Chợ Thuận…
Có những nơi, đi qua là quên. Cũng có những chỗ, chỉ cần một lần bước chân là cả đời mang theo mùi. Chợ Thuận một buổi sáng tháng Tư nắng còn chưa lên tới đọt tre, mà lòng người đã đông như mạch lúa chín sau làng.
Chợ nằm nép bên cánh đồng, nơi lúa rì rào như thể vẫn thì thầm chuyện của người xưa. Không cao sang gì, xây rồi đó, nhưng lụp xụp. Mái tôn loang lổ nắng mưa, những tấm bạt xanh bạt đỏ che tạm trên những gian hàng nhỏ. Vậy mà nó sống, sống dai như cây ngô đồng đầu làng, sống khéo như bàn tay phụ nữ quê tôi: biết cách lựa cá giữa tiếng rao, biết cách múc chè bằng cử chỉ chậm rãi, chắc nịch của một đời người từng trải.
Người ta đến chợ không chỉ để mua. Người ta đến để gặp. Dì Hồng tạp hoá lúc nào cũng đông người, không phải vì rẻ, mà vì thân. Thím Hồng, o Bé Thế, hai hàng thịt heo đầu chợ ai cũng biết tiếng. Dao bén, thịt tươi, mà nụ cười cũng tươi như từng lớp thịt đỏ au trải lên thớt mỗi sớm.
Mụ Tuyền bán rau củ quả, cái nào cũng xanh như chưa từng qua mùa hạn. Mắt cười, nhưng tay bày rau như bày lại những tháng ngày đã cũ, có mùi đất, có giọt mồ hôi, có cả tiếng thở dài của những sáng chưa kịp nắng mà đã lo cơm gạo.
O Bốn bán bánh ít lá gai, chỉ cần nhìn dáng thoăn thoắt là biết bánh ngon từ tay chứ không phải từ công thức. Mệ bán chè người ta quen gọi là mụ Lụt, lựa từng cọng lá chè tươi như thể đang lựa lại ký ức nhà quê trên cái sạp chong vanh.
Hàng cá chen dưới mấy mái ô ướt sũng, mùi tanh và tiếng mặc cả hoà trong nhịp gió đồng. Bún nghệ, thịt tươi, những rổ rau muống non mướt, xanh đậm, tất cả chen nhau trong một không gian mà ai cũng biết tên nhau, biết người nào vắng, người nào bệnh, người nào mới đẻ cháu trai.
Ở một góc nhỏ sát lối ra, mụ Vân bày la liệt những thùng xốp to nhỏ, người ta hay ghé mua để gửi thịt cá cho con đi học xa. Cái sự chăm chút của người quê, từ mớ rau đến miếng cá, gom hết lại trong một chiếc thùng như gửi theo cả mùa, cả quê hương vào thành thị.
Chợ nhỏ, mà không nhỏ. Nó chở cả một mùa trong lòng. Mùa mưa về thì nước ngập sát sạp, o bán cá xắn quần đến gối, cười hì hì. Mùa hè, tiếng tu hú kêu vọng từ xa, rơi xuống mái chợ như một lời nhắc: “Ở đây còn người, còn chợ, còn ký ức.”
Có thể một ngày nào đó, chợ sẽ được xây lại, đẹp hơn, thẳng hàng hơn, có quầy sạch, có sàn bóng. Nhưng có lẽ mãi mãi là vậy, mùi cá tươi lẫn trong gió, tiếng gọi nhau bằng tên cúng cơm và cái dáng người ngồi xếp bằng bên sạp bánh, tay thoăn thoắt, mắt nhìn ra đồng.
Chợ Thuận không cần phải hoành tráng. Nó chỉ cần đúng như bây giờ, nơi mùa vẫn còn ở lại. Nơi người ta không mua kí ức, nhưng mang về đầy trong tay, trong áo, trong lòng.
Và nếu một ngày đi xa, chỉ cần nhắm mắt lại sẽ thấy mình như đang lững thững đi trong chợ sớm, nghe tiếng dao thớt chạm nhau, nghe giọng rao quen, thấy màu nắng loang qua mái bạt, và bất chợt… nhớ một quê nhà, nhớ một chợ quê, nhớ một thời chưa bao giờ quay lại.
Mời tham gia Group: XÃ TRIỆU BÌNH (Gộp Triệu Đại, Triệu Thuận, Triệu Hòa, Triệu Độ)
Thông tin cơ bản về chợ Thuận Đại Hào
Chợ Thuận thuộc thôn Đại Hào, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Cách UBND xã Triệu Đại 700m, cách QL49C đoạn cầu ngã tư Đại Hào và trường THPT Nguyễn Hữu Thận 1km.
Chợ Thuận cũ nằm trên trục đường liên xã Triệu Đại – Triệu Thuận – Triệu Độ đoạn cuối thôn Đại Hào giáp với thôn Phúc Lộc (nay là thôn Võ Phúc An) Triệu Thuận.
Chợ Thuận mới cách chợ cũ 300m được đầu tư xây dựng kiên cố và đi vào hoạt động từ năm 2010

Chợ Thuận bán gì
Chợ Thuận là ngôi chợ quê vì vậy hàng hóa ở đây hầu hết được sản xuất nuôi trồng hoặc đánh bắt từ các vùng lân cận, ngoài ra còn có thực phẩm thiết yếu bán trong các ki-ốt của chợ.


Các bài viết về chợ Thuận
Chợ Thuận – Thương hoài một miền quê
Làng tôi Đại Hào, Triệu Đại, Triệu Phong, Quảng Trị.
Một miền quê như mọi miền quê.
Mà tha thiết hồn tôi đến thế.
Mỗi bước ra đi mỗi hẹn ngày về.
Chú thích: