Nguyễn Hữu Chỉnh là ai?
Nguyễn Hữu Chỉnh (1741-1788) biệt hiệu Quận Bằng quê ở Nghệ An, ông làm tướng dưới trướng Tây Sơn Nguyễn Huệ nhưng bị Tây Sơn bỏ mặc nên chuyển qua “hầu” vua Lê. Cuối đời ông nhận cái kết bi thảm như đại bàng gãy cánh do tính cách của mình. Mời bạn cùng đọc sử lược để biết rõ hơn về ông qua bài viết Nguyễn Hữu Chỉnh – Đại bàng gãy cánh.
Anh em Tây Sơn vừa rút về Nam, tình thế Đàng Ngoài lại rơi vào cảnh nhiễu nhương. Bấy giờ Lê Duy Khiêm, cháu đích tôn của vua Lê Hiển Tông đã được đưa lên ngôi sau khi ông nội qua đời, tức vua Lê Chiêu Thống.
Nhưng khi Nguyễn Huệ theo anh rút đi thì họ Trịnh lại quay trở về, nhằm lập lại chế độ vua Lê chúa Trịnh trước kia. Các tướng cũ của họ Trịnh tôn phù Trịnh Bồng, một người bác họ của chúa Trịnh Khải từng bị Nguyễn Huệ tiêu diệt.
Trịnh Bồng dựa thế của họ, ngày càng lộng quyền, buộc Lê Chiêu Thống phải phong tước vương (Án Đô Vương), như thời các chúa Trịnh. Lê Chiêu Thống lo sợ, cầu cứu Nguyễn Hữu Chỉnh, viên tướng Tây Sơn bị anh em nhà Tây Sơn bỏ lại ở Nghệ An khi rút về Nam…

Con đường quan lộ của Nguyễn Hữu Chỉnh
Nguyễn Hữu Chỉnh vốn người xã Đông Hải, huyện Chân Phúc (nay là xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc), Nghệ An. Ông sinh năm 1742, là con của một nhà buôn giàu có, nổi tiếng thông minh từ nhỏ.
Năm 16 tuổi, Nguyễn Hữu Chỉnh đỗ Hương cống (cử nhân). Gặp thời loạn, võ cần hơn văn, ông bố cho con trai học cả võ, nên cùng năm đó, trong kì thi Tạo sĩ (tiến sĩ võ), Nguyễn Hữu Chỉnh vào đến Tam trường, thể hiện cả tài làm tướng.
Chỉnh đến kinh đô, làm môn hạ quận Việp Hoàng Ngũ Phúc, được giữ một chức quan nhỏ. Tính hào phóng, lại tài hoa, giỏi thơ Nôm, ăn nói khéo, gia tư lớn khiến Chỉnh giao du rộng, ăn chơi đệ nhất kinh thành và học hỏi được nhiều mưu sâu kế hiểm.
Năm Giáp Ngọ (1774), khi quận Việp một danh tướng thời Lê trung hưng mang quân chiếm Phú Xuân, Nguyễn Nhạc sợ bị quận Việp đánh mặt bắc, chúa Nguyễn đánh mặt nam bèn xin quận Việp cho làm tiên phong tấn công Nguyễn.
Nguyễn Hữu Chỉnh phục vụ quân Tây Sơn
Quận Việp bằng lòng và cử Nguyễn Hữu Chỉnh vào sắc phong cho Tây Sơn Vương. Chỉnh thân mật với Tây Sơn từ đó.
Đến năm Canh Tí (1780), do mất chỗ dựa ở Đàng Ngoài, Chỉnh bỏ “nước” vào Đàng Trong với Tây Sơn, hòng đi tiếp trên đường công danh.
Chỉnh được Nguyễn Nhạc tin cẩn, cho dự bàn quốc sự. Chỉnh tỏ ra hết lòng với Tây Sơn, bày mưu hiến kế, tích góp lương thảo, sắm sửa khí giới, luyện tập binh sĩ, đánh Chiêm Thành, Xiêm La, Bồ Man, luôn cầm gươm đi trước lập công.
Chính Nguyễn Hữu Chỉnh là người đã hiến kế cho Nguyễn Huệ bắc tiến ra Thăng Long dẹp phe chúa Trịnh đồng thời kết thân với vua Lê.
Mặc dù vậy, Nguyễn Nhạc vẫn luôn nghi ngờ con người có tiếng xảo trá này. Một lần, có người em rể Nguyễn Hữu Chỉnh ở Đàng Ngoài vào thuyết phục anh vợ bỏ Tây Sơn trở về. Chỉnh chẳng những không nghe, mà còn giết em rể để tỏ lòng trung thành với Tây Sơn.
Biết chuyện, Tây Sơn Vương dặn em phải hết sức đề phòng Hữu Chỉnh: Một người để được tin dùng đã làm một việc tàn ác như vậy, thì có khác gì Ngô Khởi giết vợ để làm đại tướng xưa kia. Để đạt được mục đích, Chỉnh hẳn chẳng từ bất cứ việc gì!
Chính vì vậy mà khi rút về Nam, anh em Tây Sơn đã không báo cho Nguyễn Hữu Chỉnh biết, để mặc cho Chỉnh một thân một mình ở lại Nghệ An!
Nguyễn Hữu Chỉnh phục vụ vua Lê
Song Nguyễn Hữu Chỉnh không phải tay vừa. Thấy Lê ChiêuThống phải cầu đến mình, ông ta liền nêu hịch “Phù Lê, diệt Trịnh”, và chỉ trong mươi ngày mộ được hàng vạn quân.
Chỉnh sắp đặt đội ngũ, nghiêm hiệu lệnh, luyện tập quân sĩ, chẳng bao lâu thành một đội quân hùng hậu. Khi quân lương đã đủ, Chỉnh đem quân về Thăng Long, đánh tan được Trịnh Bồng.
Chỉnh vào chầu vua Lê, được phong chức Bình chương Quân quốc trọng sự, Ðại tư mã, Bằng Quận công, thường gọi là quận Bằng (“bằng” có nghĩa là chim đại bàng).
Sau khi đã lần lượt dẹp hết các thế lực chống đối, Chỉnh nắm trọn quyền, chẳng khác gì chúa Trịnh. Ông làm được nhiều việc giúp cho sự ổn định và thiết lập một trật tự mới: cứ 5 ngày vua mới thiết triều một lần, còn những ngày khác, các quan cần gì phải đến phủ của Chỉnh để giải quyết.
Ông sắp đặt lại chính sự, đặt quan chế, thay đổi luật lệ, lập lại các doanh vệ, chia đồn trấn giữ… Các quan thấy vậy lục tục kéo về, triều đình có vẻ phồn thịnh như thời bình.
Nguyễn Hữu Chỉnh còn mở mấy khoa thi để kén chọn nhân tài. Thời loạn, nhà giàu chôn của, tiền trở nên khan hiếm. Các mỏ đồng ở thượng du bị thổ ti cản trở không nộp được như cũ. Chỉnh hạ chiếu thu đồ đồng của dân về kinh đúc tiền, khi thiếu còn thu cả tượng và chuông đồng nữa. Nhiều người bất bình, nhưng Chỉnh giải quyết được việc tài chính lưu thông.
Từ đó, thanh thế của Nguyễn Hữu Chỉnh lừng lẫy, quyền nghiêng thiên hạ, coi vua như trẻ con, khinh thường các quan, làm gì cũng không tâu trước, cho bè đảng cầm đại binh những nơi trọng yếu, lại chế mũ áo, xe ngựa kiểu riêng, oai vệ chẳng kém gì vua.
Chỉnh còn mở phủ cho con là Du ở phía đông phủ mình, bắt chước chúa Trịnh, khiến vua rất lo lắng. Lê Chiêu Thống đã định cho người mưu sát, song nghe lời can đã bỏ ý định ấy. Chỉnh biết chuyện, giận không vào chầu nữa, còn bắn tin doạ dẫm:
Ta đã nhìn kĩ tướng mạo hoàng thượng là người tàn nhẫn lại đa nghi. Nhưng nay bốn bể giặc giã, chuyện này hãy tạm gác lại đã.
Thấy rằng thế nào Tây Sơn cũng sẽ lại ra, nhiều đại thần thẳng thắn tâu trình, nhưng thảy đều bị Chỉnh bỏ ngoài tai. Ông tin rằng hai anh em Tây Sơn đang bất hoà, không thể động tới Đàng Ngoài. Đã có lần Chỉnh kiêu căng nói cùng thủ hạ:
– Dù Nguyễn Huệ là anh hùng hào kiệt ở miền Nam, ta cũng đâu kém gì hắn. Hắn quỷ quyệt hơn ta nhưng ta khôn ngoan hơn hắn. Trước ta từng cộng sự với hắn nên ngày nay hãy nhường hắn một nước cờ, đợi khi nước tạm yên, ta sẽ chuyên tâm lo việc phương Nam. Lúc đó ta sẽ tập hợp binh mã giao phong với hắn một trận sống mái.
Chỉnh đâu có ngờ những bước đi trên bàn cờ của mình đã bị con mắt “thiên lí nhãn” của Nguyễn Huệ nhìn thấu.
Số phận Đại bàng gãy cánh của Nguyễn Hữu Chỉnh
Năm 1787, Nguyễn Huệ sai các tướng Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân phối hợp cùng Tiết chế Vũ Văn Nhậm đóng ở Nghệ An ra hỏi tội Nguyễn Hữu Chỉnh. Sau khi giết được các tướng trấn thủ Thanh Hóa, quân Tây Sơn kéo thẳng ra Thăng Long.
Nguyễn Hữu Chỉnh đang ăn cơm hay tin thì hoảng sợ, quăng đũa, sai con là Du đi trước ứng chiến, tự mình cầm quân tiếp viện.
Tháng Chạp, Du thua ở sông Thanh Quyết, hai cha con rút về Thăng Long, đưa vua qua đò sông Đáy chạy đi huyện Yên Dũng (Bắc Giang). Khi đến Mục Sơn thì quân Tây Sơn đuổi kịp. Ngựa của Chỉnh bị què nên bị quân Tây Sơn bắt sống.
Hôm ấy là ngày 12-1-1788. Chỉnh xin được gặp Vũ Văn Nhậm nói một câu. Nhậm không cho, sai người kể tội rồi phanh thây, bêu đầu Chỉnh ở cửa Ðông kinh thành.
Quận Bằng – “con chim đại bàng” – Nguyễn Hữu Chỉnh đã gãy cánh sau khi tung bay trên chín tầng trời Bắc Hà.
Nguyễn Huệ tiếc Nguyễn Hữu Chỉnh là người có thực tài, lại có công mở nước nên sai cấp cho vợ con Hữu Chỉnh 30 lính hầu và 30 mẫu ruộng để hưởng lộc đời đời.