Chiến thắng trận Rạch Gầm Xoài Mút đã thể hiện chiến lược quân sự của Nguyễn Huệ và sức mạnh của quân Tây Sơn. Mời bạn đọc diễn biến trận Rạch Gầm – Xoài Mút dưới đây để thấy rõ điều đó.
Tại sao có tên gọi Rạch Gầm Xoài Mút?
Nhiều bạn đọc mới tìm hiểu có thể xuất hiện câu hỏi tại sao gọi là Rạch Gầm – Xoài Mút.
Đoạn sông Rạch Gầm Xoài Mút ngày nay nằm giữa địa phận thành phố Mỹ Tho và huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang (trước năm 1976 là tỉnh Mỹ Tho), Việt Nam.
Nơi đây ngày 20 tháng 1 năm 1785, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn do Nguyễn Huệ trực tiếp tham chiến đánh tan 5 vạn quân Xiêm xâm lược. Ngày nay người dân vẫn thuộc lòng câu thơ lục bát:
Rạch Gầm – Xoài Mút tăm tăm,
Xê xuống chút nữa, tới vàm Mỹ Tho.
Bần gie đóm đậu sáng ngời,
Rạch Gầm – Xoài Mút muôn đời oai linh!
Hoàn cảnh lịch sử trận Rạch Gầm Xoài Mút
Nhân vật chính trong phần này là Nguyễn Phúc Ánh, cháu nội của chúa Nguyễn Phúc Khoát. Chúa Nguyễn các đời sau sống trong sa đọa, dân chúng thống khổ, Tây Sơn nổi dậy lật đổ, Ánh cùng người nhà chạy trốn khắp nơi.
Nguyễn Phúc Ánh đi đi lại lại trước gian nhà lá dựng tạm dưới chân núi đảo Phú Quốc. Phía trước sóng biển vỗ ì ầm. Nhìn lên đỉnh núi Chúa mây bay vần vũ, như càng khuấy sâu thêm tình cảnh bi đát của ông.
Lương thực cạn sạch, gia đình nhà chúa và tùy tùng phải hái rau cỏ, bẻ măng, đào củ chuối ăn cầm hơi. Chưa bao giờ cuộc đời ông long đong đến vậy. Ông bị quân Tây Sơn đánh đuổi khắp chốn.
Mất hết đất Gia Định, ông phải đưa gia quyến chạy ra Ba Giồng. Vẫn bị Tây Sơn truy đuổi, ông lại chạy ra đảo Phú Quốc ẩn náu. Nguyễn Huệ đưa thủy quân lùng bắt ông ở Phú Quốc, ông phải trốn ra Côn Đảo.
Trương Văn Đa, phò mã của Tây Sơn Vương đem chiến thuyền trùng điệp bao vây. Tưởng chừng đã bị bắt đến nơi, trùng hợp sao bất ngờ trời nổi giông bão, một mình ông thoát được ra đảo Cổ Cốt, để rồi bây giờ cùng một nhúm tướng sĩ trung thành trở về đảo Phú Quốc.
Đã đến bước đường cùng, Nguyễn Ánh quyết định cầu ngoại viện. Bấy giờ nước Xiêm đang dưới triều vua Rama Chakkri I.
Trước đây, giữa các dòng tộc Xiêm có sự tranh giành ngai vàng, Nguyễn Ánh đã có lần đụng độ với Chakkri ở Chân Lạp khi ông hậu thuẫn cho phe đối thủ của ông này. Vẫn còn e ngại chuyện xưa, ông tính nước cử Đại đô đốc Chu Văn Tiếp sang gặp vua Xiêm trước.
Chakkri vừa mới thâu tóm được triều chính, đang muốn bành trướng thế lực sang Chân Lạp và Gia Định. Nay thấy Đàng Trong cầu viện khác nào được cơ hội ngàn vàng, ông ta chộp lấy ngay.
Làm như “quên quá khứ”, vua Xiêm mời Nguyễn Ánh sang thương nghị. Liên quân Xiêm – Nguyễn tức thì được hình thành. Đó là nguyên nhân dẫn đến trận Rạch Gầm Xoài Mút
Diễn biến trận Rạch Gầm – Xoài Mút
Tháng 4 năm 1784, Chakkri phái hai tướng Lục Côn và Sa Uyên cùng Chiêu Thùy Biện, một cựu thần Chân Lạp thân Xiêm, đem hai đạo binh tiến sang Chân Lạp để từ đó, mở một mũi tiến công theo đường bộ.
Ngoài quân bản bộ của Xiêm La, các tướng này còn huy động thêm lính Chân Lạp, tăng quân số lên đến 3 vạn người. Đạo quân này có nhiệm vụ đi trước dọn đường.
Tháng 7, đạo thứ hai do cháu vua Xiêm là Chiêu Tăng làm chủ soái và Chiêu Sương lĩnh ấn tiên phong, gồm 2 vạn quân và 300 chiến thuyền. Đây là đạo quân chủ lực xuất phát từ Vọng Các (Băng Cốc) qua vịnh Xiêm La tiến vào Hà Tiên.
Về phần mình, Nguyễn Ánh cũng tập hợp được 3000 quân, phong cho Chu Văn Tiếp làm Bình tây Đại đô đốc làm nhiệm vụ dẫn đường.
Sau khi hội quân, cả thủy bộ quân Xiêm – Nguyễn cùng tấn công vào Rạch Giá (Kiên Giang).
Bấy giờ Nguyễn Huệ đã trở về Quy Nhơn, miền Gia Định do phò mã vua Thái Đức là Trương Văn Đa chỉ huy. Quân Tây Sơn chủ trương đánh cầm chân giặc, vừa để thăm dò lực lượng địch. Quân
Xiêm được thể chiếm Cần Thơ, rồi tiến đánh các miền đến tận Mân Thiết (Vĩnh Long). Chúng thiết lập đại bản doanh ở Trà Tân (Cai Lậy), chuẩn bị tấn công thành Mĩ Tho và Gia Định.
Quân Xiêm đi đến đâu thỏa sức phá làng mạc, vơ vét của cải, giết chóc dân lành, hãm hiếp đàn bà con gái… Trong một trận đánh, Đại đô đốc Chu Văn Tiếp bị tử trận.
Đến lúc này Nguyễn Ánh bắt đầu nhận ra sai lầm của mình, nhưng cũng đành cắn răng chịu đựng. Ông viết cho giáo sĩ J. Liot (trong bức thư đề ngày 25-1-1785), than phiền rằng:
“Nay thì Xiêm binh tự do cướp giật, cưỡng hiếp phụ nữ, cướp bóc tài sản, giết bừa không tha già trẻ. Vậy nên, giặc Tây Sơn ngày một mạnh, thế quân Xiêm ngày một suy.”
Trước tình hình đó, Trương Văn Đa cử Đô úy Đặng Văn Trấn về Quy Nhơn cấp báo. Nguyễn Nhạc lập tức cử Nguyễn Huệ làm Tổng chỉ huy vào Nam chống giặc.
Tháng 1 năm 1785, Nguyễn Huệ dẫn một đạo thủy binh vượt biển vào đóng ở Mĩ Tho, cách bản doanh quân giặc 30 km. Ông thân chinh đi thám sát cách bố phòng của địch; gặp gỡ nhân dân quanh vùng tìm hiểu địa hình, địa vật, con nước thủy triều. Bất bình với việc Nguyễn Ánh rước giặc vào nhà, một tướng của chúa Nguyễn là Lê Xuân Giác đã sang hàng Nguyễn Huệ.
Được người này cho biết tình hình liên quân Xiêm – Nguyễn, Nguyễn Huệ đã nắm rõ trận địa quân Xiêm: chúng dàn thuyền chiến trên đoạn sông ở Mân Thiết, bộ binh đóng ở hai bên bờ sông, phía tây dựa vào chân núi, phía đông giáp bờ biển. Còn quân Nguyễn Ánh đóng ở trên bờ.
Kết quả trận Rạch Gầm Xoài Mút
Với sự nhạy bén của một thiên tài quân sự, Nguyễn Huệ biết rằng với lực lượng ít hơn quân giặc, không thể đánh trực diện vào đại bản doanh của chúng ở Trà Tân.
Ông quyết định chọn chiến trường ở đoạn sông dài khoảng 7km trên sông Tiền, phía dưới Trà Tân – đoạn sông đã đi vào lịch sử gắn với hai địa danh Rạch Gầm Xoài Mút.
Trước hết, ông cho vài đội chiến thuyền nhỏ đánh vào ngoại biên doanh trại giặc rồi giả thua chạy. Sau đó cho sứ giả đem vàng bạc đến giặp Chiêu Tăng xin giảng hòa. Mục đích để cho quân giặc chủ quan, đồng thời làm kế li gián giữa quân Xiêm và Nguyễn Ánh.
Chiều 18-1-1785, quân Xiêm được tin thám báo, chiến tuyến quân Tây Sơn ở phía Mĩ Tho đã “bí mật” rút đi. Chiêu Tăng cho rằng địch đã rút lui, thời cơ tấn công đã tới.
Đêm 18 rạng ngày 19-1-1785, Nguyễn Huệ cho một đội quân đến nhử, khiêu khích đánh rồi rút chạy, làm cho Chiêu Tăng càng tin vào phán đoán của mình. Lập tức hắn ra lệnh tổng tấn công.
Đoàn thuyền chiến quân Xiêm rầm rộ xuôi theo dòng nước sông Tiền tiến về ngã ba Rạch Gầm trong lúc nước triều đang rút.
Khi đoàn thuyền giặc lọt vào đúng trận địa đã phục sẵn, một luồng pháo hỏa hổ bay vút lên trời nổ vang, sáng rực trong đêm tối. Theo hiệu lệnh, hàng trăm chiến thuyền nhỏ nhẹ trang bị hỏa lực mạnh của quân Tây Sơn từ các ngả rạch chằng chịt tiến ra chặn đánh quân giặc.
Tiếng súng thần công cùng pháo hỏa hổ trên bờ nổ vang trời dậy đất. Các chiến binh thiện chiến ẩn nấp trong những bụi lau sậy thét vang, ào ạt xông ra. Những chiếc thuyền chất lửa cháy rừng rực phóng như bay áp vào đốt cháy thuyền giặc. Vừa hay lúc thủy triều rút, dòng sông như có phép thần bỗng thu hẹp lại, làm cho đoàn thuyền giặc bị tắc nghẽn, xô cả vào nhau.
Chiến thuyềnTây Sơn cắt rời thuyền giặc ra từng khúc tiêu diệt… Đồng thời, các đội bộ binh Tây Sơn cũng xuất hiện như thiên thần thiên tướng đồng loạt tấn công quân Xiêm – Nguyễn trên bộ. Quân thủy, quân bộ giặc không thể ứng cứu cho nhau càng thêm hoảng loạn.
Chỉ trong vòng hơn một canh giờ, hàng vạn quân Xiêm bị giết, bị bắt hoặc bị chết vì đắm thuyền. Chiêu Tăng và Chiêu Sương bỏ đại quân, cùng một nhúm tàn quân chạy trốn theo đường bộ, qua mạn Quang Hóa, tìm đường vượt Chân Lạp. Mãi đến tháng 3 hai tướng mới về được Vọng Các, nhưng liền bị vua Xiêm bắt giam về tội thua trận.
Nguyễn Ánh sợ hãi bỏ trốn, bị quân Tây Sơn truy đuổi, phải chạy ra đảo Thổ Châu, Cổ Cốt ẩn náu. Sau đó ít lâu đành muối mặt tìm sang Vọng Các nương nhờ vua Xiêm. Trận Rạch Gầm Xoài Mút chiến thắng vang dội.
Ý nghĩa chiến thắng
Trận Rạch Gầm Xoài Mút có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chiến thắng Rạch Gầm Xoài Mút đã khẳng định thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ. Ông đã nắm chắc được quy luật con nước thủy triều, giống như thuở Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo khi xưa vận dụng trong các lần chiến thắng Bạch Đằng.
Đồng thời với chiến thắng này, Nguyễn Huệ đã trở thành biểu tượng của sức mạnh toàn dân Đại Việt đứng lên chống giặc ngoại xâm.
Không lâu sau chiến thắng trận Rạch Gầm Xoài Mút, Nguyễn Huệ tiếp tục để lại tiếng vang của mình khi dẫn quân thần tốc ra Thăng Long đánh bay 29 vạn quân Thanh xâm lược. Những câu chuyện xung quanh trận đánh này được pqt.edu.vn trình bày ở bài: Quang Trung đại phá quân Thanh