Ngọc Hân công chúa là ai
Công chúa Ngọc Hân tên là Lê Ngọc Hân, sinh năm 1770 mất năm 1799, người đời thường gọi mỹ miều hơn là Ngọc Hân công chúa.
Công chúa Ngọc Hân là con của vua Lê Hiển Tông thời nhà Lê Trung hưng thế kỷ 18, mẹ là Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền
Dân gian còn lưu truyền tên gọi bà là Bà Chúa Tiên khi bà ở Phú Xuân, vì dinh phủ lập ở chùa Kim Tiên.
Thời Tây Sơn chiếm đóng Phú Xuân, một loạt những ngôi chùa danh tiếng như Báo Quốc, Thiền Lâm… bị trưng dụng cho quan lại Tây Sơn làm dinh thự, thủ phủ. Chùa Kim Tiên (thuộc phường Trường An – TP Huế ngày nay) được chọn làm phủ của công chúa Ngọc Hân.
Chùa Kim Tiên dưới thời các chúa Nguyễn là một trong những ngôi chùa đẹp tráng lệ. Có lẽ cũng vì đẹp đẽ, tráng lệ nên chùa Kim Tiên phải trải qua bao nỗi thăng trầm cùng xứ sở để đến bây giờ còn lưu truyền câu ca dao:
Vì ai nên nỗi sầu này
Chùa Tiên vắng vẻ tớ thầy xa nhau.
Ngọc Hân công chúa sau khi lấy vua Quang Trung bà được gọi là Bắc Cung hoàng hậu. Bà là một hoàng hậu có xuất thân rất cao quý. Nhưng đó không phải là điều mà mọi người hay nghĩ đến khi nhắc tới công chúa Ngọc Hân. Cuộc đời của bà để lại cho con người ta những nốt nhạc trầm xao xuyến, những nuối tiếc cứ vấn vương đâu đó quanh đây. Mỗi lúc người ta nhớ tới bà, không chỉ là một nàng công chúa xinh đẹp mà là một nàng công chúa yểu mệnh, một người phụ nữ có mối tình đẹp đẽ nhưng lại góa phụ khi còn tuổi thanh xuân.
Chuyện tình công chúa Ngọc Hân với Quang Trung Nguyễn Huệ
Công chúa Ngọc Hân là con gái thứ chín của vua Lê Hiển Tông. Nàng vừa xinh đẹp lại thông minh vượt trội so với các hoàng tử, công chúa nên được vua cha yêu lắm. Nhà vua thường nói: “Con gái ta thế này ngày sau phải được gả làm vương phi, chứ không thể gả cho hạng phò mã tầm thường được.”
Năm công chúa Ngọc Hân vừa tuổi trăng tròn thì kinh thành Thăng Long xảy ra biến cố long trời lở đất. Chỉ trong một trận chớp nhoáng, tướng Tây Sơn đã thổi bay cơ đồ họ Trịnh hơn hai trăm năm lấn át vua Lê.
Tất cả hoàng cung hồi hộp lo sợ, những tưởng quân Tây Sơn sẽ làm cỏ kinh thành. Nhưng không, tướng của họ đã cởi bỏ gươm trước khi vào ra mắt vua Lê và nêu rõ mục đích của mình là “phò Lê diệt Trịnh”.
Nhân đó, Nguyễn Hữu Chỉnh đã dâng kế “hôn nhân chính trị” để yên lòng dân, và xin được đứng ra mai mối cho Nguyễn Huệ cưới công chúa Lê Ngọc Hân.
Hóa ra, cuộc hôn nhân do sắp đặt này lại chắp nối cho mối tình đẹp giữa một cặp trai anh hùng, gái thuyền quyên.
Nàng công chúa gặp được con người kiệt xuất, khác hẳn những vương tôn, công tử èo uột mà nàng thường tiếp xúc trong cung.
Vị tướng quân chọc trời khuấy nước, tự nhận mình là người thô ráp, không khỏi say mê trước người ngọc tài hoa, dịu dàng.
Được vài hôm, nghe tin vua cha ốm nặng, công chúa bàn với chồng cùng về thăm. Nguyễn Huệ chân thành nói:
– Lấy được nàng, ta cũng coi cha nàng như cha ta. Nhưng lúc này ta vào thăm cha thật không tiện. Giả như cha nàng có mệnh hệ nào, người ta có thể gán cho ta điều nọ tiếng kia sẽ rất bất lợi.
Sau 47 năm ở trên ngai vàng làm vì, vua Hiển Tông mới được hưởng vài ngày thoát khỏi ách chúa Trịnh thì đã băng hà.
Trước đó, triều đình đã chọn Lê Duy Khiêm – cháu đích tôn của vua lên nối ngôi. Những lúc trò chuyện cùng vợ, Nguyễn Huệ vẫn hay hỏi về những người trong hoàng tộc, xem ai là người có tài xứng đáng làm vua.
Ngọc Hân thực tình cho biết, Duy Khiêm là con người tầm thường, chỉ có anh mình là Sùng Nhượng công Duy Cẩn xứng đáng hơn cả.
Vì thế Nguyễn Huệ có ý không muốn lập Duy Khiêm làm vua. Hoàng gia vô cùng lo lắng, lại cho Ngọc Hân làm rối kỉ cương, có người còn đòi xóa bỏ tên nàng khỏi hoàng tộc.
Ngọc Hân sợ hãi, vội xin Nguyễn Huệ đồng ý cho Duy Khiêm lên làm vua, tức Lê Chiêu Thống. Vì chuyện này, Nguyễn Huệ rất tức giận, ông muốn kéo quân về Nam ngay, để mặc cho triều đình nhà Lê khu xử.
Song nể lời Ngọc Hân, ông nán ở lại. Ông mặc áo tang đứng bên tả điện xem xét mọi việc tế lễ rất nghiêm cẩn. Ngày tống táng, Nguyễn Huệ cưỡi voi đi đầu ba ngàn quân sĩ đưa quan tài đến tận nơi chôn cất. Sau lễ tang, ông nói với Ngọc Hân:
– Tiên đế có 30 người con, nay tất cả việc báo hiếu lại đến tay một người con gái. Nàng xem, có ai giúp đáp được việc gì đâu.
Không chỉ công chúa Ngọc Hân mà người dân Thăng Long đều cảm kích trước nghĩa cử của Nguyễn Huệ. Ở Thăng Long chừng một tháng, công chúa theo chồng về Phú Xuân.
Cuộc sống của công chúa Ngọc Hân sau khi lấy vua Quang Trung
Khi Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, Ngọc Hân công chúa được phong là Bắc Cung hoàng hậu. Trong số các hoàng hậu, bà là người được vua Quang Trung sủng ái nhất.
Nhưng Bắc Cung hoàng hậu vẫn sống rất khiêm nhường khiến ai nấy đều nể trọng. Bà luôn hết lòng chăm sóc chồng, dạy bảo lễ nghĩa cho các cung nhân, động viên tướng sĩ trước khi lên đường đánh giặc.
Có lần, vua Thái Đức ra thăm Phú Xuân, Ngọc Hân công chúa ra tiếp kiến. Nguyễn Nhạc nức nở khen cô em dâu dòng dõi cành vàng lá ngọc.
Khi ra Bắc lần thứ hai hỏi tội Vũ Văn Nhậm, Nguyễn Huệ cũng đặc biệt cho dùng kiệu vàng đưa Ngọc Hân ra theo để thỏa tình nhung nhớ quê hương của nàng.
Ngọc Hân sinh được cho vua Quang Trung hai người con, trai là Nguyễn Quang Đức, gái là Nguyễn Thị Ngọc Bảo. Cuộc sống hạnh phúc của bà với Nguyễn Huệ chỉ vẻn vẹn được bảy năm.
Năm 1792, nhà vua mất đột ngột, khi bà mới vào tuổi 23. Ngọc Hân đã để lại một áng thơ khóc chồng (Ai tư vãn) vô cùng cảm động:
Mà nay áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước biết bao công trình
Nghe rành rành trước vua Nghiêu Thuấn
Công đức dày ngự vận càng lâu
Mà nay lượng cả ơn sâu
Móc mưa tưới khắp chín châu đượm nhuần…
Trong đó câu “Mà nay áo vải cờ đào” đã trở thành một hình ảnh tượng trưng nhất của vua Quang Trung. Giờ đây người anh hùng đã ra đi, bà chỉ muốn được chết theo chồng, nhưng còn phải ở lại để nuôi con:
Con trứng nước thương vì đôi chút
Chữ tình thâm chưa thoát được đi
Vậy nên nấn ná đôi khi
Mình tuy còn ở, phách thì đã theo.
Theo bài “Danh nhân Lê Ngọc Hân” của Chu Quang Trứ, Lê Ngọc Hân đưa con ra khỏi cung điện Phú Xuân, sống trong chùa Kim Tiên cạnh điện Đan Dương để thờ chồng nuôi con.
Bà gượng sống đến ngày mồng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi (4 tháng 12 năm 1799) thì mất, lúc đó mới 29 tuổi. Phan Huy Ích đã thay vua Cảnh Thịnh viết bài văn tế bà.
Đền Ghềnh nơi thờ Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân
Khi Gia Long lên ngôi, ông ta đã trả thù những người thân của Nguyễn Huệ vô cùng tàn khốc. Hai con của Ngọc Hân cũng cùng chung số phận.
Năm 1804, bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền (vợ vua Lê Hiển Tông, mẹ ruột của công chúa Ngọc Hân) vì thương con gái và hai cháu ngoại đều chết yểu nơi xa, nên đã thuê người vào Phú Xuân lấy hài cốt ba mẹ con Ngọc Hân đưa về quê ngoại chôn cất tại làng Nành, tức Phù Ninh, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh.
Ngày 16 tháng 7 năm 1804, bà cho an táng hài cốt bà Ngọc Hân, phụ chôn hoàng tử ở bên trái và công chúa ở bên phải.
Nơi đó nay là bãi Cây Đại hay bãi Đầu Voi ở đầu làng Nành, xã Phù Ninh (nay là xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Tuy nhiên, những bi thương đối với Hoàng hậu Lê Ngọc Hân không dừng lại kể cả khi bà đã mất. Gần 50 năm sau, dưới thời Thiệu Trị, miếu bị đổ nát. Một ông tú người làng Nành nhớ công lao của Chiêu nghi họ Lê đối với dân làng đã quyên tiền tu sửa ngôi miếu. Không ngờ, có viên phó tổng cùng làng có thù riêng với ông tú, đã lên quan tố giác về việc thờ “ngụy Huệ”. Triều đình Huế liền hạ lệnh triệt phá ngôi miếu, quật ba ngôi mộ, vứt hài cốt xuống sông.
Đến năm 1858, cụ Ðặng Thị Bản đã quyên tiền khách thập phương và đứng ra xây lại ngôi đền. Ðể bảo vệ đền, không cho quan quân nhà Nguyễn đập phá, nhân dân dùng hình thức “thờ các chư vị”, nhưng thực ra là thờ Ngọc Hân.
Mẫu Liễu Hạnh, con gái Ngọc Hoàng và Mẫu Thượng ngàn, con gái thần núi Tản Viên cũng được rước về thờ chung, gọi là đền Ghềnh.
Năm 1872, đền lại bị giặc Pháp đốt sạch trong cơn binh lửa đánh Thành Hà Nội. Ðặng Thị Bản lại đi quyên góp xây lại đền. Sau đó, đền được xây lại khang trang hơn trước gồm bảy tòa lợp ngói và hai miếu thờ bà chúa Bé.
Trải bao phen binh lửa, can qua, đền Ghềnh vẫn được con cháu cụ Ðặng Thị Bản trông nom và dân làng gìn giữ đến ngày nay.
Chính thời thế loạn lạc ấy đã tạo nên một công chúa Ngọc Hân yểu mệnh, tạo nên mối nhân duyên ngắn ngủi nhưng đủ cho đời sau cảm nhận được những sự khốc liệt, đầy biến động sau cái chết đột ngột của Quang Trung.
Những ân ân oán oán giữa Tây Sơn và nhà Nguyễn, Ngọc Hân căn bản không liên quan gì nhưng bà lại phải chịu những nỗi đau giày xéo bởi họ Nguyễn Phúc. Nguyễn Huệ nợ bà, nợ rất nhiều thứ. Kết cục của mẹ con bà ngày hôm nay âu cũng là vì Huệ đã không thực hiện được lời hứa năm nào – lời hứa bảo vệ cho bà suốt cuộc đời này.