.
(*Ngô Thì Nhậm còn được gọi là Ngô Thời Nhiệm, do kiêng húy tên chữ của vua Tự Đức là Hồng Nhậm nên chữ Nhậm 任 đọc trại thành Nhiệm).
10. Ngô Thì Chí
Ngô Thì Chí (1753 – 1788) tên chữ là Học Tốn, hiệu Uyên Mật, là con trai thứ hai của Ngô Thì Sĩ, và là em ruột Ngô Thì Nhậm. Thi Hương, ông đỗ Á nguyên, làm quan đến chức Thiêm thư bình chương tỉnh quốc.
Khi Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc Hà lần thứ hai (1788), Ngô Thì Chí chạy theo vua Lê Chiêu Thống. Lúc bấy giờ ông có dâng lên nhà vua bản Hưng trung sách (Sách lược trung hưng), bàn kế khôi phục nhà Lê.
Sau đó, nhà vua phái ông lên Lạng Sơn (nơi cha ông làm Đốc trấn trước đây) chiêu mộ quân để chống lại quân Tây Sơn, nhưng ông đi tới huyện Phượng Nhỡn thì ốm nặng và mất ở huyện Gia Bình (Bắc Ninh) năm 1788. Khi ấy ông mới 35 tuổi.
Thơ văn của ông không có câu nào nói đến việc quan trường. Tác phẩm chính của ông có: Học Phi thi tập, Học Phi văn tập và Hào thiên khoa sớ (Tập sớ khóc cùng trời cao).
Ngô Thì Chí là người khởi đầu viết bộ tiểu thuyết lịch sử Hoàng Lê nhất thống chí 17 hồi, mà 7 hồi đầu thuộc phần chính biên do ông viết ban đầu có tên là Nhất thống chí. Sau này, Ngô Thì Du viết 7 hồi thuộc phần tục biên và đặt tên là Hoàng Lê nhất thống chí.
Thơ, văn Ngô Thì Chí rất trong sáng, giản dị, chân thực. Đặc biệt, văn xuôi của ông rất trôi chảy, tự nhiên, mạch lạc và thật tài hoa. Ông còn viết nhiều lời bàn về văn học sâu sắc và lý thú.
11. Ngô Thì Trí
Ngô Thì Trí (1766-?) hiệu là Dưỡng Hạo, là con trai thứ sáu của Ngô Thì Sĩ. Dưới triều Tây Sơn, ông làm quan Hộ bộ Hữu thị lang, được phong tước Bính phong hầu.
Năm 1802, nhà Tây Sơn bị diệt, Ngô Thì Trí về làm một người dân bình thường ở quê nhà. Tác phẩm chính của ông có Sóc Nam hành kính. Tuy nhiên, công đáng kể của ông chính là khởi xướng (và khởi công biên soạn tập đầu tiên) việc sưu tập tác phẩm của các tác giả dòng họ Ngô Thì, nhờ vậy mà ngày nay văn học Việt Nam có được bộ sách Ngô gia văn phái
12. Ngô Thì Điển
Ngô Thì Điển (?-?) tự Kính Phủ, hiệu: Tĩnh Trai, là con trai trưởng của Ngô Thì Nhậm. Lúc trẻ, ông từng là Giám sinh ở Quốc tử giám, có đi dạy học ở Bắc Giang, và có ở Huế khoảng 10 năm, nhưng không rõ ông có làm quan cho nhà Nguyễn hay không. Ông mất năm nào không rõ.
Tác phẩm của ông chỉ có tập Dưỡng chuyết thi văn (Thơ văn nuôi dưỡng cái chí vụng về). Theo đề xướng của chú là Ngô Thì Trí, ông đã ra sức biên tập và làm ra bộ sách Ngô gia văn phái.
13. Ngô Thì Hoàng
Ngô Thì Hoàng (1768-1814) còn có tên là Tịnh, hiệu: Huyền Trai, biệu hiệu: Thạch Ổ cư sĩ, là con trai của Ngô Thì Sĩ. Năm Đinh Mão (1807), ông thi đỗ tú tài dưới triều Nguyễn. Tác phẩm của ông chỉ có Thạch Ổ di chương.
14. Ngô Thì Du
Ngô Thì Du (1772-1840) tự Trưng Phủ, hiệu: Văn Bác, là con trai của Ngô Thì Đạo. Dưới triều Nguyễn, ông được bổ làm Đốc học Hải Dương. Nhưng chẳng bao lâu sau, ông xin được từ chức, về ở quê nhà. Tác phẩm chính của ông là quyển Trưng Phủ công thi văn.
15. Ngô Thì Hương
Ngô Thì Hương (1774-1821) còn có tên là Vị, tự: Thành Phủ, hiệu: Ước Trai, là con trai của Ngô Thì Sĩ. Ông lớn lên trong cảnh gia đình họ Ngô Thì đã sa sút, cha đã qua đời và anh cả là Ngô Thì Nhậm thì đang gặp chuyện phiền phức. Khi Gia Long lên ngôi (1802), ông làm quan triều Nguyễn, và 2 lần được cử đi sứ sang Trung Quốc.
Tác phẩm chính của ông là: Mai dịch thú dư (Cỗ xe sứ trạm), Thù phụng toàn tập (Toàn tập xướng họa)… thuộc Ngô gia văn phái
16. Ngô Thì Hiệu
Ngô Thì Hiệu (1791-1830) tự Tử Thị, hiệu: Dưỡng Hiên, biệt hiệu: Hoa Lâm tản nhân, là con trai của Ngô Thì Nhậm. Tuy ông chỉ là Giám sinh nhưng sáng tác khá nhiều thơ văn.
Tác phẩm chính của ông là: Nam du thi tập, Lạng hành ký sự, Quan ngư ký, Khôn trinh ký lục, Dạ trạch phú ký...
17. Ngô Thì Giai
Ngô Thì Giai (1818-1881) tự Cường Phù, hiệu: Vân Lâm cư sĩ, biệt hiệu: Thanh Xuyên, là con trai của Ngô Thì Hiệu. Ông là danh sĩ đời vua Tự Đức, có nhiều thơ văn được chép trong bộ sách Ngô gia văn phái, và ông cũng là người cuối cùng được biên chép trong bộ sách này. Con ông là Ngô Giáp Đậu, tác giả sách quyển truyện lịch sử Hoàng Việt hưng long chí.
18. Ngô Thì Thập
Ngô Thì Thập (?-?) tự Toàn Phủ, hiệu Minh Mẫn, là con trai danh sỹ Ngô Thì Nhậm, cháu nội Ngô Thì Sỹ, ông tham gia viết Hoàng Lê nhất thống chí.
19. Ngô Thì Lữ
Ngô Thì Lữ (? – ?) tự Bằng Phủ, là con trai Ngô Thì Chí, cháu nội Ngô Thì Sỹ, làm Hiệp trấn Hải Dương, Vũ Phong hầu. Tác phẩm của ông để lại có Ngô Sào thi tập trong Ngô gia văn phái.
20. Ngô Giáp Đậu
Ngô Giáp Đậu (1853-1929) là con trai của Ngô Thì Giai. Năm 1891, ông thi đỗ cử nhân khoa Tân Mão tại trường thi Hà Nam (tức trường Hà Nội và Nam Định hợp thi), được bổ làm hành tẩu, sau chuyển sang ngạch học quan từ chức giáo thụ lên đến chức đốc học. Ông là người suốt đời tận tụy với nghề dạy học và biên soạn sách (đa phần là sách sử).
Tác phẩm của ông gồm có:
Hoàng Việt hưng long chí (chữ Hán, soạn từ năm 1899-1904): là một truyện chương hồi, viết về lịch sử xây dựng vương triều Nguyễn, từ Nguyễn Hoàng (1524-1613) đến Gia Long (1762-1820);
Trung học Việt sử toát yếu (chữ Hán, 4 quyển, soạn năm:?, in năm 1911): Tóm lược lịch sử Việt Nam biên niên dành cho bậc trung học;
Đại Nam Quốc túy (soạn năm 1908): tập hợp 1.800 câu thành ngữ, tục ngữ và 600 câu ca dao Việt Nam. Đề tựa và lời dẫn đều bằng văn xuôi Nôm;
Hiện kim Bắc Kỳ địa dư sử (soạn 1908): là cuốn địa lý, lịch sử Bắc Kỳ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20;
Trung học Việt sử biên niên toát yếu (chữ Hán, soạn năm:?, in năm 1911): Sách giáo khoa tóm lược lịch sử Việt Nam dành cho bậc trung học;
Mạnh học Trung cao đẳng giáo khoa thư (chữ Nôm, soạn năm 1913): Sách giáo khoa mở đầu bậc trung cao đẳng;
Thanh Oai Ngô gia thế phả (soạn năm:?): Gia phả các đời của họ Ngô. Đây là tài liệu quí cho việc tìm hiểu nhiều tác giả của Ngô gia văn phái.