Cái chết bí ẩn của vua Duy Tân
Năm 1925, Khải Định mất, thọ hơn 40 tuổi, vua Duy Tân từ đảo Réunion, gửi về hai câu điếu:
Ông vội bỏ đi đâu, bỏ tiền, bỏ bạc, bỏ vợ, bỏ con, bỏ thầy tu, hát bội, bỏ hết trần duyên trong một lúc.
Tôi may còn lại đó, còn trời, còn đất, còn nước, còn non, còn anh hùng, hào kiệt, còn nhiều vận hội giữa năm châu”.
Vận hội ấy, phải chăng là cuộc hội ngộ ngày 14 tháng 12 năm 1945 với Đại tướng Charles de Gaulle để giải quyết vấn đề Việt Nam.
Vua Duy Tân thoát nạn nhờ mối tình dang dở với con gái đại thần
Ông Georges Vĩnh San con của vua Duy Tân có giữ văn kiện báo tử chính thức của Bộ Cựu Chiến binh và Nạn nhân Chiến tranh (Ministère des anciens combattants et victimes de guerre) mang số hiệu hồ sơ 611.245. Văn kiện báo tử chứng nhận người tử nạn mang họ “VINH SAN”, tên “Hoàng tử Annam” , chức vị thiếu tá trong quân đội Lực lượng Tự do Pháp (Forces Françaises Libres), sinh ngày 19 tháng 8 năm 1900 tại Huế (Annam), qua đời ngày 26 tháng 12 năm 1945, nơi tử nạn M’Baiki – Oubanghi Chari – Bassako, lý do: tai nạn máy bay.
Vua Duy Tân tử nạn đúng vào dịp lễ Giáng Sinh, ngày mà đa số gia đình ở Âu châu cử hành lễ ngày sinh của Chúa và tổ chức những bữa ăn truyền thống gia đình sum họp, hưởng dương 47 tuổi. Nỗi đau đớn của gia đình vua Duy Tân tại đảo Réunion đêm Giáng Sinh năm ấy, nhất là của người mẹ trẻ và đứa bé gái mới sinh không được nhìn thấy mặt cha dù chỉ một lần.
Tướng De Gaulle quyết định đặt Hoàng tử trở lại ngôi Hoàng đế Việt Nam, ba kỳ thống nhất, dưới một chính thể trung ương hoàn toàn tự do cai trị và tổ chức nền kinh tế của minh. Pháp đảm nhận phòng thủ biên cương cho Việt Nam trong một thời hạn nào đó sẽ được minh định, để cất gánh nặng cho ta việc tạo lập một quân đội khi Việt Nam chưa đủ phương tiện để duy trì và tăng cường nó.
Tướng De Gaulle sẽ đích thân đưa Hoàng tử Duy Tân về Việt Nam vào đầu tháng 3 năm 1946 sau 30 năm bị đày ở Châu Phi. Trước khi được về nước, nhà vua muốn trở lại nơi ở của mình những năm tháng lưu đày để thăm gia đình vợ con và người thân mà theo ngài có thể chẳng bao giờ được gặp lại họ khi đã về nước. Chẳng may, trên đường về thăm gia đình ở đảo Réunion, Ngài tử nạn máy bay ngày 26-12-1945 gần Bangui thuộc Trung Phi
Ông Eugène-Pierre Thebault, tiến sĩ luật, cựu quan tòa, chánh văn phòng của Thống đốc đảo Réunion, là người bạn thân được gặp vua Duy Tân lần cuối cùng vào ngày 17.12.1945 tại Paris, ông có viết hồi ký lại:
“… Ngài nói với tôi về cái gia đình nhỏ của Ngài, bỏ lại trên đảo, và về năm đứa con, Ngài mới biết được cách đây vài ngày đứa con thứ năm của Ngài chào đời ở Saint-Denis, một đứa bé gái mang tên Marie Gisèle Andrée (sinh ngày 01.12.1945), Ngài muốn trông thấy mặt con, gặp lại người bạn đường, luôn cả bốn đứa con nhỏ kia (con của bà Fernande Antier), trước khi trở về An Nam, Ngài muốn sắp xếp lại công việc gia đình, vì Ngài nói với tôi, bao giờ và bằng cách nào tôi sẽ có thể gặp lại chúng? Chính vì thế Ngài nhất định muốn trở về đảo Réunion thăm gia đình và bạn bè thân hữu vài ngày, những người đã an ủi, khuyến khích và kề cận bên Ngài trong những ngày tăm tối. Văn phòng tướng de Gaulle đã ra chỉ thị chi tiêu mọi phí tổn cho chuyến về thăm gia đình, ngày bay được ấn định là ngày 24.12.
… Nhưng suốt buổi tối hôm đó, Ngài có vẻ buồn bã, đầy lo lắng, tinh thần trĩu nặng, khác với mọi hôm… Chúng tôi sánh vai nhau đi bộ một quãng đường, trong một đêm tháng mười hai thật đẹp, lạnh cắt da nhưng khô ráo. Vĩnh San nói với tôi: “Thế thì tôi sẽ trở về Đông Dương, có thể để lãnh một trái bom hay một nhát dao đâm vào người, nhưng làm sao được, mỗi người có một định mệnh không thể tránh khỏi. Con dao, viên đạn hay trái bom, đó là định mệnh của vua chúa. Trước viễn tượng đó tôi không hề sợ hãi hay nao núng. Một ngày nào đó, khi tôi ngã xuống, tôi đã hoàn tất định mệnh của tôi, và trong mọi trường hợp tôi đã làm tròn bổn phận mà định mệnh đã giao phó cho đời tôi, tôi biết tại sao tôi là Vua. Nhưng tôi sẽ không nhủn lòng đâu…”
Chúng tôi tiếp tục sóng vai đi cạnh bên nhau thêm một lúc, khi đang đi ngang qua vườn Jardin des Tuileries, vắng bóng người vào giờ đêm đã trễ này, Vĩnh San đột nhiên ngừng lại, tay Ngài nắm lấy cánh tôi, trầm trọng, buồn bã, nhìn thẳng tôi trong mắt, bằng một giọng nặng nề, Ngài nói những từ làm cho tôi rúng động: “Bạn biết không, bạn già Thebault của tôi, có một điều gì báo cho tôi biết là tôi sẽ không trị vì được…”
Eugène-Pierre Thebault cũng là người thề trên danh dự làm chứng rằng, trong đêm đó, 17 tháng 12 năm 1945, vua Duy Tân thố lộ rằng nước Anh sẽ biếu nhà vua ba mươi triệu nếu nhà vua từ bỏ ý định trở về Việt Nam.
Nếu vua Duy Tân không gặp nạn lúc đó để có sự xuất hiện của tướng De Gaulle cùng với vua Duy Tân tại Việt Nam sẽ là một sự kiện chính trị lịch sử hết sức quan trọng. Và, tất nhiên, có thế lực không muốn sự kiện ấy xảy ra.
Chiếc máy bay Lockheed Lodestar, kiểu C-60, mang ký hiệu F.-BALV của hãng hàng không Réseau des Lignes Aériennes Françaises trên đường bay France-Madagascar via Alger, Ligne 119, cất cánh từ Paris vào ngày 24.12. 1945 nghỉ bay tại Fort Lamy sau khi đã qua Alger, tiếp tục bay từ Fort Lamy vào lúc 13.50 giờ trực chỉ hướng Bangui, là trạm dừng bay kế tiếp, rơi xuống gần làng Bossako thuộc vùng M‘Baiki, La Lobaye, trên lãnh thổ Oubangui-Chari vào lúc 18.30 ngày 26.12.1945, vỡ tan từng mảnh, phi hành đoàn gồm có ba sĩ quan và sáu hành khách, năm người đàn ông, một người đàn bà, trong đó có hoàng tử Vĩnh San, không một ai sống sót.
Tướng De Gaulle thất vọng và thất bại vì không thay đổi được thể chế đa đảng bằng thể chế trưng cầu dân ý phổ thông và trực tiếp, rời chính quyền vào ngày 20 tháng một năm 1946, chưa đầy một tháng sau cái chết của vua Duy Tân
Cuộc trở về Việt Nam của vua Duy Tân sau cái chết 40 năm
Sau khi tai nạn xảy ra, di hài của vua Duy Tân được chôn cất ngày 26.12.1945 trong nghĩa địa của Hiệp hội Công giáo tại M’Baiki, nước Cộng hòa Trung Phi (Phi châu).
Ngôi mộ của vua Duy Tân nằm chính giữa các ngôi mộ của những người đồng tử nạn, và mộ được xây cao hơn, bề thế hơn là những ngôi mộ chung quanh, yên nghỉ đã từ mấy chục năm nay tại chỗ.
Bốn mươi hai năm sau, hài cốt của vua Duy Tân được gia đình, dưới sự chứng kiến của Georges Vĩnh San và chính quyền sở tại, bốc từ nghĩa địa ở M’Baiki để chuyển về Huế an táng, với sự trợ giúp của chính quyền Việt Nam.
Georges Vĩnh San con vua Duy Tân, được sự trợ giúp tích cực của những người theo trường phái de Gaulle, thủ tướng Jacques Chirac, đại tướng Alain de Boissieu (con rể của de Gaulle) và Jacques Foccard, tôn trọng cuộc đời và sự hy sinh của vua Duy Tân, bay qua M‘Baiki tổ chức công việc bốc mộ, đưa về Paris làm lễ truy điệu ở Vincennes, trước khi chuyển hài cốt về Việt Nam.
Buổi lễ bốc mộ ở M‘Baiki diễn ra dưới ánh nắng chói chang của nền trời châu Phi. Mộ vua Duy Tân nằm giữa các ngôi mộ của những người đồng tử nạn máy bay, được xây cao nhất, bề thế nhất, so với các nấm mộ bên cạnh, mà từ bốn mươi hai năm nay vẫn yên nghỉ nơi đây. Lễ bốc mộ đơn giản nhưng thành kính tôn nghiêm, có sự hiện diện của chính quyền địa phương, Lãnh sự Pháp và dân chúng đứng xa xa chung quanh theo dõi. Xương cốt của vua Duy Tân bốc lên được chuyển ngay tại nghĩa địa vào trong một quan tài bằng chì, lộng kính bên trong, đóng ấn của Lãnh sự Pháp tại M‘Baiki. Lớp quan tài thứ hai bằng gỗ, vuông vắn đơn sơ, cũng được niêm phong bởi dấu ấn của Lãnh sự Pháp tại M‘Baiki.
Georges Vĩnh San đặt vào giữa hai quan tài tấm bia mộ của vua Duy Tân tại M‘Baiki.
Nhà vua về nước, đem theo một ít đất đỏ Phi châu, nơi yên nghỉ từ mấy mươi năm nay. Quan tài được phủ lá cờ Pháp, do bốn người lính chuyển lên xe, đưa về Lãnh sự quán, nơi nhà vua được tiếp đón bằng nghi thức quân đội. Sau tiếng kèn tử sĩ, Lãnh sự M‘Baiki đọc điếu văn, nhắc lại cuộc đời của vua Duy Tân, trước phút mặc niệm.
Một buổi lễ cầu siêu cho vua Duy Tân được tổ chức tại chùa Vincennes vào ngày 28.03.1987, với sự tham dự đông đảo của nhiều nhân vật quan trọng Pháp, Việt.
Chính phủ nước ta dưới thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng tỏ một cử chỉ đẹp, cho nghỉ một ngày ở Huế, tổ chức lễ an táng và trang trải tất cả mọi chi phí cho gia đình vua Duy Tân về Huế dự lễ. Cỗ xe tang vua Duy Tân được đưa đi trên các đường phố ở Huế để từ giã cố đô.
Lễ quốc táng long trọng được chính phủ Việt Nam và hoàng tộc cử hành ngày 06 tháng tư năm 1987 tại điện Cần Thành, Huế. Ông Georges Vĩnh San và các em tham dự buổi lễ trọng thể này tại cung điện hoàng gia. Vua Duy Tân an nghỉ vĩnh viễn tại An Lăng, nơi có mộ phần của cha là Thành Thái và ông nội là Dục Đức.
Cái chết bí ẩn bất ngờ của vua Duy Tân đã gác lại Vận hội năm châu của ông. Tròn 30 năm lưu lạc nơi miền đất châu Phi xa xôi, 40 năm còn lại gửi xác dưới lòng đất ấy, cuối cùng nhà vua yêu nước đã được trở về cố hương, an nghỉ nơi mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Từ khi vua Duy Tân bị đem ra khỏi Huế, cho đến lúc chỉ còn là nắm xương tàn trở lại, bảy mươi mốt năm trời đã trôi qua. Người Việt thường tự an ủi đời người có số có phần. Số phận vua Duy Tân thật làm cho người đời thương tiếc.
Để lại một bình luận