Kinh đô Vạn Lại Yên Trường Thanh Hóa
Kinh đô Vạn Lại Yên Trường nằm tại huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa gắn vào thời nhà Lê Trung hưng, một sự nghiệp của tướng Nguyễn Kim giúp phò Lê diệt Mạc. Ngày nay nơi đây thuộc hai xã Thuận Minh và Thọ Lập của huyện Thọ Xuân còn sót lại một số ít ỏi dấu tích của kinh đô Vạn Lại xưa.
Nhà Lê Trung hưng bắt đầu khởi nghiệp kể từ Lê Trang Tông, khi ông được Nguyễn Kim đưa lên làm vua năm 1533 ở Ai Lao (Lào). Nguyễn Kim là một tướng tài, có công rất lớn với vương triều, được vua phong là Thượng phụ Thái sư. Trong các năm chinh chiến, ông từng giành được thành Tây Đô từ tay nhà Mạc, tòa thành lớn ở Thanh Hóa, được sánh ngang với thành Đông Đô, kinh đô của các đời vua thời Lê Sơ.
Song, vai trò lịch sử của kinh đô đầu thời Lê Trung hưng lại thuộc về một nơi khác. Đó là Vạn Lại, một địa danh thuộc huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hoa (nay là xã Thuận Minh và Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Tại đây, năm 1546, Trịnh Kiểm đã cho xây dựng hành điện, kinh đô tạm thời của triều đình và rước vua Lê về đó ở gọi là kinh thành Vạn Lại Yên Trường. Và cũng từ đó, thế Nam – Bắc triều được hình thành. Vạn Lại thực sự trở thành nơi đầu não của Nam triều trong một khoảng thời gian khá dài, đóng vai trò trung tâm của đời sống chính trị, văn hóa thời bấy giờ.
Việc chọn Vạn Lại để dựng đô đã chứng tỏ tầm nhìn lớn lao của Thái sư Lạng Quốc công Trịnh Kiểm. Về việc này, Việt sử thông giám cương mục viết:
“Thái sư Trịnh Kiểm cho rằng lập quốc tất phải căn cứ vào nơi hiểm trở. Sách Vạn Lại, núi đứng sững, nước uốn quanh, thực đáng gọi là nơi hình thế đẹp. Đấy là do trời đất xếp đặt để làm chỗ dấy nghiệp đế vương. Trịnh Kiểm bèn sai đào hào đắp lũy, xây dựng hành điện, mời nhà vua đến đóng tại đó.”
Đó là về phong thủy. Còn về quân sự, nơi đây vừa có thế thủ lại vừa có thế công, tiến lui đều thuận lợi. Khi tiến có thể theo sông Chu, sông Mã để ra Bắc, vào Nam. Thực tế, từ đây Trịnh Kiểm đã nhiều lần cầm quân tiến ra Bắc, hay qua sông sang tổng Lôi Dương theo đường đánh vào Nghệ An. Khi lui, phía sau là vùng núi Lam Sơn bao la, nơi Lê Thái Tổ xưa kia đã lấy làm căn cứ dấy nghĩa…
Đất lành chim đậu, kinh đô Vạn Lại Yên Trường nhanh chóng trở thành nơi thu hút hào kiệt, danh sĩ bốn phương tìm đến tiến thân, và giúp vua giúp nước. Các danh sĩ danh vang bốn bể như Lương Đắc Bằng, Phùng Khắc Khoan cũng góp mặt. Một triều đình có đầy đủ văn quan, võ tướng được thiết lập. Từ đây, nhiều ý chỉ của vua đã được ban, nhiều sắc phong đã được xét để làm phấn khởi ba quân. Quân sĩ nhà Lê ngày càng lớn mạnh, đánh đâu được đấy nên càng nức lòng nức chí. Nhiều quan tướng nhà Mạc cũng dẫn quân trốn vào Thanh Hóa quy theo, như Lê Bá Ly, Nguyễn Thiến, Nguyễn Quyện… Vua Lê đều trọng thưởng. Thanh thế của Nam triều lên như diều gặp gió.
Bạn đang đọc bài viết về kinh đô Vạn Lại của chuyên mục Lịch sử nhà Hậu Lê tại pqt.edu.vn
Trong gần nửa thế kỉ cho đến khi nhà Lê chiếm lại được Thăng Long (1593), kinh đô Vạn Lại là nơi diễn ra nhiều sự kiện. Tháng Giêng năm Mậu Thân (1548), vua Lê Trang Tông băng hà, được an táng tại chính đất này (đến nay vẫn còn bia và dấu vết mộ chí, gọi là Cảnh Lăng). Thái tử Huyên (tức Lê Trung Tông) làm lễ đăng quang cũng là ở đó, theo đúng lễ nghi thiên tử.
Nơi đây cũng đã trở thành một trong ba địa điểm thi tuyển tiến sĩ trong lịch sử khoa cử nước ta: Thăng Long, Vạn Lại và Huế. Từ 1546 đến 1593, ở kinh thành Vạn Lại đã tổ chức bảy khóa thi, chọn ra được nhiều hiền tài góp công với đất nước vào những năm cuối thế kỉ 16, đầu thế kỉ 17. Có thể kể đến các tiến sĩ Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Thực, Lê Trạc Tú, về sau đều làm đại quan của Lê triều…
Tại Văn Miếu Hà Nội ngày nay có 82 bia tiến sĩ, trong đó có bảy bia ghi các tiến sĩ đỗ các khoa thi ở cố đô Vạn Lại Yên Trường. Bia tiến sĩ năm Canh Thìn (1580) có ghi:
“Nay hoàng thượng ở nơi tôn vinh, giữ quyền chế tác, sửa sang chế độ, bồi dưỡng nhân tài. Dựng đá làm bia cho người đời sau lấy làm khuôn mẫu, khắc tên họ để cho thiên hạ để ý quan chiêm. Trên là để phát huy lòng trung nghĩa của người trước, dưới là để cảm kích kẻ hào kiệt đương thời, mà trong đó vẫn ngụ ý khen thưởng khuyến miễn”…
Thế lực Nam triều ngày càng lớn mạnh, đến năm Quý Tị (1593) thì đánh đuổi được nhà Mạc ra khỏi Thăng Long. Vua tôi nhà Lê ca khúc khải hoàn trở về đất đế đô. Đại Việt sử kí toàn thư viết:
“Lúc ấy vua từ hành tại Vạn Lại, tháng Ba thì khởi hành, qua thành Tây Đô, tiến thẳng theo đường Quảng Bình ra Thiên Quan, qua các huyện Mĩ Lương, Chương Đức đi một tháng đến huyện Thanh Oai thì đóng quân. Tiết chế Trịnh Tùng đem các quan văn võ đến Thanh Oai đón rước thánh giá, cử nhã nhạc cùng đi về kinh… Tháng Tư ngày 16, vua lên chính điện nhận lễ chầu mừng của trăm quan. Đại xá thiên hạ.”
Sau 47 năm giữ vai trò là hành điện của vua Lê (1546-1593), kinh đô Vạn Lại kết thúc sứ mệnh của một kinh đô thời loạn, nhưng đã giữ yên thế ổn định, vững vàng cho xã tắc.
Ngày nay, dấu tích còn lại trên nền móng cung điện hoang phế là đôi voi đá và đôi ngựa đá. Voi dài 2,6 m, cao 1,4 m, ngựa dài 1,4 m, cao 0,95 m, được tạc theo phong cách tả thực bằng đá xanh nguyên khối trên thềm cung điện xưa, nơi các vua Lê từng thiết triều. Đây là hai cặp linh thú lớn nhất thời Lê Trung hưng còn lại với thời gian.
Có dịp tới Thanh Hóa bạn có thể ghé thăm kinh đô Vạn Lại, tuy chỉ còn là tàn dư ít ỏi nhưng cũng có thể tận mắt chiêm ngưỡng những dấu tích của gần 500 năm trước để lại.