Khởi nguồn nhà Lê trung hưng
Nói về nhà Lê trung hưng là thời kỳ nhà Hậu Lê được lập lại sau một khoảng thời gian bị nhà Mạc tiếm ngôi. Nhà Hậu Lê được lập nên bởi Lê Lợi và kéo dài được 100 năm sau đó bị Mạc Đăng Dung lật đổ lập nên triều nhà Mạc, thời đó có tướng Nguyễn Kim, một danh tướng thời Hậu Lê, với chí lớn phò Lê diệt Mạc giúp nhà Lê trung hưng đã làm nên giai thoại lịch sử về ông được người đời sau ca tụng.
Tướng Nguyễn Kim lập chí phò Lê diệt Mạc
Khi nhà Lê bị Mạc Đăng Dung tiếm ngôi năm 1527, các cựu thần hầu hết ngả theo họ Mạc hoặc bỏ đi nơi khác. Duy có một người là Nguyễn Kim đứng ra chiêu tập hào kiệt bốn phương lánh sang Ai Lao (Lào), mưu sự khôi phục. Nguyễn Kim sinh năm 1468 ở Thanh Hóa, là một danh tướng dưới thời Lê Chiêu Tông, từng lập nhiều công trạng với triều đình. Tại Ai Lao, ông được vua Sạ Đẩu cho mượn đất Sầm Châu lập bản doanh phò Lê diệt Mạc.
Bấy giờ tôn thất nhà Lê đều phải thay tên đổi họ, trốn đi các nơi nên rất khó tìm. Mãi rồi ông cũng tìm được con vua Lê Chiêu Tông là Lê Duy Ninh đang lẩn trốn ở Thanh Hóa. Nguyễn Kim liền đưa Duy Ninh sang Sầm Châu, đưa lên ngôi vua, tức Lê Trang Tông. Khi ấy là năm 1533, sáu năm sau khi nhà Lê Sơ mất về tay nhà Mạc. Nhà Lê lại được tiếp nối, gọi là thời Lê trung hưng.
Thời gian đầu, triều đình phải “lưu vong” bên đất Ai Lao. Nguyễn Kim được vua Lê phong làm Thái sư, Hưng Quốc công, nắm giữ binh quyền. Ông tiến binh về nước, từng bước đánh chiếm các huyện ở Thanh Hóa. Dưới sự chỉ huy của ông, quân nhà Lê ngày càng mạnh, đến cuối năm Quý Mão (1543) thì chiếm được Tây Đô, tướng Dương Chấp Nhất của nhà Mạc phải đầu hàng.
Song chỉ hai năm sau, Nguyễn Kim lại bị chính viên hàng tướng này đầu độc chết. Dương Chấp Nhất mời ông ăn dưa có tẩm độc rồi bỏ trốn. Khi đó ông 77 tuổi, để lại sự nghiệp Trung hưng nhà Lê còn dang dở.
Trịnh Kiểm một tướng giỏi đồng thời là con rể của ông lên nắm quyền. Lê Trang Tông tiếp tục làm vua cho đến năm 1548 thì mất, thọ 34 tuổi. Trịnh Kiểm tiếp tục lập con ông là thái tử Huyên lên nối ngôi, tức là Lê Trung Tông.
Về sự nghiệp của Lê Trang Tông, Đại Việt sử kí toàn thư viết:
“Vua gặp vận gian truân, nhờ được bề tôi cũ tôn lập, bên ngoài kết nước láng giềng, bên trong dùng được tướng giỏi, cho nên người đều vui lòng làm việc, nền móng Trung hưng gây ra từ đấy.”
Âu đó cũng là những lời nhận xét tốt đẹp cho một ông vua mở đầu một triều đại. Song có lẽ, ông nổi tiếng hơn cả với những vấn đề về nhân thân. Chính sử vẫn coi ông là con (không chính thức) của Lê Chiêu Tông, được Nguyễn Kim tìm ra và đưa lên ngôi. Từ đó mà ra giai thoại rất nổi tiếng về Chúa Chổm:
Giai thoại chúa Chổm thời Lê trung hưng
Sau khi bị bắt, Lê Chiêu Tông bị Mạc Đăng Dung đưa về Thăng Long giam lỏng ở phường Đông Hà. Bấy giờ có cô bán rượu xinh đẹp, thấy người bị giam còn trẻ, trông vẻ quyền quý liền đem lòng yêu thương. Hai người lén tự tình với nhau, cô gái có mang rồi sinh con trai, và đó chính là Lê Duy Ninh đã được nói đến ở đầu câu chuyện. Sau Chiêu Tông bị Mạc Đăng Dung giết. Cô gái lúc này đã biết thân phận con mình, liền mang con trốn đi. Suốt những năm lưu lạc, để giấu tung tích, cô đặt tên cho con là Chổm.
Sau một thời gian sống lẩn lút, chịu khổ trăm bề, hai mẹ con thấy yên lại trở về chốn cũ ở kinh thành. Hằng ngày Chổm đi kiếm củi hoặc làm thuê làm mướn nuôi mẹ. Những lúc đói bụng, Chổm thường vào ăn tại các quán cơm ở cửa ô. Quán nào được Chổm vào ăn là hôm đó đắt như tôm tươi. Các chủ quán cho là Chổm nhẹ vía nên ai cũng muốn mời anh chàng vào ăn, dù phải cho chịu. Được thể, Chổm ăn tiêu bạt mạng. Đến khi mọi người hỏi nợ thì bảo:
– Mai này tôi làm nên, sẽ trả chu tất!
Về sau quả nhiên Chổm lên làm vua, tức Lê Trang Tông. Thiên hạ hay tin đua nhau đến đòi nợ cũ, cả những người không dính dáng cũng đến đòi. Từ đó có câu nói dân gian “Nợ như chúa Chổm”…
Đấy là giai thoại. Còn chính sử lại ghi Trang Tông sinh năm 1514, mà “vua cha” Lê Chiêu Tông thì sinh năm 1506, nghĩa là hai cha con chỉ hơn nhau có… 8 năm. Quả là điều phi lí! Đây cũng là lí do khiến cho nhiều người tin rằng Lê Duy Ninh chính là con của Nguyễn Kim. Do không tìm được một tôn thất nào của nhà Lê nên ông đã lấy con mình thế vào và gán cho một thân phận mới là Lê Duy Ninh, con của Lê Chiêu Tông.
Về sau, khi nhà Mạc định dựa vào nhà Minh, họ cũng dâng biểu “kể tội” Nguyễn Kim để phân trần: Sở dĩ họ phải cướp ngôi nhà Lê là vì Nguyễn Kim dựng con mình lên ngôi, nói dối là con của vua Chiêu Tông.
Dù sự thực là thế nào thì Nguyễn Kim đã thực hiện được một sự nghiệp thật hiển hách: giúp nhà Lê khôi phục vương triều, hay còn gọi là sự nghiệp “trung hưng” nhà Lê. Nhà Lê Trung hưng bắt đầu từ Lê Trang Tông lên ngôi năm 1533, sẽ tồn tại đến năm 1789, đời vua Lê Chiêu Thống, tổng cộng 256 năm. Và đây chính là triều đại dài nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam!
Nhà Lê trung hưng đến Trịnh – Nguyễn phân tranh đều có “hình bóng” Nguyễn Kim
Không chỉ bản thân giúp nhà Lê trung hưng, Nguyễn Kim còn là cha của hai người con trai tài giỏi, cùng làm tướng nhà Lê và đều được phong Quận công. Trong đó người em là Đoan Quận công Nguyễn Hoàng về sau trở thành người mở đầu sự nghiệp các chúa Nguyễn ở miền Nam.
Đồng thời, ông còn là bố vợ của Trịnh Kiểm, cũng là một gương mặt lớn của lịch sử. Nguyên ông có người con gái đầu lòng là Nguyễn Thị Ngọc Bảo, vì mến tài của viên tướng dưới quyền là Trịnh Kiểm nên đã gả con gái cho. Người con rể này sau sẽ thay ông nắm giữ quyền bính khi Nguyễn Kim bị sát hại, rồi trở thành thủy tổ của một dòng họ cũng rất vinh hiển trong lịch sử Việt Nam: nhà Trịnh, hay các chúa Trịnh, tồn tại cùng nhà Lê trong thế đối sánh “vua Lê chúa Trịnh” suốt một thời
Nguyễn Kim không là vua, cũng chẳng phải chúa. Thậm chí còn không thuộc dòng dõi vương hầu. Sau khi mất, ông được Lê Trang Tông truy tặng tước Chiêu Huân Tĩnh Vương. Về sau, các vua nhà Nguyễn mới truy tôn miếu hiệu là Triệu Tổ, thụy hiệu là Di Mưu Thùy Dụ Khâm Cung Huệ Triết Hiển Hựu Hoành Hưu Tế Thế Khải Vận Nhân Thánh Tĩnh hoàng đế.
Nhưng ta hãy thử giả định một điều này. Giả sử trong lịch sử Việt Nam không xuất hiện một Nguyễn Kim. Nghĩa là cũng sẽ không có một Lê Trang Tông được phò tá để thành vua; không có một Nguyễn Hoàng được ra đời, được thừa hưởng các yếu tố của con nhà “danh gia vọng tộc” để lập nên cơ nghiệp chúa Nguyễn; không có một Trịnh Kiểm được phát huy tài năng, được trao binh quyền để trở thành trụ cột của triều đình, thủy tổ của các chúa Trịnh. Vậy thì ông đâu phải chỉ là người có công trung hưng nhà Lê; ông còn là khởi nguồn của các thực thể Lê, Trịnh, Nguyễn cùng song song tồn tại suốt thời Trung đại từ Bắc chí Nam.