Khởi Nghĩa Tây Sơn bùng nổ ở thế kỷ 18 do Tây Sơn tam kiệt Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo khi các chúa Nguyễn ở Đàng Trong không còn chăm lo đời sống nhân dân nữa. Cuộc khởi nghĩa nông dân đó đã đưa lịch sử nước ta sang một trang mới đầy hào hùng.
Tóm lược về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ
Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn là khởi nghĩa tiêu biểu trong lịch sử nước ta, vì vậy các thông tin cơ bản về cuộc khởi nghĩa này đa số đều nắm. Tuy nhiên để phục vụ rộng hơn số lượng đọc giả nên trước khi vào phần kể câu chuyện về Tây Sơn tam kiệt, pqt.edu.vn sẽ dành một phần tóm tắt cuộc khởi nghĩa Tây Sơn này bằng cách trả lời các câu hỏi bên dưới.
Nguyên nhân dẫn đến cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra là gì?
– Bắt đầu từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, chính quyền chúa Nguyễn suy yếu, mục nát, sống trong xa hoa trụy lạc, hà khắc với nhân dân.
– Số lượng quan lại “ăn bám” trong triều đình tăng cao và tranh nhau tham nhũng, hành sách; Cường hào ác bá lộng hành, địa chủ thâu tóm ruộng đất của dân nghèo.
Lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Tây Sơn là ai?
– Khởi xướng và lãnh đạo khởi nghĩa là ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ gọi là Tây Sơn tam kiệt.
Khởi nghĩa Tây Sơn diễn ra vào thời gian nào?
– Khởi nghĩa Tây Sơn bắt đầu bùng nổ ở Quy Nhơn Bình Định năm 1771 đến năm 1802 Tây Sơn tan rả.
Căn cứ của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đặt ở đâu?
– Ban đầu lấy vùng Tây Sơn thượng đạo làm căn cứ khởi nghĩa sau mở rộng xuống Tây Sơn hạ đạo (Kiên Mĩ) thuộc tỉnh Bình Định.
Chủ trương và lực lượng tham gia khởi nghĩa gồm những ai?
– Chủ trương và cũng là khẩu hiệu của Tây Sơn là “Lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo.” Với lực lượng tham gia là nông dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, thợ thủ công, thương nhân, hào mục các địa phương.
Các hoạt động của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn Bình Định?
– Trừng trị bọn quan tham, lấy của nhà giàu chia cho người nghèo, xóa nợ cho dân nghèo.
Trận đánh nổi bật nhất của quân Tây Sơn là trận nào?
– Quân Tây Sơn nổi dậy khởi nghĩa không chỉ xóa sổ lịch sử hai thế lực Trịnh Nguyễn chia cắt đất nước đem lại yên bình cho nhân dân mà còn đánh cho quân xâm lược khiếp đảm, đặc biệt là trận Quang Trung đại phá 29 vạn quân Thanh
Đó là những nét cơ bản về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Diễn biến chi tiết mời bạn đọc tiếp phần dưới.
Câu chuyện về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn
Chúa Nguyễn Phúc Tần ghìm ngựa trên đỉnh gò, nhìn đoàn người nối nhau lê bước dưới mặt trời phương Nam. Đó là những người Đàng Ngoài bị ông bắt vào Đàng Trong khẩn hoang, khi ông đem đại quân đánh Hưng Nguyên, trấn Nghệ An trong cuộc chiến với Trịnh lần thứ năm.
Dưới mắt ông, những con người đói khát đó thật đáng thương, nhưng họ sẽ được đưa đến các vùng đất mới làm ăn sinh sống, dần dần rồi cũng sẽ đâu vào đó.
Xuất thân ba anh em Tây Sơn tam kiệt
Song ông không thể nào nghĩ được rằng, chỉ hơn một thế kỉ sau, con cháu của một người họ Hồ trong số những kẻ đó sẽ làm điên đảo ngôi chúa của dòng họ ông…
Sau ba đời định cư ở ấp Tây Sơn (thuộc xã An Khê, huyện Hoài Nhơn, Bình Định ngày nay), gia đình ông Hồ Phi Phúc đã trở nên khá giả nhờ nghề buôn trầu cau.
Ông bà sinh được ba người con trai. Để các con được hưởng gia tài và lo việc khói hương cho bên ngoại, ông bà cho các con đổi từ họ Hồ sang họ Nguyễn. Ba người con trai tuấn tú của ông tên là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ.
Bấy giờ có Trương Văn Hiến, còn gọi là cụ giáo Hiến từ kinh đô về vùng bán sơn địa này ẩn náu. Cụ gốc người Hà Tĩnh, vốn là một nho sĩ uyên thâm, môn khách của Thái phó Trương Văn Hạnh, thầy dạy của thế tử Nguyễn Phúc Luân.
Khi Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát vừa băng hà, quyền thần Trương Phúc Loan (tự xưng là Quốc phó) cùng bè đảng sửa di chiếu, phế truất và bắt giam Phúc Luân. Thái phó Trương Văn Hạnh phản đối, liền bị Loan giết. Cụ giáo Hiến phải bỏ Phú Xuân, trốn về Tây Sơn mai danh ẩn tích.
Ông Hồ Phi Phúc đã may mắn mời được cụ giáo Hiến về dạy cho các con mình. Cụ dạy cả văn lẫn võ. Cụ nói có văn không võ thì nhu nhược. Có võ không văn thì hay cường bạo. Văn võ có nương nhau thì đạo làm người mới giữ vững.
Ba anh em đều thông minh, nhưng tính nết mỗi người một khác: Nguyễn Nhạc tài trí, giỏi thu phục lòng người nhưng giảo hoạt, đa nghi và dễ thoả mãn với thành công. Nguyễn Huệ trung thực, quyết đoán, sống tình cảm, nhiều khát vọng và đặc biệt có tài năng quân sự. Nguyễn Lữ hơi nhu nhược nhưng thành thực, chân phương, không âm mưu, quỷ kế.
Được thầy giỏi kèm cặp, ba anh em học hành tấn tới, được mọi người coi là “Tây Sơn tam kiệt”.
Một hôm, Nguyễn Nhạc thấy một ông thầy Tàu cứ lảng vảng ở vùng núi Tây Sơn, mang la bàn, giấy bút đi đo đo đạc đạc, ghi ghi chép chép… Cứ thế phải đến hàng tháng trời rồi bỏ đi đâu cũng rất lâu.
Khoảng một năm sau mới thấy ông thầy quay trở lại, mang theo một cái tráp. Thì ra ông ta đã tìm đuợc một huyệt đại phát ở đất Tây Sơn và trở về nước để đem xương cốt của tổ tiên sang táng (chiếc tráp đó chính là để đựng xương cốt; thảo nào đi đâu ông thầy cũng đeo kè kè bên mình!).
Nhạc bèn đặt làm một cái tráp y hệt, để xương của thân phụ vào sẵn. Một tối trời nhập nhoạng, ông thầy Tàu hì hục đào huyệt – chắc là bấm được giờ tốt.
Bỗng một con hổ lớn từ dưới hố nhảy ra, gầm vang, chực vồ ông ta. Thầy hốt hoảng vứt cả tráp bỏ chạy. Lát sau thấy im ắng, cho rằng cọp đã đi xa, thầy lại lén lút bới đất, vùi sâu chiếc tráp xuống huyệt mộ rồi hí hửng về Tàu. Nào ngờ chiếc tráp đã bị đánh tráo và con cọp chính là Nhạc đội lốt đóng giả.
Từ đó, ba anh em Nhạc làm gì cũng phát, đặc biệt được rất nhiều người tài tìm đến kết giao…Tất nhiên, câu chuyện trên chỉ là truyền thuyết, nhưng cũng nhằm lí giải vì sao từ một gia đình áo vải lại xuất hiện đồng thời những người xuất chúng như ba anh em họ Nguyễn đất Tây Sơn!
Như nắm được thiên cơ, một hôm cụ giáo Hiến gọi cả ba anh em lại, nghiêm trang nói:
– Thầy muốn nói với các anh: Gần đây lan truyền câu sấm “Tây khởi nghĩa, Bắc thu công”. “Tây” chính là Tây Sơn ta đó. Lúc này là lúc kẻ anh hùng lập nên nghiệp lớn. Các anh đều là người có chí khí, tài năng, nếu nắm được thiên thời, địa lợi, nhân hoà thì sự thành công không mấy khó khăn. Nay cơ nghiệp hai nhà Trịnh, Nguyễn đã suy tàn, mục ruỗng. Bốn phương chỉ chờ một cuộc khởi nghĩa để đi theo.
Đương nhiên phải bỏ ra năm, bảy năm để chuẩn bị thật kĩ lưỡng. Các anh hãy nhớ lấy lời ta. Nói rồi thầy phất tay áo ra đi, để lại cho ba anh em mấy bộ binh pháp của người xưa.
Ba anh em đã có ý ấy từ lâu, nay “được lời như cởi tấm lòng”. Việc đầu tiên là chọn nơi dấy nghĩa. Với con mắt tinh tường, Nguyễn Nhạc quyết định chọn vùng đất phía tây bên kia đèo An Khê, còn gọi là Tây Sơn thượng đạo. Đó là một vùng đất rộng lớn, khi ấy còn âm u vắng bóng người, giữa là một lòng chảo bốn mặt được che chắn bởi núi và sông.
Chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ
Tại đây, họ sẽ lập đồn trại, chiêu mộ thanh niên trai tráng bốn phương đến tụ nghĩa, tính kế lâu dài với “Quốc phó” Trương Phúc Loan. Lấy danh nghĩa khai khẩn đất hoang, ba anh em và những người thân tín vừa làm ruộng tích trữ lương thảo, vừa chuẩn bị xây dựng căn cứ.
Nguyễn Nhạc giao cho Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đi các nơi kết giao hào kiệt, đồng thời luyện tập võ nghệ cho các tráng đinh gia nhập lực lượng.
Khi lương đã đủ, quân đã nhiều, ba anh em đến thỉnh giáo cụ giáo Hiến thì được cụ bảo:
– Khá lắm. Về khởi sự đi thôi! Nguyễn Nhạc được trăm người như một, đồng lòng tôn làm Tây Sơn Vương. Đó là năm Tân Mão (1771), đời Định Vương Nguyễn Phúc Thuần. Từ đấy, tiếng tăm nhà Tây Sơn nổi như sóng cồn. Kẻ sĩ gần xa tìm đến ngày một nhiều. Họ coi nhau như tay chân và nguyện giúp Nguyễn Nhạc dựng nghiệp. Thầy Hiến cũng tự tìm đến, dặn dò:
– Các anh phải nhớ, được đất không bằng được thành, được thành không bằng được lòng người. Ba anh em rưng rưng nước mắt ghi nhớ lời thầy dặn.
Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ cắt đặt các tướng lĩnh, bên võ có Đại tổng quản (do Nguyễn Huệ đảm nhiệm), Đại đô đốc, Đô đốc, Đề đốc; bên văn có Đại học sĩ, Hiệp biện đại học sĩ… Lại may kì hiệu hình vuông, nền đỏ, chữ vàng, viền ngoài và tua xanh. Đại kì rộng mỗi chiều 25 thước ta, thêu kim tuyến ba chữ Tây Sơn Vương. Quân kì nhỏ hơn đại kì, thêu chỉ vàng họ và chức vị cấp chỉ huy.
Khi đã cơ nào đội nấy, Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc lập đàn cáo trời đất. Đàn lập trên đèo An Khê dưới bóng hai cây đại thụ. Tây Sơn Vương đọc hịch, nêu rõ mục đích của cuộc khởi nghĩa:
“Giận Quốc phó ra lòng bội bạc nên Tây Sơn dấy nghĩa Cần vương / Trước là ngăn cột đá giữa dòng / Kẻo đảng nghịch đặt mưu ngấp nghé / Sau là tưới mưa dầm khi hạn / Kéo cùng dân ra khỏi chốn lầm than”…
Tiếp theo, Tây Sơn Vương ban bố quân luật gồm ba điều, ai vi phạm một trong ba điều sẽ bị chém đầu.:
1) Không được xâm phạm tài sản và tính mệnh của dân;
2) Không được iết lộ bí mật quân sự;
3) Không được gây xáo trộn, chia rẽ trong hàng ngũ.
Diễn biến và kết quả của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn
Từ đó, nghĩa quân Tây Sơn chia nhau đi đánh phá các trị sở quan lại, các trang trại nhà giàu, đốt sổ thuế và các văn tự nợ, lấy của người giàu chia cho người nghèo.
Đi đến đâu, nghĩa quân cũng được nhân dân ủng hộ. Số người tham gia cuộc khởi nghĩa ngày một đông, phát triển thành một phong trào vô cùng rộng lớn.
Nguyễn Nhạc, thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa khôn khéo đưa ra khẩu hiệu “Đánh đổ quyền thần Trương Phúc Loan, ủng hộ Hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương”. Nhờ có sách lược khôn khéo đó, nghĩa quân Tây Sơn đã nhanh chóng thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân ủng hộ, số người tham gia khởi nghĩa ngày càng đông.
Đồng thời thủ lĩnh Nguyễn Nhạc cũng đưa ra thêm khẩu hiệu “Lấy của nhà giàu chia cho người nghèo”, trong suốt quá trình diễn biến khởi nghĩa, nghĩa quân Tây Sơn đã hành động như vậy nên nhanh chóng tập hợp được lực lượng đông đảo tầng lớp nghèo khổ lúc bấy giờ.
Các lãnh tụ Tây Sơn còn liên kết được với lực lượng người Chăm ở Phú Yên. Thời gian đầu hoạt động của nghĩa quân chủ yếu là tấn công vào bộ máy chính quyền ở các làng xã, trừng trị bọn quan thu thuế, đốt sổ thuế và các văn tự vay nợ, tuyên bố bãi bỏ các thứ thuế, tịch thu của cải của bọn quan lại, địa chủ cường hào, lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo.
Vì vậy, nghĩa quân đi đến đâu đều được nhân dân nghèo hưởng ứng ra nhập. Cuộc khởi nghĩa phát triển nhanh chóng với khí thế hết sức mạnh mẽ.
Đến cuối năm 1773 nghĩa quân giải phóng được hai phủ Quy Nhơn, Quảng Ngãi, năm 1774 mở rộng vùng kiểm soát từ Quảng Nam đến Bình Thuận.
Sau khi điều đình tạm hòa hoãn với quân Trịnh ở mặt Bắc để tập trung diệt quân Nguyễn ở phía Nam, liên tục các năm 1776, 1777, 1778, 1782, 1785, 5 lần nghĩa quân Tây Sơn tiến công vào Gia Định và đều giành thắng lợi, đẩy quân Nguyễn vào thế hoàn toàn bị tan rã, phải chạy trốn ra các hải đảo, sang sống lưu vong bên đất Xiêm, chính quyền phong kiến họ Nguyễn cát cứ Đàng Trong trên 200 năm bị đánh đổ.
Sau 8 năm chiến đấu gian khổ, nghĩa quân Tây Sơn đã đánh bại được quân Nguyễn ở khắp nơi, giết được Định Vương Nguyễn Phúc Thuần và hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương, chỉ một người cháu nội của Nguyễn Phúc Khoát là Nguyễn Ánh chạy thoát.
Cho rằng đã dứt được dòng họ các chúa Nguyễn, năm 1778, Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu là Thái Đức, phong Nguyễn Huệ làm Long Nhương Tướng quân, Nguyễn Lữ làm Tiết chế, đón thầy giáo Hiến ra làm quân sư. Các tướng lĩnh đều đượcphong chức tước.
Năm 1787, Nguyễn Nhạc chia ba đất nước: phong cho Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương, cai quản vùng đất từ Phú Xuân ra Bắc; Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương, chịu trách nhiệm vùng Nam Bộ rộng lớn; còn mình làm Trung ương hoàng đế, giữ vùng đất từ Quảng Nam đến Bình Thuận.
Trong suốt quá trình nổi dậy khởi nghĩa của nhà Tây Sơn có hai trận đánh đuổi giặc ngoại xâm lớn mạnh đáng chú ý nhất là cuộc chiến chống lại 5 vạn quân Xiêm xâm lược (1785), đập tan 29 vạn quân Mãn Thanh (1789) và cuộc lật đổ chúa Trịnh (1786), các trận đánh này đều đè nặng lên vai Nguyễn Huệ, người được nhân dân tôn là người anh hùng áo vải, cũng là linh hồn của phong trào Tây Sơn hiển hách cuối thế kỉ 18…